Mãn nhãn chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Chuyến tàu huyền thoại'

Tối ngày 31/5, Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện mùa 2 - 'Chuyến tàu huyền thoại' khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024 chính thức diễn ra tại Cảng Sài Gòn.

Chương trình do UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện, Sở Du lịch TP.HCM - Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM tổ chức đã thu hút 10.000 người dân, du khách trong và ngoài nước tham dự trực tiếp cùng hàng triệu khán giả theo dõi trực tuyến trên các kênh truyền hình, mạng xã hội và truyền thông.

 Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện mùa 2 - “Chuyến tàu huyền thoại” khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024 chính thức diễn ra tại Cảng Sài Gòn vào tối 31/5 - Ảnh: BTC

Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện mùa 2 - “Chuyến tàu huyền thoại” khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024 chính thức diễn ra tại Cảng Sài Gòn vào tối 31/5 - Ảnh: BTC

Vở đại nhạc kịch ngoài trời “Chuyến tàu huyền thoại” lần đầu tiên được diễn ra trên sông Sài Gòn, tái hiện những chuyến tàu lịch sử hào hùng của dân tộc.

Theo đó, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dòng sông kể chuyện" mùa 2 - "Chuyến tàu huyền thoại” giống như một bộ phim “bom tấn” về lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh, thắp lên ngọn lửa tình yêu và tự hào về thành phố, về đất nước. Chương trình này có 5 chương: Hạ thủy, Cập bến, Ra khơi, Dậy sóng, Vươn xa. Chương trình do Lê Hải Yến làm Tổng đạo diễn, cùng sự tham gia của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, đạo diễn âm nhạc Đức Trí, tổng biên đạo Tấn Lộc, cố vấn kỹ thuật - nghệ nhân Văn Tòng, nhà thơ Vi Thùy Linh tham gia viết lời bình…

 Chương trình nghệ thuật thu hút hơn 10 ngàn khán giả và du khách tham dự - Ảnh: BTC

Chương trình nghệ thuật thu hút hơn 10 ngàn khán giả và du khách tham dự - Ảnh: BTC

Toàn bộ các chương được kết cấu là một câu chuyện hoàn chỉnh như một bộ phim điện ảnh có chiều dài từ quá khứ đến hiện tại, về “huyền thoại” công cuộc đấu tranh giữ nước bất khuất, kiên cường, công cuộc dựng xây và phát triển của TP Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam, được Tổng đạo diễn Lê Hải Yến khéo léo, tinh tế kể qua chuyện những chuyến tàu.

Qua đó, người xem không chỉ thấy được Tp Hồ Chí Minh đã có thời kỳ lịch sử huy hoàng khi từng sánh ngang với thế giới tự đóng những chiếc tàu đầu tiên từ thời Nguyễn, và cũng trên những chuyến tàu các cuộc đấu tranh phản đối sự đàn áp của ngoại xâm liên tục nổ ra, để từ đó chứng kiến cuộc ra đi tìm đường cứu nước vĩ đại của Bác Hồ, cuộc đấu tranh giành hòa bình độc lập quật cường dân tộc với biết bao xương máu đã đổ xuống. Và hôm nay phát huy ý chí hùng cường của dân tộc, Tp Hồ Chí Minh nói riêng, đất nước nói chung đang mỗi ngày một phát triển, vươn cao, vươn xa hơn nữa với những thành tựu kinh tế đáng tự hào.

 Chương trình nghệ thuật sử dụng những màn đại cảnh hoành tráng - Ảnh: BTC

Chương trình nghệ thuật sử dụng những màn đại cảnh hoành tráng - Ảnh: BTC

Dòng sông kể chuyện mùa 2 – “Chuyến tàu huyền thoại” có những màn trình diễn cao trào, hào hứng với đại cảnh hàng ngàn diễn viên tham gia, đồng thời có nhiều điểm nhấn chiều sâu cảm xúc, xoáy sâu vào nội tâm nhân vật, khai thác từ những câu chuyện lịch sử và giai thoại về những nhân vật lịch sử trong các bối cảnh lịch sử trọng đại.

Đó là hoạt cảnh gắn với những chuyến tàu đặc biệt, như nhà cách mạng Tôn Đức Thắng vận động công nhân tại xưởng đóng tàu Ba Son bãi công, đòi tăng lương, trì hoãn sửa chữa chiếc Đô đốc hạm Jules Michelet trong đoàn tàu chiến Pháp… Đó là cuộc nói chuyện từ đôi bàn tay "Đây, tiền đây" của anh Ba và anh Lê trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Đó là chuyến tàu Sông Hương nối liền hai miền Nam - Bắc năm 1975 với niềm vui niềm hạnh phúc vỡ òa, xen lẫn niềm khắc khoải chờ đợi nhưng người không trở về. Đó là cuộc sống Sài Gòn hôm nay, với sự phát triển, sôi động của thành phố tự hào mang tên Bác - thành phố Hồ Chí Minh…

 Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã sử dụng kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật để tạo nên một chương trình ấn tượng - Ảnh: BTC

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã sử dụng kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật để tạo nên một chương trình ấn tượng - Ảnh: BTC

Vở đại nhạc kịch “bom tấn” với sự kết hợp các yếu tố sân khấu hiện đại, tối tân vừa mang tính trình diễn nghệ thuật cao, vừa cho người xem hiểu sâu sắc hơn về câu chuyện lịch sử của TP Hồ Chí Minh, của đất nước dễ hiểu, dễ ghi nhớ và lay động trái tim mỗi người. Khán giả không còn xa lạ với những câu chuyện lịch sử gắn với vận mệnh của Tổ quốc, tuy nhiên, cách chương trình tái hiện lại tất cả những câu chuyện đó qua lời dẫn chuyện kết hợp âm nhạc, vũ đạo, những thủ pháp sân khấu… vô cùng sinh động, khiến khán giả như được trở về quá khứ, tận mắt chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Nhiều khán giả đã trào dâng cảm xúc tự hào và rưng rưng vì xúc động.

Với gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, diễn viên quần chúng từ em bé 5 tuổi đến người cao niên 86 tuổi, chương trình gây choáng ngợp bằng những màn trình diễn “biến hóa”. Sử dụng nhiều loại hình về biểu diễn trong múa như múa đương đại, jazz, hiphop, ballet… những đại cảnh quy tụ hàng ngàn diễn viên, chương trình mang đến cảm giác cực kỳ mãn nhãn. Ngoài ra, chương trình còn sử dụng ngôn ngữ xiếc, động tác thủ ngữ của người khiếm thính… để có những màn biểu diễn hấp dẫn và xúc động.

 Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của hàng nghìn người - Ảnh: BTC

Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của hàng nghìn người - Ảnh: BTC

Bên cạnh đó, lần đầu tiên một chương trình lễ hội thiết kế mới đến 3.000 bộ trang phục cho hơn 1.000 diễn viên, với yêu cầu khắt khe là phải bám sát yếu tố lịch sử, đúng với bối cảnh lịch sử nhưng vẫn có tính đương đại, tính sân khấu, đẹp mắt là một sự cộng hưởng hoàn hảo để mỗi chương, mỗi màn đều vô cùng chỉn chu, góp phần quan trọng vào thành công của chương trình, ghi dấu ấn sâu đậm với khán giả.

Phần cuối chương trình là bữa tiệc ánh sáng cực kỳ đặc sắc và mãn nhãn trên sông Sài Gòn, thắp sáng bầu trời TP Hồ Chí Minh. Đó là màn Drone Light (trình diễn Drone) với hàng ngàn Drone xếp thành hình ảnh lá cờ Việt Nam rực rỡ, xếp thành những con tàu, những biểu tượng của Thành phố… thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng của TP Hồ Chí Minh nói riêng và người dân Việt Nam nói chung cùng hướng về Tổ quốc.

 Một đại cảnh tàu giặc bị đánh chìm - Ảnh: BTC

Một đại cảnh tàu giặc bị đánh chìm - Ảnh: BTC

Cùng với đó, phần diễu hành trên sông của các tàu thuyền du lịch được trang hoàng ánh sáng rực rỡ. Pháo hoa khai hỏa tại 3 điểm theo tuyến đi của tàu diễu hành rực rỡ, thắp sáng dòng sông thu hút sự tham gia và chiêm ngưỡng của khán giả, du khách, người dân hai bên sông…, đưa chương trình trở thành một biểu tượng Lễ hội của Tp Hồ Chí Minh, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy xây dựng và phát triển thành phố.

Chương trình Dòng sông kể chuyện mùa 2 – “Chuyến tàu huyền thoại” thực sự là show diễn choáng ngợp, mãn nhãn, mang đẳng cấp quốc tế, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, du khách đến tham dự khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh năm 2024.

 Màn trình diễn ánh sáng cùng pháo hoa rực rỡ chính thức khai mạc Lễ hội sông nước TP HCM mùa 2 - Ảnh: BTC

Màn trình diễn ánh sáng cùng pháo hoa rực rỡ chính thức khai mạc Lễ hội sông nước TP HCM mùa 2 - Ảnh: BTC

Chương trình đã góp phần làm sống lại lịch sử bằng nghệ thuật một cách cuốn hút, khẳng định sắc nét rằng thời gian có thể xóa nhòa mọi dấu vết, nhưng huyền thoại về những chuyến tàu đặc biệt này sẽ còn âm vang mãi trong lòng mỗi người dân Việt và trở thành những ký ức lịch sử không bao giờ quên trong “Chuyến tàu huyền thoại”.

Show diễn không chỉ là một sự kiện văn hóa - giải trí đặc sắc, mà còn là một bài giảng sống động về lịch sử và văn hóa Việt Nam, qua đó tôn vinh các giá trị truyền thống và tinh thần yêu nước, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong thời đại mới.

Xuân Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/man-nhan-chuong-trinh-nghe-thuat-dac-biet-chuyen-tau-huyen-thoai-post297655.html