Malaysia sẽ buộc các mạng xã hội chịu trách nhiệm về tội phạm trực tuyến

Bộ Truyền thông Malaysia đang soạn thảo luật an toàn trực tuyến mới để buộc các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm về các vụ lừa đảo, bắt nạt và ấu dâm trên nền tảng của họ.

Căng thẳng giữa chính quyền Malaysia và các nền tảng truyền thông xã hội xuất hiện ngay sau khi Thủ tướng Anwar Ibrahim đắc cử vào năm 2022.

Thời điểm ấy, Bộ trưởng Truyền thông Fahmi Fadzil đã triệu tập đại diện TikTok để yêu cầu giải trình về sự lan truyền của nội dung mang tính phân biệt chủng tộc và tin tức giả mạo trên nền tảng này trong cuộc bầu cử năm đó.

 Bộ trưởng Truyền thông Malaysia Fahmi Fadzil. Ảnh: SCMP

Bộ trưởng Truyền thông Malaysia Fahmi Fadzil. Ảnh: SCMP

Một vụ bắt nạt trên mạng gần đây nhắm vào một nữ KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) dẫn đến vụ tự tử của cô này vào ngày 5/7 đã khiến Chính phủ Malaysia quyết đẩy nhanh việc ban hành luật mới.

Hôm thứ Tư (24/7), Bộ trưởng Fadzil cho biết ông sẽ tới Singapore vào Chủ nhật để gặp gỡ đại diện của các công ty truyền thông xã hội lớn nhằm nêu lên mối quan ngại của Malaysia về mức độ tuân thủ khác nhau liên quan đến sự gia tăng của tội phạm trực tuyến trên các nền tảng tương ứng của họ.

Ông nói: “Một số công ty tuân thủ nhanh chóng, một số thì từ chối tuân thủ hoặc mất rất nhiều thời gian để phản hồi với chính quyền [Malaysia]”.

Theo ông, tỷ lệ tuân thủ cao nhất là Facebook và Instagram với 84%, 76% trên TikTok và 65% trên Telegram. “Twitter - hay bây giờ là X - đứng cuối cùng, ở mức thấp nhất, chỉ chiếm 25 %”, Bộ trưởng Fadzil nhấn mạnh.

Những số liệu này dựa trên việc liệu chủ sở hữu nền tảng có hành động giải quyết các khiếu nại do chính quyền đưa ra về nội dung trên nền tảng hay không.

Luật an toàn trực tuyến mới của Malaysia đề xuất buộc các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội phải xin giấy phép hoạt động tại nước này. Chính phủ Malaysia cho biết điều này là cần thiết vì nội dung có hại tràn lan trên mạng xã hội và nền tảng nhắn tin trên internet.

Bộ trưởng Fahmi Fadzil cũng cho biết các nền tảng mạng xã hội cần chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề mà chính quyền Malaysia quan ngại, bao gồm sự gia tăng của những kẻ lừa đảo cũng như tình trạng buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Lừa đảo trực tuyến cũng cho thấy một xu hướng đáng lo ngại, với các vụ lừa đảo ở Malaysia đã tăng gấp đôi từ 17.668 vụ vào năm 2019 lên 34.495 vụ vào năm ngoái.

Trong khi đó, Trung tâm Chống khủng bố khu vực Đông Nam Á (SEARCCT) tiết lộ rằng các nhóm khủng bố hiện đang sử dụng trò chơi điện tử trực tuyến để tuyển dụng những người trẻ tuổi tham gia phong trào của chúng.

Nguyễn Khánh (theo SCMP, New Straits Times)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/malaysia-se-buoc-cac-mang-xa-hoi-chiu-trach-nhiem-ve-toi-pham-truc-tuyen-post304876.html