Mâm cúng Tất niên cần những gì để được đầy đủ, ấm cúng?

Chuyên gia văn hóa cho rằng, tất niên ngày nay được mọi người xem là dịp để quây quần bên nhau, nhìn lại một năm đã qua và cùng chuẩn bị chào đón năm mới.

Lễ cúng Tất niên là phong tục lâu đời mang đậm nét đẹp văn hóa, bản sắc truyền thống của người Việt Nam, với ý nghĩa hoàn tất năm cũ và chào đón năm mới.

Theo quan niệm của người Việt, ngày Tất niên có thể là ngày 30 Tháng Chạp (nếu đó là năm đủ) hoặc là ngày 29 tháng Chạp (nếu đó là năm thiếu). Tuy nhiên ngày nay, thời gian tổ chức tất niên linh hoạt hơn, người ta thường thì bắt đầu từ sau rằm tháng Chạp đối với các công ty. Với một số gia đình bận về quê, đi du lịch thì có thể cúng tất niên vào những ngày 27, 28, 29 tháng Chạp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo TS Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), mâm cúng tất niên mang ý nghĩa tiễn biệt năm cũ. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người thân đã khuất.

Chuyên gia văn hóa cho rằng, tất niên ngày nay được mọi người xem là dịp để quây quần bên nhau, nhìn lại một năm đã qua và cùng chuẩn bị chào đón năm mới.

Sau khi cúng Tất niên xong, gia chủ có thể mời khách đến nhà để ăn cơm Tất niên. Ngoài ra, tùy vào phong tục tập quán của mỗi vùng, việc cúng Tất niên có thể khác nhau.

Lễ cúng Tất niên cần chuẩn bị những gì?

Mâm cúng tất niên có có thể là cúng chay hay cúng mặn... không cần quá cầu kỳ nhưng quan trọng là trước tiên để thể hiện lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, người thân đã khuất trong gia đình, sau là để các thành viên ngồi ôn lại năm qua, động viên nhau trong năm mới, qua đó tạo nên không khí đầm ấm trong gia đình.

Theo chuyên gia phong thủy mâm cúng tất niên bao gồm: mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà, rượu, bánh chưng và mâm cỗ thức ăn (chay hoặc mặn).

Mâm ngũ quả, hương hoa thường được đặt trên ban thờ và sẽ thờ suốt Tết. Mâm cỗ mặn được đặt ở bàn thờ phụ hoặc một chiếc bàn nhỏ chữ nhật thấp hơn đặt trước bàn thờ chính.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mâm ngũ quả: Con số 5 trong ngũ quả ứng với quan niệm về ngũ hành. Nhiều người cho rằng mâm ngũ quả phải đủ 5 loại quả, thậm chí còn yêu cầu 5 mầu khác nhau làm sao cho đủ ứng với ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, mâm ngũ quả không cần thiết phải rất nhiều quả. Chỉ cần thể hiện tấm lòng của con cháu nhớ đến nguồn cội, ông bà tổ tiên. Sự thành kính nằm ở sự tinh tươm, dù chỉ có một loại quả thôi nhưng khi ra chợ chọn những quả ngon nhất, tươi nhất đó chính là thể hiện tấm lòng dâng lên tiên tổ. Chứ không phải thể hiện ở số lượng bao nhiêu, hay bao nhiêu loại quả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các gia đình nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín. Gia chủ có thể chọn chuối, bưởi, dưa hấu, cam, quýt, phật thủ, táo… Gia chủ không nên dùng quả xanh, quả giả để cúng gia tiên. Hoa bày bàn thờ có thể là một cành đào nhỏ.

Mâm cơm cúng Tất niên: Thường có thể là cúng chay hay cúng mặn... không cần quá cầu kỳ nhưng quan trọng là trước tiên để thể hiện lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, người thân đã khuất trong gia đình, sau là để các thành viên ngồi ôn lại năm qua, động viên nhau trong năm mới, qua đó tạo nên không khí đầm ấm trong gia đình.

Mâm cỗ mặn gồm các món thông dụng sau, các gia đình có thể tùy ý thay đổi, thêm bớt:

Mâm cỗ mặn tùy thuộc vào mỗi gia đình, có thể thêm bớt. Ảnh minh họa

Mâm cỗ mặn tùy thuộc vào mỗi gia đình, có thể thêm bớt. Ảnh minh họa

Miền Bắc: Thường chuẩn bị mâm cơm cúng rất chu toàn và tỉ mỉ với nhiều món ăn truyền thống như gà luộc, canh măng, miến xào, nem, xôi, bánh chưng, dưa muối, giò lụa, giò xào…

Miền Trung: Không quá cầu kỳ, tỉ mẩn như người Bắc, các món ăn trên mâm cúng tất niên khá đơn giản, thường có giò lụa, thịt gà, thịt heo, bánh chưng, bánh tét kèm với đĩa hành muối...

Miền Nam: Do thời tiết ngày Tết nóng hơn so với miền Trung và miền Bắc nên thực đơn cúng tất niên thường có canh khổ qua, chả giò, thịt kho trứng, gỏi tôm thịt, bánh tét ăn kèm với củ kiệu...

Nếu cúng chay, mâm cỗ tất niên có thể gồm: Canh rau củ nấu chay, đậu phụ chiên xào nấm tươi, miến xào chay, giò, chả chay, xôi gấc...

Người đọc văn khấn cúng Tất niên trong nhà nên là gia chủ, có thể là người chồng hoặc người vợ. Điều quan trọng là người thực hiện việc cúng, thắp hương và đọc bài khấn phải ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, thành tâm khi thực hiện nghi thức cúng.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/mam-cung-tat-nien-2023-can-nhung-gi-de-duoc-day-du-am-cung-172230120231637232.htm