Man City bị cáo buộc vi phạm luật tài chính, có cửa thoát tội hay không?

Man City từng thoát án thần kỳ trước án phạt tương tự từ UEFA cách đây 3 năm. Liệu đội chủ sân Etihad có thoát tội trong lần này?

Man City vừa bị ban tổ chức Ngoại hạng Anh buộc tội vi phạm Luật công bằng tài chính từ năm 2009 tới năm 2018. Ngoại hạng Anh đã tốn 4 năm điều tra để đưa vụ việc ra ánh sáng. Trong thông báo nêu rõ đội chủ sân Etihad vi phạm tới 113 lần về việc cung cấp thông tin không chính xác về tài chính và bất hợp tác điều tra.

Man City nhận hàng loạt cáo buộc từ BTC Ngoại hạng Anh

Man City nhận hàng loạt cáo buộc từ BTC Ngoại hạng Anh

Cụ thể, đội bóng này bị cáo buộc có 50 lần vi phạm che giấu thông tin tài chính thực của CLB, 8 lần vi phạm trong việc trả thù lao cho HLV, 25 lần vi phạm báo cáo lợi nhuận và 30 lần chống đối điều tra từ Ngoại hạng Anh. Theo đánh giá của Sky Sports, đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với đội chủ sân Etihad.

Cách đây 3 năm, đội bóng này từng bị UEFA “sờ gáy” vì lý do tương tự và nhận án phạt cấm chuyển nhượng 2 mùa cùng mức phạt 30 triệu euro. Tuy nhiên, họ đã thoát án thần kỳ nhờ kiện lên Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS).

Lệnh cấm chuyển nhượng được bỏ qua còn số tiền phạt giảm xuống chỉ còn 10 triệu euro. Liệu Man City có thể sử dụng cách này để thoát án phạt sắp được đưa ra của Ngoại hạng Anh?

Theo chuyên gia kinh tế Kieran Maguire, điểm khác nhau trong 2 cuộc điều tra của UEFA và Ngoại hạng Anh là thời gian tồn tại có hiệu lực của bằng chứng. Đối với UEFA, các bằng chứng chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm đổ lại còn với Ngoại hạng Anh là vô thời hạn.

Thêm vào đó, Ngoại hạng Anh có quyền sử dụng tài liệu không xuất phát từ CLB bị điều tra. Đây là luận điểm từng giúp Man City thoát tội khi đưa ra CAS (UEFA sử dụng tài liệu do tờ Der Spiegel của Đức cung cấp có nguồn gốc từ một hacker người Bồ Đào Nha). Đội chủ sân Etihad nhiều khả năng cũng sẽ kháng cáo từ luận điểm này.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là Man City sẽ không có quyền kháng cáo lên CAS nếu nhận án phạt từ Ngoại hạng Anh. Đội bóng này chỉ được phép kháng cáo lên hội đồng tư pháp của Ngoại hạng Anh. Sau đó, hội đồng tư pháp sẽ lập ra 1 ủy ban độc lập gồm 3 thành viên do chủ tịch hội đồng tư pháp Murray Rosen KC chọn ra xét xử. 3 thành viên này có thể nằm ngoài hội đồng tư pháp.

Nếu Man City hoặc Ngoại hạng Anh tiếp tục kháng cáo, một hội đồng độc lập mới (lần này có 6 thành viên) tương tự sẽ được lập nên để đưa ra phán quyết. Điều này đồng nghĩa với việc xử phạt Man City sẽ chỉ nằm trong giới hạn Ngoại hạng Anh.

Không thể đưa ra Tòa án trọng tài thể thao quốc tế, Man City khó lòng được giảm nhẹ chứ đừng nói tới chuyện thoát án thần kỳ trước UEFA giống như cách đây 3 năm. Tuy nhiên, vụ việc này chưa thể kết thúc sớm bởi số lượng tài liệu quá lớn.

Ngọc Lâm (Tổng hợp từ Sky Sports

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/the-thao/man-city-bi-cao-buoc-vi-pham-luat-tai-chinh-co-cua-thoat-toi-hay-khong-c28a47915.html