Mang bộ ngực ''khổng lồ' 2,5 kg, người phụ nữ như tái sinh sau ca phẫu thuật

Việc đầu tiên chị D.T.B (36 tuổi, ở Hà Nội) làm khi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật vú phì đại là nhìn xuống dưới ngực. Chị thở phào khi thấy tuyến vú của mình đã được thu nhỏ. 'Tôi phải sống chung với sự bất tiện đó suốt hơn 10 năm nay', chị B. nói.

Người phụ nữ 3 con này mắc bệnh phì đại tuyến vú 2 bên mức độ khổng lồ. Đầu tháng 6 vừa qua, chị đã trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ 2,5 kg tuyến vú tại Khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai.

Chị B. chia sẻ, trước đây, ở tuổi dậy thì, chị chỉ nghĩ ngực tròn trịa hơn với mọi người. Qua các lần mang thai, tuyến vú của chị to lên rõ rệt, đến mức: “Người ta thường nói “bụng chửa vượt mặt” nhưng tôi chưa bao giờ mang thai mà nhìn được bụng do phần vú bị phì đại. Mọi người động viên tôi bị “chửa ngực”, sinh xong sẽ hết nhưng sau sinh, tuyến vú của tôi không hề thu nhỏ”.

Sau mỗi lần mang thai, tuyến vú lại phát triển lớn hơn. Mỗi lần thay đổi hoocmone khiến cho kích thước tuyến vú thay đổi, nhất là sau lần sinh con thứ ba.

“Tôi chịu nhiều ánh nhìn tò mò của người xung quanh, có người chép miệng “Không giảm đi để giữ chồng, chăm con”. Quần áo, tôi phải đi may đo để vừa size ngực lớn vì không thể mặc nổi các bộ may sẵn. Cân nặng cũng tăng lên, có thời gian lên 70 kg. Ngực càng to càng sệ, tôi không dám nhìn mình trong gương. Với bộ ngực to như quả bóng, đi đâu tôi cũng phải mặc áo bó ngực để che nỗi xấu hổ, ngượng ngùng”, chị khóc nhớ lại thời điểm khó khăn trong đời.

GS Trần Thiết Sơn trao đổi với nữ bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: VietNamNet

Vác bộ ngực lớn khiến sức khỏe người phụ nữ này yếu hơn. Do phải gánh khối lượng vú lớn, chị B. bị đau nhức phần cổ vai gáy và khó khăn trong quá trình sinh hoạt. Người ta "yếu thì gầy mòn" còn chị tăng cân, thiếu máu, hay bị ngất, nói hụt hơi… “Ban ngày đi làm, tôi cố gắng gồng, cuối ngày cảm thấy rất mỏi mệt vì vác bộ ngực lớn trên người. Lúc nào, tôi cũng nói thều thào, không có sức sống”, chị chia sẻ.

Chăm sóc con ở giường bệnh, mẹ bệnh nhân B. (70 tuổi) cũng thừa nhận, thương con cháy lòng khi con phải chịu đứng những ánh nhìn tò mò, sự chỉ trỏ của những người xung quanh. “Cháu bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều. Thấy con khổ sở, yếu đi mỗi ngày mà không biết làm sao”, bà nói.

Mệt mỏi, ám ảnh với tuyến vú, chị B. nhiều lần muốn đi phẫu thuật nhưng gia đình khuyên can do lo lắng việc này sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Bên cạnh đó một số cơ sở phuẫu thuật từ chối, một số cơ sở khác lại nói chỉ phẫu thuật thu nhỏ được một phần vì vậy người phụ nữ này đã phải chung sống với sự bất tiện đó hơn 1 thập kỷ.

Về trường hợp trên, chia sẻ với PV VietNamNet, TS.BS Phạm Thị Việt Dung Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội, hiện phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, tình trạng của bệnh nhân xảy ra liên quan đến hormone. Các giai đoạn chuyển tiếp như dậy thì, sau khi chửa đẻ… hormon biến động thay đổi làm thay đổi kích thước tuyến vú.

Tình trạng này gây ra phiền toái cho người bệnh. Cụ thể là vấn đề tâm lý, nhiều người nghe nói đến phì đại vú thậm chí còn cười cợt cho rằng “càng to càng tốt, việc gì phải mổ” nhưng bản thân người mang vú phì đại rất khổ sở. Mỗi ngày, họ phải vác 2 tuyến vú khổng lồ, mỗi bên nặng 1 đến 1,5kg rất bất tiện. Đặc biệt, khi đi ngủ, tuyến vú phì đại đè ép lên ngực gây khó thở. Thậm chí có trường hợp phải nghiêng người, kê gối nâng tuyến vú mới có thể ngủ.

“Đối với trường hợp người phụ nữ 36 tuổi nói trên, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rã rời, mệt mỏi do nhiều năm phải vác tuyến vú quá lớn. Người bệnh cũng suốt ngày lo lắng, ám ảnh về bộ ngực của mình.

Tuyến vú phì đại khiến bệnh nhân sinh hoạt rất khó khăn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Phẫu thuật là phương pháp tốt nhất giúp giải quyết các triệu chứng khó chịu cũng như mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho bệnh nhân”, TS.BS Dung nói.

Thực hiện ca mổ là GS Trần Thiết Sơn, khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai – người đã từng tiến hành phẫu thuật hơn 200 ca vú phì đại. Trong đó, GS Sơn từng thực hiện ca mổ cho bệnh nhân 25 tuổi có ngực phì đại và sa trễ đến nửa mét. Đây là ca dài nhất bác sĩ từng thực hiện. Theo bác sĩ, tuyến vú càng dài càng khó, bệnh nhân phải làm nhiều xét nghiệm, siêu âm, cộng hưởng từ...

Trước đây, bệnh nhân ngực phì đại được áp dụng phương pháp phẫu thuật cổ điển Thorek. Cụ thể, bệnh nhân được cắt rời tuyến vú, lấy phần quầng và núm vú ghép lên trên để tạo hình thẩm mỹ. Phương pháp này chỉ đảm bảo về mặt thẩm mỹ, các ống tuyến bị cắt đứt lìa, dây thần kinh cảm giác cũng đứt nên bệnh nhân mất cảm giác, mất tuyến sữa.

Hiện nay, GS Sơn đã áp dụng phương pháp thu gọn vú có bảo tồn, giúp bệnh nhân giữ nguyên được cảm giác, cho con bú bình thường và vẫn đảm bảo hình thể tuyến vú. Với phương pháp mới, bác sĩ sẽ siêu âm doppler để xác định được mạch máu nuôi quầng núm vú, lần theo đường đi của cuống nuôi để thiết kế vạt mang quần núm vú. Sau khi cắt thu nhỏ tuyến vú, bác sĩ sẽ cuộn vạt lên để tạo hình bầu vú. Kỹ thuật này sẽ giúp quầng núm vú có tỷ lệ sống cao, tỷ lệ rối loạn cảm giác rất thấp.

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng thước đo, tính toán chi tiết các phần da thừa cần cắt bỏ, vị trí cuộn lên cũng như kích thước vú sau khi tạo.

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân D.T.B đã được cắt bỏ 2,5 kg tuyến vú. Cũng theo GS Sơn, giai đoạn hậu phẫu quan trọng vì bệnh nhân thường mất nhiều máu, phải kiểm soát trong 24h kết hợp truyền dinh dưỡng bằng tĩnh mạch để phục hồi.

Tỉnh dậy phẫu thuật, nhìn khuôn ngực nhỏ lại, vừa vặn chị B. không giấu nổi nụ cười hạnh phúc. “Trước đó, nhiều lần tôi đi mua đồ nhưng không mua được vì ngực quá to. Tâm lý lúc nào cũng tự ti, xấu hổ. Sau ca phẫu thuật, tỉnh dậy tôi như thành người khác, cuộc sống mới, nhẹ nhõm hơn”, chị nói.

Ngọc Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mang-bo-nguc-khong-lo-2-5-kg-nguoi-phu-nu-nhu-tai-sinh-sau-ca-phau-thuat-2031082.html