Mạng 5G Trung Quốc khuấy động các nhà cung cấp Nhật Bản

Các nhà cung cấp Nhật Bản đang tăng sản lượng để chuẩn bị cho cuộc bùng nổ 5G sắp tới, dẫn đầu là Trung Quốc. Trong số này có nhiều doanh nghiệp ít tiếng tăm nhưng cung cấp những nguyên liệu và linh kiện mà các thương hiệu lớn như Huawei không thể thiếu.

Trung Quốc dự kiến đầu tư trên 150 tỉ USD vào hệ thống 5G cho tới năm 2025. Ảnh: Nikkei Asian Review

Trung Quốc dự kiến đầu tư trên 150 tỉ USD vào hệ thống 5G cho tới năm 2025. Ảnh: Nikkei Asian Review

Vào một ngày đẹp trời cuối tháng 11 vừa qua, một nhóm hơn chục doanh nhân Nhật Bản trong những bộ suit đen đã tập trung tại Tokyo. Mặc dù ăn mặc như dự tang lễ, họ đến đây để nghe thông tin về sự khai sinh của một ngành công nghiệp mới đầy hứa hẹn: công nghiệp 5G.

Liang Hua, Chủ tịch Công ty Huawei Technologies, là diễn giả của cuộc gặp. Ông đến đây để nói với các đối tác Nhật Bản rằng đất nước ông đang triển khai mạng viễn thông 5G nhanh ra sao, thậm chí đã vượt trước kế hoạch rất xa thế nào, rằng bao nhiêu tỉ USD đã được rót vào hệ thống.

Các nhà nghiên cứu và giám đốc điều hành từ các trường đại học và công ty Nhật Bản như Fujifilm Holdings, Sony hay Mitsubishi Heavy Industries… đã chăm chú lắng nghe khi Liang cổ vũ họ bằng những con số “bắt mắt” và hứa hẹn sẽ “phát triển hơn nữa chuỗi cung ứng với Nhật Bản”.

Có nhiều thứ Trung Quốc có thể tìm đến ở Nhật Bản khi họ bị "đánh" bật khỏi Mỹ. Đổi lại, các nhà cung cấp Nhật Bản đang nắm bắt một cơ hội bất ngờ trong cuộc chiến thương mại và công nghệ bất tận của các siêu cường.

Bị liệt vào danh sách đen của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Huawei đã liên tục chuyển dịch các địa điểm cung cấp, và Nhật Bản nhờ đó hưởng lợi. Ông Liang cho biết, "người khổng lồ" viễn thông Trung Quốc đã chi 780 tỉ yen (7,2 tỉ USD) cho các đối tác Nhật từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, nhiều hơn 60 tỉ yen so với tổng chi năm ngoái, và sẽ còn nhiều khoản chi nữa.

Huawei nhanh chóng chuyển hướng chuỗi cung cấp sau khi bị kẹt trong thương chiến Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters

Huawei nhanh chóng chuyển hướng chuỗi cung cấp sau khi bị kẹt trong thương chiến Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters

Tăng tốc phục vụ 5G Trung Quốc

Về phần mình, các nhà cung cấp Nhật Bản đang tăng sản lượng để chuẩn bị cho cuộc bùng nổ 5G sắp tới. Trong số đó có nhiều doanh nghiệp ít tiếng tăm cũng đang cung cấp những nguyên liệu và linh kiện mà các thương hiệu lớn như Huawei không thể thiếu.

Tokuyama là một cái tên trong số đó. Được thành lập từ năm 1918, công ty này kiểm soát 75% thị trường toàn cầu về nhôm nitride độ tinh khiết cao, một thành phần thiết yếu trong các vật liệu tản nhiệt, ngăn chất bán dẫn chạy quá nóng. Công ty đang tiến hành nâng cấp tại nhà máy chính ở miền Nam Nhật Bản để tăng công suất lên 40% từ tháng 4/2020.

Ông Yoshiyuki Yamamoto, Tổng giám đốc Tokuyama, đang trông đợi nhu cầu từ Trung Quốc sẽ tăng vọt, đặc biệt là đối với các trung tâm dữ liệu. “5G sẽ tăng mức tiêu thụ dữ liệu. Do đó, sẽ có nhu cầu lớn về chất bán dẫn và vật liệu tản nhiệt”, ông Yamamoto nói.

Trên thực tế, ông coi 5G chỉ là khởi đầu của một đơn đặt hàng lớn hơn nhiều khi mọi thứ, từ ô tô đến máy điều hòa đều được trang bị chip và kết nối internet. Doanh số toàn cầu về chất bán dẫn đã đạt 106,7 tỉ USD trong quý 3/2019, tăng 8,2% so với quý trước, theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn.

Furuya Metal là một người chơi khác của Nhật Bản. Họ cung cấp tới 90% hợp chất iridium mà thế giới sử dụng. Đây là một hợp chất cơ sở cho các vật liệu lân quang trong màn hình đi ốt phát sáng của Tập đoàn Công nghệ BOE, Trung Quốc, cũng như Samsung Electronics và LG Electronics của Hàn Quốc.

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn đã lựa chọn các màn hình OLED độ phân giải cao, và Giám đốc của Furuya, ông Kazuo Oishi dự đoán màn hình này sẽ còn phổ biến hơn nhiều nữa để phục vụ phát video tốc độ cao trong môi trường 5G.

"Uy quyền" Nhật Bản

Masami Sawato, nhà phân tích cao cấp tại công ty Chứng khoán SBI, giải thích rằng các nhà cung cấp nguyên liệu Nhật Bản vốn đã mài giũa chuyên môn của mình qua quá trình phục vụ các nhà sản xuất chip, màn hình và thiết bị điện tử tiêu dùng nội địa. “Ngày nay, các sản phẩm cuối cùng được thay thế bởi hàng Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng nguyên liệu chính thì vẫn từ Nhật Bản”, ông Sawato nói.

Ông Sawato bổ sung rằng rạn nứt ngoại giao giữa Tokyo và Seoul trong năm nay chỉ làm nổi bật thêm “uy quyền của các nhà cung cấp Nhật Bản”.

Các nhà sản xuất phụ tùng của Nhật cũng đang hào hứng với việc hưởng lợi từ đầu tư mạnh của Trung Quốc vào công nghệ 5G. Murata Manufacturing, nhà cung cấp số 1 thế giới về tụ điện gốm nhiều lớp (MLCC), đã “chứng kiến nhu cầu lớn hơn nhiều so với dự kiến” về các sản phẩm phục vụ các trạm phát 5G – theo phát biểu gần đây của ông Chủ tịch Tsuneo Mutara.

Công ty Taiyo Yuden cung cấp tụ điện (ảnh trái), trong khi Tokuyama cung cấp nhôm nitride (ảnh phải) cho các công ty điện tử viễn thông Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Reviews

Công ty Taiyo Yuden cung cấp tụ điện (ảnh trái), trong khi Tokuyama cung cấp nhôm nitride (ảnh phải) cho các công ty điện tử viễn thông Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Reviews

Trong khi đó, công ty Taiyo Yuden, nhà sản xuất tụ điện MLCC lớn thứ ba thế giới sau Mutara và Samsung, đầu tư 10 tỉ Yen nhằm tăng công suất. Họ đã khai trương nhà máy sản xuất tụ điện thứ ba hồi tháng 3 năm nay và đang xây dựng nhà máy thứ tư, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2020.

Trong vòng 8 năm qua, số lượng tụ điện dùng trong smartphone đã tăng gần gấp đôi. Các thiết bị cao cấp như Galaxy S10, điện thoại 5G đầu tiên của Samsung, sử dụng tới 1.300 tụ điện, nhiều hơn 30% so với mẫu 4G.

Mọi dấu hiệu đều cho thấy Trung Quốc sẽ cần rất nhiều các nguyên vật liệu, linh kiện, và họ sẽ sớm cần đến.

Mặc dù Hàn Quốc và Mỹ là những quốc gia đầu tiên đưa mạng 5G vào hoạt động, nhưng hai nước này bị hạn chế về phạm vi, trong khi Trung Quốc đuổi kịp rất nhanh, và trên thực tế đã vượt qua các đối thủ. Bắc Kinh đã cấp phép 5G hồi tháng 6, sớm hơn nhiều tháng so với kế hoạch, cho phép nhà mạng hàng đầu China Mobile và các công ty quốc doanh khác như China Unicorn và China Telecom đưa dịch vụ 5G vào khai thác từ tháng 10.

China Mobile đã triển khai mạng 5G và nhanh chóng thu hút hàng triệu thuê bao. Ảnh: chinadaily

China Mobile đã triển khai mạng 5G và nhanh chóng thu hút hàng triệu thuê bao. Ảnh: chinadaily

Bộ ba nói trên đã ký hợp đồng với 9 triệu thuê bao 5G chỉ trong tháng đầu tiên triển khai. Tới năm 2025, Trung Quốc dự tính sẽ có 600 triệu thuê bao 5G, chiếm 40% tổng thuê bao 5G toàn cầu, theo dự báo của tổ chức GSMA ở London. Tập đoàn Goldman Sachs ước tính, tới năm 2025, Trung Quốc sẽ đầu tư trên 150 tỉ USD cho hệ thống 5G.

Chủ tịch Huawei, ông Liang cho rằng công nghệ này sẽ lan tỏa rộng rãi sớm hơn nhiều so với thời điểm đó. Ông nói với các thính giả Nhật Bản rằng 5G sẽ đi vào thị trường với tốc độ nhanh gấp 2 lần mạng 4G, tức là chỉ mất 3 năm thay vì 6 năm.

Một công ty Nhật Bản ít tên tuổi hiện đã hưởng lợi là Anritsu, chuyên cung cấp thiết bị đo lường điện tử dùng để kiểm tra hoạt động của thiết bị 5G, vốn rất thiết yếu với Huawei hay Qualcomm. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận của Anritsu đã tăng tới 90% lên 6,6 tỉ Yen, nhờ nhu cầu tăng vọt tại Trung Quốc.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Nikkei Asian Review)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/mang-5g-trung-quoc-khuay-dong-cac-nha-cung-cap-nhat-ban-20191202172655186.htm