Man Utd nên học hỏi cách tàn nhẫn với HLV giống Chelsea
Chelsea giành 17 danh hiệu trong kỷ nguyên Roman Abramovich nhờ sự tàn nhẫn và lạnh lùng, thay vì bấu víu vào vinh quang xưa cũ như Man Utd.
Chức vô địch Champions League 2020/2021 là lần thứ 17 trong kỷ nguyên Roman Abramovich (kéo dài từ năm 2003 đến nay), Chelsea được nếm mùi vị của vinh quang.
10 năm qua, Chelsea chỉ có 3 mùa trắng tay (2013/2014, 2015/2016 và 2019/2020). Ở các mùa giải còn lại, đội chủ sân Stamford Bridge đều có từ 1 đến 2 chiếc cúp. Sự tàn nhẫn của Abramovich giúp Chelsea vô địch. Đó là bài học đáng để Manchester United tham khảo.
Sự tàn nhẫn của Chelsea
HLV Thomas Tuchel rất ngạc nhiên khi Chelsea chỉ đề nghị ông ký hợp đồng 18 tháng vào đầu tháng 2/2021. Tuchel đã vô địch trên cương vị HLV ở Paris Saint-Germain và Borussia Dormund. Ông được đánh giá rất cao trong giới HLV trẻ.
Tuy nhiên, không có ngoại lệ cho Tuchel ở Chelsea. 18 năm qua, Chelsea thay 15 lượt HLV, trong đó có những tượng đài như Jose Mourinho, Carlo Ancelotti, Guus Hiddink. Đội bóng thành London rất tàn nhẫn. Vì thế, một cam kết dài hạn cho HLV là điều không tưởng ở đây.
Người tiền nhiệm của Tuchel, HLV Frank Lampard, là huyền thoại ở Stamford Bridge. Lampard được Chelsea hứa cho 3 năm xây dựng đội bóng, nhưng phải ra đi sau 18 tháng. Đó cũng là số tháng Chelsea cam kết với Tuchel.
Chelsea tàn nhẫn và thành công nhờ sự tàn nhẫn vô tiền khoáng hậu ấy. Ngoại trừ Avram Grant năm 2008 và Hiddink năm 2016, Chelsea cứ thay tướng giữa mùa là vô địch.
Roberto Di Matteo giúp Chelsea đăng quang Champions League 2012 sau khi thế chỗ Andre Villas-Boas. Rafael Benitez cùng Chelsea vô địch Europa League sau khi thế chỗ chính Di Matteo.
Grant, dù trắng tay, cũng đưa Chelsea vào tới chung kết Champions League 2008 và chỉ thua trên chấm luân lưu. Thay thế Luiz Felipe Scolari năm 2009, Hiddink cũng giúp Chelsea vô địch FA Cup. 4/5 lần vào chung kết cúp châu Âu của Chelsea gắn với vai trò của HLV tạm quyền, thường chỉ làm việc tại Chelsea chưa đến một năm.
Phân nửa số danh hiệu của Chelsea cũng do HLV tạm quyền mang về. Trong số các HLV dẫn Chelsea trọn vẹn từ đầu mùa, chỉ Ancelotti, Mourinho và Conte là có nhiều hơn 1 danh hiệu.
Ngoại trừ Mourinho, chưa HLV nào ở Chelsea quá hai mùa giải. Đội bóng thành London là trường hợp độc nhất ở châu Âu: thay tướng liên tục, mà vẫn vô địch liên tục.
Mỗi khi đổi HLV, các đội thường có kết quả tốt khi cầu thủ phải nỗ lực hơn dưới trướng HLV mới, hay sự mới mẻ trong phong cách quản trị, huấn luyện của thầy mới giúp toàn đội cải thiện tâm lý và cảm hứng thi đấu. Nhưng sử dụng văn hóa sa thải HLV để tìm kiếm vinh quang, ở châu Âu chưa ai làm được như Chelsea.
Man Utd nên học hỏi
Manchester United chỉ có thói quen thay tướng sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, nhưng ở mức độ tàn nhẫn, còn lâu Quỷ đỏ mới bằng Chelsea.
David Moyes, dù "phá nát" Man Utd ở mùa 2013/2014, cũng phải đợi đến gần hết mùa giải mới mất việc. Louis van Gaal được làm trọn vẹn 2 mùa, còn Mourinho bị sa thải như giải pháp không thể cứu chữa. HLV người Bồ Đào Nha là người duy nhất bị sa thải trong tháng 12 suốt 40 năm lịch sử của Man Utd.
Nửa đỏ thành Manchester thống trị bóng đá Anh nhờ một kết cấu bền vững, từ khâu quản trị tới chuyên môn. Ở Old Trafford, Sir Alex Ferguson đóng vai nhà quản lý. Ông có tiếng nói trong chuyển nhượng, ra quyết định thượng tầng chuyên môn và quản trị toàn diện đội bóng. HLV người Scotland không chỉ huấn luyện chuyên môn đơn thuần.
Quyền lực của người ngồi ghế huấn luyện Man Utd, vì thế, ảnh hưởng rất lớn khiến CLB phải cân nhắc thiệt hơn mỗi khi ra quyết định sa thải. Bởi ở Man Utd, sa thải HLV đồng nghĩa thay đổi rất nhiều, từ hệ triết lý, phong cách chơi bóng lẫn kế hoạch dài hạn.
Tuy nhiên, bóng đá hiện đại không còn chỗ cho kiên nhẫn và khoan nhượng. Sau trận thua chung kết Europa League, Marcus Rasford thừa nhận: không vô địch thì mọi thứ đều không có nghĩa lý.
Để gắn bó với Manchester City suốt 5 năm, Pep Guardiola phải vô địch Ngoại hạng Anh 3 lần. Nhưng vô địch thôi, chưa đủ. Barcelona sa thải Ernesto Valverde dù ông liên tục mang về các danh hiệu LaLiga.
Vinh quang của Chelsea và thói quen của các đội lớn cho thấy: tàn nhẫn không phải trở lực. Ngược lại, đó còn là động lực cho thành công.
Man Utd đang thiếu đi sự tàn nhẫn này. Quỷ đỏ giữ chân HLV Ole Solskjaer, dù đã làm việc ở đây 3 mùa giải mà Solskjaer không thắng nổi danh hiệu nào. Trong nhóm 6 đội hàng đầu nước Anh, Man Utd giành ít danh hiệu nhất trong 3 năm qua, chỉ ngang Tottenham và kém cả Leicester City.
HLV Solskjaer giúp Man Utd cải thiện vị trí ở Ngoại hạng Anh, với hai mùa liên tục nằm trong top 3, nhưng Quỷ đỏ không phải là đội chỉ muốn đứng ở thứ hạng cao. Man Utd phải vô địch.
Tất nhiên, vô địch không phải tất cả. Van Gaal, dù giúp Man Utd giành FA Cup, vẫn bị đánh giá là thất bại. Mourinho mang về 3 chiếc cúp ở mùa đầu tiên, vẫn phải ra đi sau đó 18 tháng. Dù vậy, danh hiệu là nền tảng để xây dựng bất cứ triều đại thành công nào.
Mỗi đội bóng có một đặc trưng văn hóa. Khó chờ đợi Man Utd sẽ "thay tướng như thay áo" giống Chelsea. Song, Man Utd và Solskjaer không thể xây dựng đội bóng kiểu cũ, tức là kiên nhẫn... vài năm, rồi đợi vinh quang tự tìm tới. Ở đẳng cấp cao nhất, nửa đỏ thành Manchester cần sự lạnh lùng và đòi hỏi khắt khe hơn.
Dễ dãi và tự hạ thấp các tiêu chuẩn là con đường nhanh nhất để một đội bóng tự diệt.