Hàng nghìn người chen chân cổ vũ Giải đua ghe Ngo ở Sóc Trăng

Hàng ngàn người dân có mặt hai bên bờ sông Maspero (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) để theo dõi màn tranh tài của 60 đội ghe ngo đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là bộ môn 'thể thao vua' của đồng bào Khmer, được người dân mong đợi.

Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2024, tại sông Maspero, trưa 14/11 đã diễn ra Lễ khai mạc Giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo là nét văn hóa truyền thống đặc sắc lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em của các địa phương trong vùng.

"Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và được tổ chức Guinness Việt Nam công nhận kỷ lục là Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo có số lượng ghe ngo và vận động viên tham gia nhiều nhất Việt Nam (từ năm 2005 đến nay)", ông Khởi nói.

Giải đua năm nay với sự tham gia tranh tài của 60 đội ghe ngo (53 đội nam và 7 đội nữ), trong đó tỉnh Sóc Trăng có 48 đội (45 đội nam và 3 đội nữ), ngoài tỉnh (Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang) có 12 đội ghe (8 đội nam và 4 đội nữ).

Đối với nội dung đua ghe nam, có 53 đội được chia làm 13 bảng thi đấu. Ban tổ chức đã chọn ra 4 đội ghe hạt giống nằm ở các bảng khác nhau gồm có các đội: Tum Núp 2 (huyện Châu Thành), Ông Kho (huyện Thạnh Trị), Sro Lôn 1 (huyện Mỹ Xuyên) và Pong Tứk Chăs (huyện Thạnh Trị). Trong số 13 bảng thi đấu, có 12 bảng, mỗi bảng 4 đội và 1 bảng có 5 đội. Các đội ghe nam tranh tài cự ly 1.200 m.

Các đội ghe nữ có 7 đội, chia làm 2 bảng (1 bảng 4 đội và 1 bảng 3 đội) thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm để chọn đội nhất, nhì của mỗi bảng vào vòng bán kết, chung kết xếp hạng. Các đội tranh tài cự ly 1.000 m. Cơ cấu giải thưởng, Giải nhất ghe Ngo nam là 200 triệu đồng và nhất ghe Ngo nữ là 150 triệu đồng.

Lễ bế mạc Giải đua ghe Ngo sẽ diễn ra vào chiều 15/11. Đây là hoạt động thể thao thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến với Sóc Trăng vào dịp lễ Oóc Om Bóc.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại Giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2024.

Giải đua năm nay với sự tham gia tranh tài của 60 đội ghe ngo.

Giải đua năm nay với sự tham gia tranh tài của 60 đội ghe ngo.

Đây là một trong những hoạt động chính nằm trong khuôn khổ Lễ hội Óc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2024.

Đây là một trong những hoạt động chính nằm trong khuôn khổ Lễ hội Óc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2024.

Bất chấp cái nắng trưa gay gắt, dòng người đứng kín cả cây số dọc hai bên bờ sông để cổ vũ cho các đội ghe Ngo đang háo hức bước vào cuộc tranh tài.

Bất chấp cái nắng trưa gay gắt, dòng người đứng kín cả cây số dọc hai bên bờ sông để cổ vũ cho các đội ghe Ngo đang háo hức bước vào cuộc tranh tài.

Sau lễ khai mạc giải đấu đã diễn ra nhiều trận đấu vòng loại các bảng.

Sau lễ khai mạc giải đấu đã diễn ra nhiều trận đấu vòng loại các bảng.

Sau tiếng còi hiệu xuất phát, hai đội quyết liệt tranh tài.

Sau tiếng còi hiệu xuất phát, hai đội quyết liệt tranh tài.

Các đội ghe Ngo đã thi triển kỹ thuật bơi hấp dẫn và kịch tích ngay từ vòng loại trong tiếng hò reo cổ vũ vang dội của người hâm mộ.

Các đội ghe Ngo đã thi triển kỹ thuật bơi hấp dẫn và kịch tích ngay từ vòng loại trong tiếng hò reo cổ vũ vang dội của người hâm mộ.

Các đội sôi nổi tranh tài ở giải đua ghe Ngo.

Các đội sôi nổi tranh tài ở giải đua ghe Ngo.

Từ trên bờ đến dưới sông Maspero thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ động cho các đội thi đấu.

Từ trên bờ đến dưới sông Maspero thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ động cho các đội thi đấu.

Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hang-nghin-nguoi-chen-chan-co-vu-giai-dua-ghe-ngo-o-soc-trang-post1691498.tpo