Mali, Niger, Burkina Faso ký thỏa thuận phòng thủ chung

Trang France24 đưa tin ba nước Mali, Niger, Burkina Faso vào ngày 16.9 đã ký kết thỏa thuận phòng thủ chung quy định hỗ trợ lẫn nhau nếu một thành viên bị tấn công.

Nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Mali cho biết Hiến chương Liptako-Gourma ba nước vừa ký kết thiết lập nên Liên minh các quốc gia Sahel (AES) với mục đích xây dựng nên kiến trúc phòng thủ tập thể và hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của người dân ba nước.

Liptako-Gourma là khu vực mà Mali, Niger, Burkina Faso đều có biên giới chung. Vài năm qua khu vực này bị tàn phá bởi chủ nghĩa thánh chiến cực đoan. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mali Abdoulaye Diop: “Liên minh sẽ là sự phối hợp nỗ lực quân sự lẫn kinh tế giữa ba nước. Chúng tôi ưu tiên đối phó khủng bố tại khu vực”.

Quan hệ giữa Mali, Niger, Burkina Faso khá thân thiết - Ảnh: France24

Quan hệ giữa Mali, Niger, Burkina Faso khá thân thiết - Ảnh: France24

Quan hệ giữa Mali, Niger, Burkina Faso khá thân thiết. Kể từ năm 2020 đến nay, cả ba nước châu Phi đều trải qua đảo chính. Gần đây nhất là quân đội Niger lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào tháng 7.

Khi Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đe dọa can thiệp quân sự tại Niger để khôi phục trật tự tại Niger, Mali và Burkina Faso lập tức lên tiếng cảnh báo đồng nghĩa tuyên chiến với họ.

Hiến chương Liptako-Gourma vừa được ký quy định các bên phải hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một thành viên bị tấn công. Thỏa thuận viết rõ: “Bất cứ cuộc tấn công nào gây tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một hoặc nhiều bên ký kết sẽ bị coi như hành vi xâm lược các bên khác, làm phát sinh nghĩa vụ hỗ trợ gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang để khôi phục và đảm bảo an ninh”.

Cũng theo Hiến chương Liptako-Gourma, ba nước sẽ hợp tác để ngăn chặn hoặc giải quyết các cuộc nổi dậy vũ trang.

Mali vài năm gần đây phải đối phó không chỉ khủng bố Al-Qaeda mà còn một số nhóm chiến binh người Tuareg. Nước này năm ngoái yêu cầu lực lượng chống khủng bố của Pháp rời đi, đến năm nay lại đề nghị lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (MINUSMA) kết thúc nhiệm vụ.

Lực lượng Pháp cũng đã không còn được phép đồn trú tại Burkina Faso, còn phía chính quyền quân sự Niger vừa chấm dứt một số thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mali-niger-burkina-faso-ky-thoa-thuan-phong-thu-chung-205585.html