Măng Bút vươn lên từ gian khó vững bước đẩy lùi đói nghèo
Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, vững bước vươn lên đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.
Địa bàn xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là nơi cả Pháp và Mỹ xây dựng căn cứ quân sự kiểm soát các làng dân tộc thiểu số, ngăn chặn quân giải phóng và đánh xuống đồng bằng tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1954 chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang Liên khu 5 và quân dân Kon Tum đã làm nên chiến thắng Măng Buk cùng với chiến thắng Măng Đen, Kon Braih đập tan cụm phòng ngự của quân Pháp ở Bắc Tây Nguyên. Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, xã Măng Bút vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, vững bước vươn lên đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.
Những ngày cuối tháng 4, người dân cả khu vực Tây Nguyên vật vã trải qua đợt nắng nóng, khô hạn khốc liệt. Tại khu vực lòng chảo xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Mặc dù thời tiết không thuận lợi song những cánh đồng lúa nước của người Xơ Đăng ở đây vẫn xanh mơn mởn.
Anh A Thủy, thôn Măng Bút cho biết, cùng với nguồn nước từ sông Đăk Snghé và Nước Cheng tưới mát cánh đồng, chính nhờ biết thay đổi trong canh tác, cây lúa không chỉ cho năng suất cao mà còn trở thành hàng hóa mang lại thu nhập cho người dân:
“Bà con thôn Măng Bút chủ yếu là trồng lúa nước. Người dân trồng hoa màu chủ yếu sử dụng phân trâu, phân hóa học. Dần dần bà con thay đổi nếp mới để phát triển tốt hơn so với trước đây. Trước đây lúa chỉ trồng đủ ăn, bây giờ bà con có thêm thu nhập đều đều từ cây này”, anh A Thủy nói.
Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cách đây khoảng 15 năm Măng Bút vẫn gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài vì không có đường giao thông. Ngày ấy quãng đường từ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đến xã khoảng 45km đi phải mất cả ngày, chủ yếu là đi bộ xuyên rừng và men theo bờ ruộng lúa. Đường đến trung tâm xã đã vậy, đến các làng, như Đăk Y Pai, Đăk Lanh…còn khó khăn hơn. Bởi vậy người dân Măng Bút không có động lực để phát triển sản xuất vì thóc lúa làm ra có dư dả cũng không thể bán.
Anh A Dân, người làng Đăk Y Pai, xã Măng Bút, nhớ lại: “Ngày xưa đi từ Đăk Y Pai xuống xã là hơn 4 tiếng đồng hồ, người dân phải băng suối. Thời điểm đó nhân dân thôn Đăk Y Pai rất là khó khăn, đặc biệt là mùa mưa các em đi học phải cõng gạo xuống xã tự nấu ăn”.
Bước ngoặt đánh thức, giúp Măng Bút phát triển là kể từ thời điểm năm 2009 khi tỉnh lộ 676 được đầu tư kết nối xã với bên ngoài. Giao thông đến xã thuận lợi cả trong hai mùa mưa nắng đã kích thích giao thương và thúc đẩy sản xuất phát triển. Từ thế độc canh cây lúa nước, hơn 1.260 hộ dân tộc Xơ Đăng của xã giờ đã trồng được cả cây cà phê, cây dược liệu, phát triển mạnh chăn nuôi… Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của người dân Măng Bút năm 2023 đã đạt hơn 34 triệu 600 nghìn đồng. Bên cạnh đó nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa người dân với hợp tác xã, doanh nghiệp được triển khai thực hiện đang tiếp tục tạo thêm cơ hội nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.
Ông A Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết, xã đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể hướng tới mục tiêu cuối năm 2024 đạt đủ 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra.
“Định hướng phát triển kinh tế- xã hội của xã Măng Bút được xác định phát triển lúa đỏ tại 6 thôn phía trong. Trồng sâm dây hiện tại có hợp tác xã dược liệu và du lịch Măng Bút, ngoài ra còn liên kết với nhân dân trồng, nuôi cá tầm tại thôn Đăk Trun. trồng cà phê xứ lạnh, chăn nuôi trâu. Doanh nghiệp liên kết đảm bảo đầu ra dược liệu cũng như các mặt hàng nông sản khác cho người dân”, ông A Vinh cho biết.
Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể xã Măng Bút, huyện Kon Plông cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương. Di tích lịch sử Cách mạng Chiến thắng Măng Bút luôn là điểm đến của người dân, nhất là thế hệ trẻ trong xã.
Nối dài truyền thống hiếu học, Măng Bút có tổng dân số hơn 4.400 khẩu thì hiện có hơn 1.000 học sinh từ bậc học mầm non đến THCS và xã không có tình trạng học sinh bỏ học. Có 10 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục xã Măng Bút, thầy giáo Nguyễn Văn Đức, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú cấp I- II Măng Bút 1, cho biết: “Thực tế đây là vùng đất hiếu học. Từ các điểm thôn cho đến điểm chính các em chịu khó đi học, như điểm Đăk Y Pai cách đây đến 12 cây số nhưng các em vẫn ra ăn, ở, học tập tại đây rất tốt. Học sinh địa bàn xã Măng Bút đi học đại học rất là nhiều. Hiện tại ở đây có hơn 30 giáo viên mầm non cắm bản là người địa phương. Đối với cấp I, cấp II của trường cũng gần 50% là người địa phương đây”.
Vươn lên từ gian khó, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã đặc biệt khó khăn Măng Bút của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đang vững bước đẩy lùi đói nghèo lạc hậu. Truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học của người dân Măng Bút là điểm tựa vững chắc, là sức mạnh cho sự phát triển của vùng đất nơi đây.