Malaysia tham vọng giành lại giới đầu tư giàu có châu Á với 'thị thực vàng' mới
Malaysia hy vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trở lại bằng những thay đổi mới đối với hệ thống cấp 'thị thực vàng' My Second Home (MM2H).
Ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Tiong King Sing thông báo quy trình cấp thị thực và các yêu cầu về tài chính giờ đây đối với chương trình MM2H sẽ trở nên linh hoạt hơn để cho phép người nước ngoài có được thị thực dài hạn dễ dàng hơn.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Malaysia sẵn sàng giảm bớt yêu cầu điều kiện số tiền đầu tư và tiêu chí thu nhập đối với người nước ngoài để có được thị thực dài hạn trong bối cảnh đơn xin thị thực MM2H vào quốc gia này sụt giảm trong thời kỳ đại dịch. Năm 2021, số lượng đơn nộp xin thị thực MM2H đã giảm 90% tại các thị trường trọng điểm, bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc.
Malaysia mong muốn với ưu đãi “thị thực vàng”, họ có thể chiếm lĩnh một phần chi tiêu của nhóm người giàu có ở châu Á, cũng như nhóm người phương Tây đang tìm cách rời khỏi.
Chính phủ Malaysia đưa ra động thái này sau khi nhận được lời phàn nàn từ các công ty xin thị thực và bất động sản trong khu vực, cho rằng các quy tắc điều chỉnh đối với quy trình xin thị thực áp dụng trong năm 2021 khiến việc đủ điều kiện tham gia chương trình trở nên quá khó khăn.
Để đăng ký thị thực MM2M, người nước ngoài phải chứng minh họ sở hữu tài sản lưu động trị giá 1,5 triệu ringgit (tương đương 354.000 USD) – nhiều hơn gấp 3 lần số tiền quy định trước đó. Các ứng viên cũng được yêu cầu chứng minh thu nhập hàng tháng ở nước ngoài ít nhất 40.000 ringgit (9.400 USD), gấp 4 lần so với yêu cầu trước và bắt buộc sống ở Malaysia trong tổng cộng 90 ngày mỗi năm.
Anthony Liew, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn MM2H, cho biết: “Khi bạn đặt ngưỡng yêu cầu quá cao, những người xin tiềm năng sẽ nộp đơn sang một quốc gia khác với yêu cầu bớt khắt khe hơn hoặc trì hoãn kế hoạch di cư của họ, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch”.
Đối với nhiều người nước ngoài, MM2M mang lại nhiều lợi thế. Bất kỳ ai sở hữu thị thực này đều có thể mua tài sản sở hữu toàn quyền và sống ở Malaysia về lâu dài. Thị thực 5 năm cũng miễn thuế đối với việc chuyển tiền từ nước ngoài vào Malaysia.
Theo dữ liệu từ Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia, từ khi triển khai chương trình vào năm 2002 đến năm 2019, đã có 48.471 đơn nộp đăng ký từ 131 quốc gia được phê duyệt. Trong khoảng thời gian này, gần 16.000 công dân Trung Quốc và 5.000 người Nhật Bản đã tham gia chương trình.
Đến thời kỳ đại dịch, các đơn xin thị thực đã tạm thời bị đình chỉ trong một năm, làm đảo lộn kế hoạch của nhiều người chuẩn bị chuyển đến Malaysia.
Áp dụng quy định mới khắt khe hơn, chính phủ Malaysia giải thích những đổi này nhằm thu hút nhiều cá nhân có thu nhập cao hơn, từ đó họ có thể đóng góp cho nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch và bất ổn chính trị đang diễn ra ở nước này.
Tuy nhiên, việc này lại phản tác dụng. “Tôi nghĩ đối với thị trường đại chúng, những người không thể đáp ứng được yêu cầu chắc chắn cảm thấy thất vọng”, Charlene Ng, tổng giám đốc công ty bất động sản Jade Land ở Hong Kong, bày tỏ.
Sau khi chính phủ Malaysia thông báo có điều chỉnh lại các điều kiện xin thị thực MM2M, các công ty bất động sản và xin thị thực cho biết họ đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.
Không chỉ Malaysia, một số các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng rục rịch khởi động các chương trình cấp thị thực “vàng” để thu hút những người nước ngoài giàu có. Cụ thể, Thái Lan cho phép người nước ngoài sống ở nước này trong 5 năm với khoản tiền đầu tư 600.000 baht Thái (17.500 USD).
Trong khi đó, Singapore nhắm đến các doanh nhân và nhà đầu tư giàu có thông qua chương trình 'Entrepass' và Indonesia gần đây đã bắt đầu chương trình “Ngôi nhà thứ 2” tương tự như Malaysia, nhắm đến các nhà đầu tư, khách du lịch và người về hưu có tài sản.