Mạng ảo, nguy thật với trẻ em

Nếu không được kiểm soát tốt trẻ em rất dễ gặp phải những vấn đề tiêu cực từ việc xem các video trên mạng xã hội.

Clip "xin vía học giỏi" của YouTuber Thơ Nguyễn bị dư luận lên án mạnh mẽ

Clip "xin vía học giỏi" của YouTuber Thơ Nguyễn bị dư luận lên án mạnh mẽ

Bủa vây

Những ngày gần đây, dư luận khá bức xúc trước sự việc YouTuber Thơ Nguyễn (Bình Dương) đăng tải clip “xin vía học giỏi” từ búp bê trên TikTok có hơn 900.000 lượt theo dõi của mình. Trong đoạn clip này, Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê gọi tên là Cư Ma Mập. Cô gái này đã cho búp bê uống nước ngọt, lúc lắc đoạn dây chuyền trước mặt, hướng dẫn xin vía học giỏi. Sau đó, YouTuber này cho biết vì nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ nên mới quay video này và chia sẻ video lên nền tảng YouTube có hơn 8,3 triệu lượt theo dõi của mình.

Đáng nói là qua xem đoạn video, nhiều người có chung nhận định rằng nội dung của nó có tính chất “mê tín dị đoan”, mang hơi hướng một kiểu tâm linh có xuất xứ từ Thái Lan, nuôi dưỡng búp bê Kumanthong (búp bê ma) như con người với mong muốn mang lại những điều may mắn, xua đuổi vận xui. Nền tảng TikTok, nhất là kênh YouTube của Thơ Nguyễn thu hút nhiều em nhỏ xem nên không ít người lo ngại những nội dung trên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em.

Lo lắng này của các bậc phụ huynh là có căn cứ. Bởi trước đây đã từng có một phụ huynh đăng tải trên mạng thông tin một bé gái 5 tuổi chui vào chuồng chó ở. Khi được hỏi em cho biết là đang thực hiện thử thách 24 giờ theo hướng dẫn của một số video trên mạng. Đau lòng hơn là vào cuối năm 2020, một cháu bé 8 tuổi ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) chết trong tư thế lơ lửng ở nhà tắm. Qua xác minh, cơ quan chức năng nhận định nhiều khả năng là do cháu bé học theo một trò chơi độc hại trên mạng, chuyên hướng dẫn trẻ em tự tử.

Trẻ em thường hấp thụ rất nhanh những thông tin trên mạng. Chị Nguyễn Thị Dung ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) có con nhỏ đang học lớp 3. Chị Dung kể mới đây bạn học của con gái đến chơi, khi giao tiếp với nhau, hai bé dùng rất nhiều ngôn ngữ làm chị giật mình. “Tôi cảm giác có những câu các bé nói ra như kiểu thói quen mà không hiểu nghĩa, không biết rằng đó là những từ ngữ rất không có văn hóa trong giao tiếp. Tôi đã gặng hỏi và được biết các bạn trong lớp học từ trên mạng và cứ thế ảnh hưởng đến nhau. Con gái tôi cũng thích xem các video của Thơ Nguyễn và nhiều YouTuber khác, bởi vậy những video như kiểu “xin vía học giỏi” này làm tôi rất lo lắng, biết đâu các cháu lại học theo”, chị Dung thở dài.

Đồng hành cùng con

Trong bối cảnh phát triển của xã hội hiện nay, không thể vì lo lắng với các mối nguy trên mạng mà nghiêm cấm trẻ em tiếp xúc với công nghệ thông tin. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trẻ tiếp nhận được các nguồn tin tốt, đáng tin cậy, có ý nghĩa giáo dục, hình thành nhân cách và lối sống cho trẻ.

Ông Phạm Hồng Quân, Trưởng Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) nhận định hiện nay môi trường của trẻ em không chỉ ở gia đình, nhà trường, xã hội mà nó còn mở rộng trên mạng. Môi trường mạng luôn có 2 mặt. Mặt tích cực là nó giúp trẻ có nhiều thông tin theo xu hướng vận động của xã hội, bớt buồn chán, nhất là trong điều kiện bố mẹ bận công việc, thậm chí có gia đình chính bản thân bố mẹ cũng dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại hơn là chơi với con hằng ngày. Đặc biệt trong thời gian trẻ ở nhà dài ngày do dịch Covid-19 thì mạng xã hội cũng là sân chơi chủ yếu, nhưng mặt trái của mạng xã hội cũng rất nguy hiểm với trẻ. Môi trường mạng thường khó kiểm soát, một khi trẻ bị cuốn hút vào những nội dung tiêu cực sẽ tác động đến tâm sinh lý, nhận thức, hành vi. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Giao tiếp trên môi trường mạng không được kiểm soát tốt, trẻ có thể đối mặt với các rủi ro như lộ thông tin cá nhân, tiếp cận thông tin sai lệch, kết bạn xấu, bị bắt nạt, xâm hại tình dục trên mạng… Luật Trẻ em hiện hành đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mặc dù vậy, thực tế hiện nay hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa thật sự thiết thực, hiệu quả triệt để.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhạn, Trường Tiểu học Đại Đức (Kim Thành), trẻ em nhất là các em lứa tuổi tiểu học rất nhạy bén, thích tiếp nhận các luồng thông tin mới, ham học hỏi, làm theo. Ở trường, các em được dạy kỹ năng sống, định hướng việc tiếp nhận thông tin, giúp các em biết sàng lọc các luồng tin trên mạng xã hội, nhưng không phải trẻ nào cũng làm được điều đó. Bởi vậy phụ huynh cần kiểm soát các nội dung con tiếp thu trên mạng xã hội, hạn chế trẻ tiếp cận những nguồn thông tin sai lệch. Theo kinh nghiệm cá nhân, cô Nhạn chia sẻ các phụ huynh nên lựa chọn cài đặt các từ khóa được phép và không được phép sử dụng trên điện thoại, máy tính, ti vi thông minh... Khi đó, trẻ không thể xem các nội dung có từ khóa đã bị chặn vì kết quả không hiển thị...

THANH NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/mang-ao-nguy-that-voi-tre-em-162192