Malaysia mong muốn một cơ chế hợp tác tiền tệ quốc tế hiệu quả hơn
Tại hội nghị cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc, Malaysia bày tỏ mong muốn có một cơ chế hợp tác tiền tệ quốc tế công bằng và hiệu quả hơn để giải quyết những nhu cầu và thực tế của các nước đang phát triển.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc (LHQ) lần thứ 12 tại Phnom Penh, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 cùng các hội nghị liên quan, Malaysia đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự thảo nghị quyết đang được tham vấn về tình hình của Myanmar tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Malaysia - thông qua tài khoản Twitter chính thức @Wisma Putra - cũng nhấn mạnh tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 41 rằng ASEAN và LHQ nên tập trung hợp tác nhằm củng cố chủ nghĩa đa phương, đồng thời cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ các nước đang phát triển thúc đẩy bình đẳng, công lý và trao quyền thông qua hỗ trợ tài chính, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.
Cũng trên trang Twitter của Bộ Ngoại giao, Malaysia bày tỏ tin tưởng rằng cần có một cơ chế hợp tác tiền tệ quốc tế công bằng và hiệu quả hơn để có thể giúp giải quyết những nhu cầu và thực tế của các nước đang phát triển.
Quan điểm nêu trên của Malaysia cũng đã được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (APT) lần thứ 25 được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia. ASEAN+3 bao gồm tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN cũng như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Dòng trạng thái trên Twitter nêu rõ Malaysia kêu gọi các nước APT tiếp tục thúc đẩy các hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc và tận dụng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) hiện có và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để đảm bảo một tương lai bền vững và thịnh vượng chung lâu dài.
Cuộc họp cũng đã thảo luận về những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức và sự sẵn sàng của các quốc gia APT trong việc đối mặt với những thách thức sắp xảy ra như an ninh lương thực và năng lượng, nông nghiệp bền vững, biến đổi khí hậu và gián đoạn nguồn cung do suy thoái kinh tế, thông qua các cơ chế hiện hành do ASEAN dẫn đầu bao gồm: Kho dự trữ gạo khẩn cấp của ASEAN+3 (APTERR), Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) và Thị trường trái phiếu ASEAN+3. Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh cũng đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Trong khi đó tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia lần thứ hai, Malaysia đã khuyến khích ASEAN và Australia ưu tiên tạo việc làm đảm bảo cho tương lai và nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Hội nghị cũng kêu gọi cả hai bên tăng cường khả năng tồn tại của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và các công ty khởi nghiệp, cũng như cải thiện năng suất sản xuất và kết nối chuỗi cung ứng.
Do Malaysia đang chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 (GE15) ngày 19/11 tới, Chủ tịch Hạ viện Azhar Azizan Harun, đại diện đặc biệt của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob, đã dẫn đầu đoàn đại biểu Malaysia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Campuchia./.