Mang con chữ đến với học trò nghèo vùng cao

Ở cái xã xa tít ấy, có lúc học trò chẳng chịu đến lớp vì trời mưa, có lúc mất điện giữa đêm… nhưng những khó khăn ấy vẫn không làm lung lay ý chí của các thầy cô giáo vùng cao bởi họ luôn nuôi hy vọng về một tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ nghèo.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai

Cư San là xã vùng núi đặc biệt khó khăn thuộc huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, nơi đây chủ yếu là người Mông và Dao sinh sống, người Kinh chỉ chiếm một phần nhỏ. Cuộc sống của người dân quanh năm bám trụ bên nương rẫy nên đời sống chẳng khấm khá là bao, nhiều gia đình vì đông con, thiếu thốn đủ thứ nên chẳng dám nghĩ đến chuyện cho con đến trường.

Hiểu được khó khăn của người dân vùng cao, nhiều thầy cô giáo đã không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại vùng đất này để cùng các em nhỏ đi tìm tương lai. Có những thầy cô giáo mới ở tuổi đôi mươi, cũng có những bậc đại thụ đã gắn bó với núi rừng từ lâu nhưng ở họ đều chung một tinh thần nhiệt huyết, vì sự nghiệp trồng người.

Các em học sinh tại Trường PTDTBT THCS Tô Hiệu, xã Cư San, huyện M'Đrắk

Các em học sinh tại Trường PTDTBT THCS Tô Hiệu, xã Cư San, huyện M'Đrắk

Do đặc thù vùng cao nên giao thông đi lại vẫn rất khó khăn, đây chính là trở ngại lớn nhất mà các thầy cô giáo phải trải qua hàng ngày. Từ trung tâm thị trấn huyện M’Đrắk, để đến được điểm trường khó khăn nhất của xã Cư San phải vượt hơn 50km, trong đó có nhiều cung đường toàn đất đá, hố trũng… khiến việc di chuyển càng thêm khó khăn.

Các thầy cô giáo cho biết, vào mùa mưa, có những ngày phải dậy từ 4h sáng để kịp giờ đến lớp bởi nhiều đoạn đường hòa quyện trong bùn lầy nên phải dắt bộ, thậm chí nhờ sự hỗ trợ của người dân mới đi qua được.

Ở vùng cao, các thầy cô đã quen với việc mặc quần áo cũ, đi ủng đến lớp bởi đường sá lầy lội, con đường đến trường của học trò còn gian truân thì làm sao họ dám nghĩ đến những điều xa xỉ hơn.

Nhiều em học sinh vùng cao có ước mơ trở thành cô giáo

Nhiều em học sinh vùng cao có ước mơ trở thành cô giáo

Hơn 10 năm gắn bó với xã vùng cao, kỷ niệm đọng lại trong ký ức của thầy Nguyễn Đình Thiện - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Tô Hiệu là những đêm đội mưa đi canh giấc ngủ cho học sinh, đó còn là những ngày trèo đèo, lội suối vận động các em đến trường tìm chữ. Còn với cô Nhi, người mẹ hiền của mái trường Tô Hiệu, dù trải qua bao khó khăn, vất vả nhưng cô vẫn lặn lội sớm khuya cùng lũ học trò nghèo bám trường, trụ lớp.

Ở đó, không chỉ có cô Nhi, thầy Thiện mà còn rất nhiều những thầy cô khác, họ chính là những người thầm lặng đẽo chữ, mang ánh sáng đến với học trò nghèo vùng cao. Dù khó khăn, vất vả nhưng tất cả họ vẫn giữ vững niềm đam mê với nét bút nghiêng, với bục giảng.

Ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ nghèo

Ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ nghèo

Chỉ mong các em nên người

Ở các xã vùng cao, do trình độ dân trí của người dân còn thấp nên việc phổ cập giáo dục vẫn là nhiệm vụ khó khăn đối với ngành giáo dục. Thấu hiểu được điều đó, các thầy cô giáo vùng cao luôn nỗ lực hết mình, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, họ còn đóng vai trò là những người cha, người mẹ để dìu dắt các em nên người.

Tiếp xúc với thầy cô giáo ở các điểm trường thuộc xã Cư San, chúng tôi cảm nhận rõ tình cảm, sự chân thành mà các thầy cô dành cho những đứa học trò nghèo miền núi, không chỉ ân cần trên bục giảng mà từ miếng ăn đến giấc ngủ của các em đều được thầy cô lo trọn vẹn.

Điểm trường mẫu giáo tại thôn 4, xã Cư San, nơi các thầy cô phải đi bộ hơn 5km để gieo chữ

Điểm trường mẫu giáo tại thôn 4, xã Cư San, nơi các thầy cô phải đi bộ hơn 5km để gieo chữ

Đối với những đứa trẻ đồng bào, chúng chưa từng biết đến công viên hay siêu thị bởi cuộc sống lam lũ đã quấn lấy tuổi thơ từ bé, nếu không có những người đưa đò tận tụy thì tương lai của chúng rồi cũng sẽ như bao phận người nơi đây, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

“Em rất thích đi học, em đi học được gặp thầy cô, gặp các bạn em rất vui”, câu nói khiến ai nghe cũng phải bật khóc, không biết rằng còn bao nhiêu đứa trẻ phải dấu đi ước mơ được đến trường, được trở thành cô giáo…

Khi nói về các học trò của mình, thầy Trương Xuân Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng không giấu khỏi ánh mắt đượm buồn bởi những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đã chịu quá nhiều thiệt thòi, chúng không được ăn no, mặc ấm và thiếu thốn đủ mọi bề. Khó có thể diễn tả sự sung sướng của chúng khi nhìn thấy chiếc đèn trung thu trong ngày tết thiếu nhi.

Nhiều đứa trẻ vùng cao phải dấu đi ước mơ của bản thân vì cuộc sống còn lam lũ

Nhiều đứa trẻ vùng cao phải dấu đi ước mơ của bản thân vì cuộc sống còn lam lũ

Có những đứa trẻ mới lên 10 nhưng vì gia đình đông anh em nên chúng phải nhận luôn trách nhiệm làm anh chị cả trong gia đình, vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền để đỡ đần cha mẹ. Khó khăn là thế nhưng chúng vẫn nuôi hy vọng được cắp sách đến trường, được hòa chung tiếng nói cười với bạn bè đồng trang lứa để trở thành những người tốt trong tương lai, giống như lời thầy cô căn dặn hàng ngày.

Ngày 20/11 này, đám học trò nghèo không có tiền mua hoa tươi, mua quà, chúng chỉ có tấm lòng và những cành hoa dại tặng các thầy cô giáo. Có lẽ đối với những thầy cô giáo vùng cao, đó chính là món quà tuyệt vời nhất.

Các thầy cô giáo vẫn hăng say truyền kiến thức cho học sinh

Các thầy cô giáo vẫn hăng say truyền kiến thức cho học sinh

Năm học 2020-2021, huyện M’Đrắk có gần 50 trường mầm non đến THCS với tổng số gần 20.000 học sinh, gần 1.300 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 53,6%.

Ông Tạ Hồng Diện - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện M’Đrắk cho biết, trong những năm qua, Phòng GD&ĐT luôn tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác. Cạnh đó, công tác phát triển Đảng viên trong các đơn vị trường học cũng được phòng quan tâm sâu sắc.

Kim Sáng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/mang-con-chu-den-voi-hoc-tro-ngheo-vung-cao-61232.html