Màn 'mua sắm' chấn động thế giới của Elon Musk
Elon Musk là nhân vật chính trong thương vụ thâu tóm Twitter, gây chấn động giới công nghệ toàn cầu.
Ngày 25/4, Twitter công bố thỏa thuận bán cho Elon Musk với giá 44 tỷ USD, chỉ 3 tuần sau khi tỷ phú giàu nhất thế giới công khai việc mua hơn 9% cổ phần của mạng xã hội này. Tốc độ đàm phán của thương vụ khiến giới công nghệ toàn thế giới phải chấn động.
Trước đó một ngày, cuộc đàm phán giữa Musk với ban lãnh đạo Twitter diễn ra tích cực. Vị tỷ phú đã thuyết phục các cổ đông Twitter khi trình bày chi tiết về thương vụ, bao gồm kế hoạch hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng lớn.
Theo Bloomberg, thương vụ mua lại Twitter của Musk dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay. Thỏa thuận sẽ chấm dứt hoạt động của Twitter với tư cách công ty đại chúng từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu năm 2013, đồng thời giúp CEO Tesla đạt nhiều mục tiêu khác nhau.
Vì sao Elon Musk mua Twitter?
Tỷ phú giàu nhất thế giới dường như có ý định duy trì Twitter như một phương tiện để bản thân và những người có tầm ảnh hưởng thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
Elon Musk từng cho rằng Twitter chưa thể hiện được tiềm năng tự do ngôn luận. Giống như các nền tảng mạng xã hội khác, Twitter đang cố gắng ngăn chặn các nội dung tiêu cực, bao gồm bạo lực, lời nói thù hận hoặc thông tin sai lệch độc hại. Do đó, nhiều người nổi tiếng cảm thấy quyền tự do ngôn luận của họ chưa được tôn trọng.
Vào năm 2019, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã yêu cầu Tesla cấm tất cả tweet của Elon Musk nếu chứa thông tin có thể gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Điều này nằm trong thỏa thuận giữa SEC và Elon Musk giúp vị tỷ phú không bị truy tố sau khi ông đưa thông tin cân nhắc việc tư nhân hóa Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu.
Tất nhiên, CEO Tesla không hài lòng với thỏa thuận trên, cho rằng SEC chỉ đang muốn hạn chế quyền tự do ngôn luận của ông. Theo Independent, Musk luôn mô tả mình là “người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận”. Do đó, ông mong muốn sở hữu Twitter để có thể tự do chia sẻ quan điểm mà không phải thông qua kiểm duyệt.
Bên cạnh đó, The New Yorker nhận định Twitter là mạng xã hội chậm phát triển. Nó không theo kịp các đối thủ cạnh tranh như Facebook hay TikTok. Các bản cập nhật và tính năng mới của Twitter được phát hành rất rời rạc và khó hiểu, khiến người dùng không hài lòng.
Mặc dù vậy, Twitter vẫn là trung tâm của các cuộc tranh luận về văn hóa và chính trị, nơi để các nhân vật lớn trên thế giới đưa ra quan điểm của mình. Musk dường như quyết tâm khôi phục lại một Twitter như trước đây, khi việc tweet ít gây hậu quả hơn. Bằng cách đưa Twitter trở thành công ty tư nhân, Musk có thể đưa mạng xã hội này thoát khỏi các cơ quan quản lý.
"Tôi mua Twitter không phải để kiếm tiền. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là Twitter phải trở thành nơi toàn diện cho quyền tự do ngôn luận. Việc có một mạng xã hội được tin cậy là điều rất quan trọng với tương lai của văn minh nhân loại", Musk chia sẻ với lãnh đạo TED Chris Anderson.
Quá trình kéo dài nhiều tháng
Dù mới thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây, Elon Musk đã theo đuổi kế hoạch thâu tóm Twitter trong nhiều tháng. Ông đối mặt những khó khăn, sự hoài nghi và cả kiện tụng.
Theo hồ sơ gửi lên SEC, Musk đã mua cổ phiếu Twitter liên tục từ 31/1-1/4. Ngày 4/4, ông tuyên bố sở hữu khoảng 9,2% cổ phần Twitter, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Thông tin trên khiến giới kinh doanh bất ngờ. Thời điểm ấy, nhiều người tỏ ra hoài nghi bởi Musk từng có loạt phát biểu gây hoang mang, làm biến động thị trường tài chính.
Một ngày sau, Twitter thông báo mời Musk tham gia hội đồng quản trị. Đến 8/4, Vanguard Group công bố sở hữu 10,3% cổ phần Twitter, đẩy Musk xuống vị trí cổ đông lớn thứ 2. Theo hồ sơ gửi lên SEC, Vanguard đã tăng cường mua cổ phiếu Twitter trong quý I. Vào cuối năm ngoái, tập đoàn này chỉ sở hữu 8,4% cổ phần tại công ty.
Ngay sau đó, Musk tuyên bố từ chối gia nhập hội đồng quản trị Twitter. Các nhà phân tích nhận định động thái cho thấy Musk muốn tiếp quản toàn bộ công ty. Theo DailyMail, một ghế trong ban lãnh đạo sẽ khiến CEO Tesla không thể sở hữu nhiều hơn 14,9% cổ phần Twitter.
Ngày 12/4, Marc Bain Rasella, một cổ đông của Twitter đâm đơn khởi kiện Musk với cáo buộc “mua chui” cổ phiếu. Theo đơn kiện, Musk phải tiết lộ số cổ phần nắm giữ ở Twitter cho SEC vào ngày 24/3 nhưng đến 11 ngày sau mới đưa ra thông báo. Musk đã tiết kiệm 143 triệu USD nhờ mua cổ phiếu Twitter với giá thấp. Điều đó khiến cổ đông Twitter chịu nhiều thiệt hại.
Đây là lời đề nghị tốt nhất, cũng là cuối cùng
Elon Musk chia sẻ trong đề nghị mua Twitter vào ngày 14/4
2 ngày sau vụ kiện, Musk đưa ra đề nghị mua lại Twitter với giá 43 tỷ USD, tương đương 54,20 USD/cổ phiếu. Con số này cao hơn 38% giá cổ phiếu trong phiên giao dịch đóng cửa vào 1/4. Trong email gửi đến hội đồng quản trị Twitter, tỷ phú giàu nhất thế giới nhận định nền tảng này "không thể phát triển mạnh và phục vụ (quyền tự do ngôn luận) ở tình trạng hiện tại".
"Đây là lời đề nghị tốt nhất, cũng là cuối cùng. Nếu không được chấp thuận, tôi sẽ xem xét lại tư cách cổ đông của mình", Musk cho biết.
Ngày 15/4, Twitter áp dụng chiến thuật phòng thủ “thuốc độc”, nhằm giảm giá trị từng cổ phiếu bằng cách tăng tổng số cổ phiếu, gây khó khăn cho tổ chức hoặc cá nhân muốn mua toàn bộ công ty. Chiến thuật này giúp Musk không thể mua thêm cổ phiếu trên thị trường mở.
Chỉ một ngày sau, Musk đăng dòng trạng thái với 3 từ “Love Me Tender”, tên một ca khúc của Elvis Presley nhưng cũng ám chỉ khả năng thâu tóm Twitter bằng các chiến thuật thôn tính thù địch (hostile takeover), một trong số đó là chào mua công khai (tender offer).
Thay vì thảo luận với hội đồng quản trị, Musk có thể tiếp cận trực tiếp các cổ đông tại Twitter, cung cấp tiền mặt để mua lại cổ phiếu từ họ với giá cao hơn định giá của thị trường. Tuy nhiên, Musk phải chứng minh khả năng tài chính để gom đủ tiền.
Khoản tiền của Elon Musk đến từ đâu?
Bước ngoặt xảy ra vào ngày 21/4, khi Musk công bố chi tiết kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn 46,5 tỷ USD để mua lại Twitter. Trong hồ sơ gửi lên SEC, vị tỷ phú cam kết 21 tỷ USD vốn cá nhân, 13 tỷ USD vay của Morgan Stanley và 12,5 tỷ USD vay ký quỹ từ những ngân hàng khác.
Trong số 13 tỷ USD của Morgan Stanley, có 6,5 tỷ USD là khoản vay thường, 500 triệu USD dưới dạng vay tín dụng quay vòng đảm bảo (senior secured revolving facility), tối đa 3 tỷ USD vay bắc cầu (bridge loan) và 3 tỷ USD vay bắc cầu không đảm bảo (unsecured bridge loan).
Tuy nhiên, Musk không tiết lộ nhiều về khoản tiền 21 tỷ USD lấy từ tài sản cá nhân. Tỷ phú giàu nhất hành tinh có khối tài sản 257 tỷ USD, nhưng chỉ nắm trong tay khoảng 3 tỷ USD tiền mặt và một số tài sản có thanh khoản, theo Bloomberg. Do đó, nhiều người đặt câu hỏi về việc ông kiếm đâu ra số tiền này để hoàn tất thương vụ với Twitter.
Một giải pháp dành cho Musk là tìm kiếm các nhà đầu tư có cùng tầm nhìn để tham gia thương vụ. Theo luật, lượng cổ đông của một công ty tư nhân tại Mỹ bị giới hạn ở 2.000 người, đồng nghĩa vài nhà đầu tư nhỏ sẽ không thể tiếp tục giữ cổ phần. Tuy nhiên, các cổ đông lớn như đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey có thể giữ lại cổ phần nếu tin tưởng vào tầm nhìn của Musk. Số cổ phần của Dorsey hiện trị giá 1 triệu USD.
Nếu không thể huy động đủ số cổ đông, vị tỷ phú vẫn còn khối tài sản khổng lồ đến từ cổ phần trong hãng xe điện Tesla. Sau khi thế chấp 1/3 cổ phần Tesla để vay 12,5 tỷ USD mua lại Twitter, Musk vẫn còn số cổ phần trị giá 21,6 tỷ USD. Sau khi tính thuế, khối tài sản này sẽ đủ để ông hoàn tất thương vụ với Twitter, Bloomberg ước tính.
Musk thậm chí có thể sở hữu nhiều tài sản hơn những gì chúng ta biết. Tháng 7/2021, CEO Tesla cho biết đã mua Bitcoin, Ethereum và Dogecoin. Tuy chưa có thông tin cụ thể về khối tài sản tiền số của ông, mức tăng trưởng của Bitcoin và Ethereum lên đến 720% và 2.600% kể từ tháng 3/2020.
Nhiều nguồn tin tiết lộ một số điều khoản vẫn chưa hoàn thiện trong cuộc họp, bao gồm hình phạt cho Musk nếu thương vụ đổ vỡ, cũng như khả năng Twitter yêu cầu giá cổ phiếu mua lại cao hơn. Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng vẫn hoàn tất.
Những câu hỏi chưa có lời giải
Elon Musk nổi tiếng với tính cách khó đoán, thường đưa ra thông báo đột ngột. Do đó, khá khó xác định tương lai của Twitter sau khi về tay vị tỷ phú. Dựa trên những bài phỏng vấn và tweet trước đây, có thể dự đoán một số thay đổi của CEO Tesla sau khi tiếp quản mạng xã hội này.
Một trong những câu hỏi lớn nhất nằm ở vị trí lãnh đạo. CEO Parag Agrawal mới giữ vị trí được 5 tháng sau khi đồng sáng lập Jack Dorsey từ chức. Ông từng tỏ ra hào hứng khi đề nghị Musk tham gia hội đồng quản trị Twitter. Tuy nhiên khi vị tỷ phú từ chối, Agrawal nói rằng sẽ “còn nhiều phiền phức phía trước”. Chưa thể khẳng định Agrawal có tiếp tục giữ cương vị CEO sau khi Musk tiếp quản Twitter hay không.
Hội đồng quản trị của Twitter được lãnh đạo bởi Bret Taylor, đồng CEO Salesforce. Ông đã đặt ra chiến thuật phòng thủ “thuốc độc” để ngăn chặn khả năng áp dụng cách “thôn tính thù địch” của Musk. Theo CNET, Elon Musk hoàn toàn có quyền loại bỏ hội đồng quản trị hiện tại, lập ra đội ngũ mới để phục vụ mục đích dài hạn.
Không chỉ sở hữu Twitter, Musk còn lãnh đạo hãng xe điện Tesla với vốn hóa thị trường hơn 1.000 tỷ USD, công ty khai phá không gian SpaceX, các startup Neuralink và The Boring Company. Do đó, vị tỷ phú có thể tuyển đội ngũ riêng để quản lý Twitter, tương tự cách làm của Jeff Bezos với Washington Post. Tất nhiên, ông có thể tự mình lãnh đạo Twitter mà không cần các cộng sự.
Về mặt nội dung, Twitter có thể không còn kiểm duyệt chặt chẽ. Vị tỷ phú đã bày tỏ lo ngại rằng đội ngũ kiểm duyệt Twitter can thiệp quá nhiều, cho rằng nền tảng này không có tự do ngôn luận. Việc sở hữu mạng xã hội sẽ giúp ông áp dụng nhiều thay đổi.
"Tự do ngôn luận là cách nền dân chủ vận hành. Twitter là quảng trường kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng với tương lai của nhân loại được tranh luận... Twitter có tiềm năng lớn. Tôi muốn hợp tác với công ty và cộng đồng người dùng để khai phá tiềm năng ấy.
Sau khi thỏa thuận hoàn tất, chúng tôi không biết công ty này sẽ đi theo hướng nào
Parag Agrawal, CEO Twitter
Tôi cũng muốn giúp Twitter tốt hơn bằng cách cải thiện sản phẩm với những tính năng mới, mở mã nguồn thuật toán để tăng độ tin cậy, loại bỏ phần mềm spam và xác thực mọi người dùng", Musk cho biết.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị Twitter khóa tài khoản vào năm 2021 do vi phạm nhiều chính sách. Với quan điểm tự do ngôn luận của Musk, nhiều người cho rằng tài khoản của ông Trump sẽ được khôi phục. Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn với CNBC, cựu tổng thống Mỹ khẳng định sẽ không trở lại Twitter để tập trung vào nền tảng Truth Social.
Với việc đưa Twitter thành công ty sở hữu tư nhân, Musk phải tìm ra cấu trúc trả lương mới cho nhân viên khi các khoản trợ cấp, thưởng cổ phiếu không còn ý nghĩa. Nhiều nhân viên lo ngại bỏ lỡ giá trị lâu dài của cổ phiếu sau khi nhận thanh toán ở mức 54,20 USD/cổ phiếu.
Theo New York Times, một số nhân viên Twitter đã bày tỏ thất vọng khi không được ban lãnh đạo giải thích về cách công ty sẽ thay đổi sau khi về tay Musk.
Trong cuộc họp với nhân viên chiều 25/4 (giờ Mỹ), hội đồng quản trị Twitter nói rằng quyền chọn cổ phiếu sẽ chuyển đổi thành tiền mặt khi thỏa thuận hoàn tất. Chính sách phúc lợi vẫn được giữ nguyên trong một năm. Dù vậy, CEO Agrawal không thể dự đoán tương lai của công ty.
“Chúng tôi liên tục cải tiến chính sách của mình. Tuy nhiên sau khi thỏa thuận hoàn tất, chúng tôi không biết công ty này sẽ đi theo hướng nào”, Agrawal cho biết trong buổi gặp mặt nhân viên vào chiều 25/4 (giờ Mỹ).
Một số nhân viên kiểm duyệt lo rằng Musk sẽ khiến công sức thanh lọc nền tảng của họ đổ sông đổ biển. Ngược lại, vài nhân viên tỏ thái độ sung sướng khi Musk thâu tóm Twitter. Trong cuộc khảo sát gần 200 nhân viên Twitter trên Blind, một ứng dụng đánh giá địa điểm làm việc, 44% bày tỏ quan điểm trung lập với Musk, 27% yêu thích và 27% phản đối.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuong-vu-gay-chan-dong-cua-elon-musk-post1312260.html