Mang giai điệu quê hương tới đảo xa

Trong Đoàn công tác số 19 đến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 những ngày đầu tháng 5 vừa qua có các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định. Trở về sau chuyến công tác khá vất vả nhưng các nghệ sĩ đều cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào được mang lời ca, tiếng hát và tình cảm từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ hải đảo.

Tiết mục giao lưu văn nghệ giữa các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định và cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

Tiết mục giao lưu văn nghệ giữa các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định và cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa hòa nhịp cùng các tiết mục văn nghệ.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa hòa nhịp cùng các tiết mục văn nghệ.

Sau nhiều giờ rẽ sóng ngoài khơi, luồn lách qua rặng san hô, nỗi băn khoăn trong mường tượng về những cơn sóng sẽ làm các thành viên trong đoàn bị say sớm bị át đi. Ngay từ lúc bến cảng khuất dần những cánh tay vẫy tạm biệt từ đất liền, các nghệ sĩ trong đoàn Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định đã tích cực luyện tập văn nghệ, bởi ai cũng hiểu rằng giây phút được “cháy” cùng các chiến sĩ Trường Sa hiếm hoi cỡ nào. Đoàn gồm các nghệ sĩ: Trần Quang Nhất, Văn Thị Năm, Đỗ Thị Phương, Nguyễn Phương Chi, Trần Công Thắng, Nguyễn Thị Ninh, Lại Hồng Toan với đầy đủ các bộ môn từ nhạc nhẹ, chèo, hát văn, cải lương... Nghệ sĩ trẻ Lại Hồng Toan chia sẻ: “Lần đầu tiên đi đảo tôi rất bỡ ngỡ, lo lắng vì sợ bị say sóng. Thế nhưng ra đến đảo mới thấy những vất vả của mình chẳng là gì so với lính đảo. Tình cảm nồng ấm mà quân và dân trên huyện đảo Trường Sa dành cho các nghệ sĩ đã tiếp thêm tinh thần cho tôi và các đồng nghiệp. Đặc biệt, được biểu diễn văn hóa truyền thống của quê hương Nam Định ở Trường Sa là niềm vui khôn xiết của tôi. Tôi hy vọng tiếng hát chèo, hát văn sẽ giúp các chiến sĩ vơi bớt nhớ nhà, vững chắc tay súng bảo vệ vùng đất tiền tiêu, thiêng liêng của Tổ quốc”.

Người dân trên đảo Sinh Tồn tham gia biểu diễn văn nghệ cùng các nghệ sĩ.

Người dân trên đảo Sinh Tồn tham gia biểu diễn văn nghệ cùng các nghệ sĩ.

Ra khơi, con tàu nhìn to lớn thế trong đất liền trở nên nhỏ bé giữa biển cả mênh mông. Những nghệ sĩ lần đầu ra biển lớn cùng chung cảm xúc mới lạ, háo hức về cuộc sống nơi đầu sóng, ngọn gió. Những món quà mà các nghệ sĩ mang đến Trường Sa sẽ là tình cảm chứa đựng trong những điệu nhảy, bài hát được ấp ủ luyện tập trên boong tàu. Trong chuyến đi lần này, ấn tượng nhất với nghệ sĩ Trần Công Thắng là hình ảnh sân khấu trên huyện đảo Trường Sa rực rỡ ánh đèn, những tiếng nói, tiếng cười của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân rộn ràng. Đúng 18 giờ 30 phút, chương trình giao lưu bắt đầu với tiết mục múa, hát “Khúc quân ca Trường Sa” của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Trong màn múa phụ họa, khiến người xem có thể tưởng tượng ra những con tàu vượt biển đến với Trường Sa, cùng những ngọn sóng dập dềnh. Qua phần thể hiện của cán bộ, chiến sĩ, các màn hát, múa đặc sắc có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước và tiếng vỗ tay cổ vũ, động viên, khiến cho khoảng cách giữa đất liền với đảo xa như được thu gần lại. Chia tay đoàn, khi tàu của chúng tôi nhổ neo, từ từ rời bến, trên cầu cảng, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa vẫn xếp thành hàng, hát vang “Khúc quân ca Trường Sa”, giai điệu “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta… Trường Sa ơi” được hòa vang từ đảo Song Tử Tây, Cô Lin đến Sinh Tồn, An Bang hay Đá Đông B, Đá Tây B… như tuyên ngôn của người lính Hải quân và mỗi người dân trên đảo với đất trời, biển cả. Tiếng hát như át cả tiếng sóng, tiếng gió đang cuồn cuộn trên biển cả. Và chúng tôi, mọi thành viên trên tàu cũng hòa vang tiếng ca “Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ, ta yêu sao làng quê non nước mình…”; “Trường Sa vì Tổ quốc - Cả nước vì Trường Sa”… Những lời hát lan tỏa, lặn vào lòng biển khơi!...

Giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây B và các nghệ sĩ.

Giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây B và các nghệ sĩ.

Biểu diễn văn nghệ giữa nghệ sĩ và chiến sĩ trên nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân).

Biểu diễn văn nghệ giữa nghệ sĩ và chiến sĩ trên nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân).

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo quanh năm đối diện với nắng gắt, gió thổi bập bùng nên khuôn mặt ai cũng sạm đen, rắn rỏi. Ấy vậy mà, khi được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sĩ, những nhạc điệu tí tách nổi lên, có tiếng hát ai đó cất lời, các chiến sĩ bỗng trở nên khác lạ. Binh nhất Lê Tuấn Anh, quê Thanh Hóa (đảo Đá Tây B) nhập ngũ hơn 6 tháng, vẫn còn sự e dè và nỗi nhớ nhà. Khi tiếng nhạc vang lên, cảm xúc của chàng lính trẻ như vỡ òa. Tuấn Anh “rưng rưng nước mắt” gọi “Mẹ ơi” và ôm chầm một người chạc tuổi mẹ mình như giải tỏa nỗi niềm. Có chiến sĩ đang trực ở đảo Đá Đông B, khi có đồng đội đến thay ca bỗng vội chạy thông thốc qua đường cầu để kịp về giao lưu với đoàn công tác. Đến mỗi điểm đảo, các nghệ sĩ đều mang đến giai điệu nhảy “Trường Sa xanh” sôi động. Có chiến sĩ ban đầu còn ngại ngùng, nhưng khi nhạc nổi là “quẩy” nhiệt tình. Có chiến sĩ nhảy cả rap và hát liên khúc mấy bài.

Giao lưu văn nghệ trên đảo An Bang.

Giao lưu văn nghệ trên đảo An Bang.

Các em nhỏ biểu diễn văn nghệ trên đảo Sinh Tồn.

Các em nhỏ biểu diễn văn nghệ trên đảo Sinh Tồn.

Điều đặc biệt đọng lại trong nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh là tiếng hát trên nhà giàn DK1/7 Huyền Trân có lẽ cảm động nhất. Nằm chơ vơ giữa đại dương mênh mông, quanh năm bốn bề chỉ sóng nước, nhưng khi tiếng hát của một chiến sĩ cất lên, cả đoàn ai cũng bồi hồi. “Và sao không là gió là mây để thấy trời bao la. Và sao không là phù sa dâng mỡ màu cho hoa” (Khát vọng), rồi “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua” (Nơi đảo xa)... Nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh cho biết: Mặc dù thời gian luyện tập, chuẩn bị các tiết mục tương đối ngắn, quá trình di chuyển tới các đảo khó khăn do thời tiết nắng nóng, điều kiện sóng gió… Nhưng được chứng kiến những vất vả, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, điểm đảo và nhà giàn, chúng tôi như được tiếp thêm nguồn động lực để từ đó vượt qua mọi khó khăn, “cháy” hết mình, mang đến cho cán bộ, chiến sĩ những tiết mục đặc sắc nhất. Bản thân tôi cảm thấy tự hào vì có những đóng góp nhỏ bé cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương, để từ đó yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Còn đối với Thượng úy Nguyễn Hùng Cường, Chính trị viên nhà giàn DK1/7 Huyền Trân tâm sự: Ở nhà giàn, những lúc giải lao, nghỉ ngơi, anh em lính trẻ chỉ biết đàn hát. Trong không khí hòa với mọi người biểu diễn văn nghệ, giúp những chiến sĩ trẻ thêm yêu quê hương, đất nước và phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thông qua những lời ca, tiếng hát, gắn kết thêm tình đồng chí, đồng đội giữa các chiến sĩ và cán bộ, chỉ huy đơn vị. Đây là khoảnh khắc quý giá, là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến”.

 Món quà do các chiến sĩ đảo Đá Đông tự làm từ vỏ ốc tặng các nghệ sĩ.

Món quà do các chiến sĩ đảo Đá Đông tự làm từ vỏ ốc tặng các nghệ sĩ.

Hành trình thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 kéo dài 10 ngày, đưa đoàn ghé thăm 7 điểm đảo và 1 nhà giàn. Những cô gái nghệ sĩ dịu dàng, yểu điệu ai ngờ có sức khỏe phi thường đến thế. Trừ đảo đầu tiên hành trình sau 29 giờ trên biển mới lên đảo, các điểm còn lại ngày hai điểm, 6 giờ sáng chuẩn bị xuống xuồng và đảo, trưa về tàu, chiều 2 giờ lại lên đảo, lại biểu diễn đến chiều muộn… Nhưng đến đâu các nghệ sĩ cũng cháy hết mình. Đoàn công tác, đặc biệt là các nghệ sĩ đến từ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Nam Định đã mang theo tất cả tình cảm nồng ấm từ đất liền, gửi tới các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi biển, đảo của Tổ quốc. Không những thế, được những người đi trước chia sẻ kinh nghiệm, các nghệ sĩ còn mang theo bao quà tặng bánh kẹo dành tặng trẻ con trên đảo. Những món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng biết bao tình yêu thương ân cần, tha thiết. Dù lần đầu tiên được đến với Trường Sa của các nghệ sĩ, cảm giác hồi hộp và háo hức, chỉ mong thật nhanh tới lúc được ra các điểm đảo, nhà giàn để phục vụ và giao lưu với các chiến sĩ. Và khi đến nơi rồi, các nghệ sĩ lại mong sao thời gian ngừng trôi để có thể ở lại giao lưu, đem lời ca, tiếng hát tặng các chiến sĩ lâu hơn nữa. Qua chuyến đi này, các nghệ sĩ đã nhận được những giá trị vô cùng lớn lao. Mong muốn, mình có thể đóng góp để lan tỏa, nhân rộng tình yêu biển, đảo, tình yêu quê hương, đất nước tới nhiều người hơn nữa, đặc biệt là các bạn trẻ.

Bài và ảnh: Vân thi và Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202405/mang-giai-dieu-que-huong-toi-dao-xa-2500df8/