Mang ''hơi ấm'' cho bệnh nhân nghèo

Ở Trung tâm Y tế của một địa phương còn nhiều khó khăn như Đam Rông, y, bác sỹ cùng các tổ chức, đoàn thể đang chăm sóc bệnh nhân từng ngày. Ngoài lương tâm, y đức, còn là sự quan tâm, sẻ chia từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Nhóm tình nguyện viên tại xã Rô Men chuẩn bị bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân

Nhóm tình nguyện viên tại xã Rô Men chuẩn bị bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân

“ẤM” TÌNH NGƯỜI

Những ngày cuối năm, lòng người chộn rộn bởi thêm một cái Tết đang đến thật gần. Thế nhưng, thay vì tất bật mùa vụ cà phê, vụ lúa Đông Xuân như bao người, bà Bon Jrang Ka Sel (sinh năm 1966, ngụ xã Đạ Tông) lại phải dằn lòng mình để chăm sóc cho người chồng bị bệnh, nằm nội trú tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện. Bản thân bà cũng phải điều trị tại Khoa Y học cổ truyền bởi căn bệnh đau chân tái phát mỗi lúc trái gió, trở trời.

“Con cái đều có công việc riêng nên chỉ có 2 vợ chồng chăm sóc nhau ở bệnh viện. Nhà mình còn khó khăn nên tranh thủ hôm nào khỏe là xuống bếp tự nấu nướng, nhiều hôm còn nấu ăn cho những người khác trong phòng bệnh. Như hôm nay thì có cơm canh nóng của bệnh viện, tranh thủ xuống nhận ăn trưa để chút nữa còn dành thời gian xoa bóp cho ông nhà đỡ mỏi”, người phụ nữ K’Ho bộc bạch.

Với hầu hết bệnh nhân nội trú, bên cạnh nỗi lo lắng về bệnh tật, thì chuyện ăn ở cũng là cả vấn đề. Mỗi bữa ăn miễn phí của TTYT, dù không có gì nhiều nhặn, nhưng với bà và cả những người khác, đó là thứ tình cảm không mua được bằng tiền. “Ông nhà cứ lâu lâu phải nằm viện 2, 3 tuần liền, lần nào các bác sĩ cũng dặn lịch phát cơm miễn phí, chỉ việc mang đồ xuống nhận. Dù chỉ 2 bữa mỗi tuần nhưng mình và mọi người vui lắm. Nằm viện dài ngày, đỡ được chút nào hay chút đó”, bà Ka Sel nói.

Bếp ăn do Hội Chữ thập đỏ huyện Đam Rông phụ trách. Hơn 2 năm qua, 2 nhóm tình nguyện viên tại xã Rô Men và Đạ Rsal vẫn thay phiên nhau nổi lửa, chia nhau mỗi người một việc trong niềm vui được giúp đỡ người khác. Trong số các chị còn có người tự bỏ tiền ra mua thực phẩm, thịt, cá cho bữa ăn hoặc tự mình đến các gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn vận động ủng hộ hiện vật, tiền mặt để có kinh phí duy trì bếp ăn tình thương.

Theo Hội Chữ thập đỏ huyện Đam Rông, khi mới thành lập, bếp ăn đỏ lửa mỗi ngày, mang theo bao niềm vui được chia sẻ từ những bệnh nhân còn khó khăn. Tuy nhiên, khi nguồn lực vơi dần, Hội Chữ thập đỏ cố gắng vận động các mạnh thường quân bằng nhiều kênh khác nhau để tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân. Dẫu số tiền hàng tháng để duy trì bếp ăn không lớn, nhưng để lâu dài là cả vấn đề. Đây cũng là điều khiến những người làm công tác Chữ thập đỏ và cả lãnh đạo TTYT luôn trăn trở.

Ngoài những suất ăn miễn phí, bà Ka Sel và nhiều người khác còn thường xuyên tự nấu nướng tại bếp ăn tự túc dành cho bệnh nhân. Bếp nhỏ nằm ở một góc sân của TTYT, tuy đơn sơ nhưng ấm cúng vì vẫn đỏ lửa mỗi ngày.

“Chúng tôi cố gắng hỗ trợ gạo, bếp gas, bếp củi, xoong nồi, gia vị… đầy đủ mỗi ngày. Thỉnh thoảng, có mạnh thường quân hỗ trợ thêm thực phẩm. Không nhiều, nhưng đó là nỗ lực của mọi người để san sẻ phần nào gánh nặng cho bệnh nhân và người nhà”, bác sĩ Ka Phương Thảo - Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ của TTYT chia sẻ.

Tủ thuốc 0 đồng được quản lý, bảo quản chu đáo để cấp phát cho người bệnh

Tủ thuốc 0 đồng được quản lý, bảo quản chu đáo để cấp phát cho người bệnh

“CỐ GẮNG TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT”

Ông K’Bang - Phó Giám đốc TTYT Đam Rông cho biết, dẫu rằng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng xa đã khấm khá hơn trước bởi sự đầu tư, quan tâm của cả hệ thống chính trị, nhưng nỗi lo lắng về sức khỏe, về kinh tế vẫn đâu đó còn hiện diện. “Chúng tôi cố gắng hết sức để hỗ trợ tối đa cho các bệnh nhân. Ngoài bếp ăn tình thương, tại TTYT mới triển khai thêm tủ thuốc 0 đồng và có đơn vị tài trợ những chuyến xe 0 đồng. Nhiều năm công tác tại TTYT, tôi cũng đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le, chính vì vậy, đơn vị cũng hết sức tạo điều kiện để bệnh nhân và người nhà có sự thoải mái về tinh thần, an tâm chữa bệnh. Hiện nay, khi làm việc với các mạnh thường quân hay các đoàn từ thiện, bệnh viện đang cố gắng rõ ràng trong quản lý tài chính, thuốc men và phối hợp tốt với các đơn vị liên quan để có thể tiếp tục duy trì sự hỗ trợ này”, ông K’ Bang chia sẻ.

Tháng 8 vừa qua, Chi đoàn Thanh niên và Chi hội Chữ thập đỏ của TTYT cũng vận động nguồn thuốc từ các mạnh thường quân, chủ yếu là các đối tác quầy thuốc dược tư nhân, công ty dược thường xuyên làm việc tại TTYT và đặc biệt là chi đoàn làm nhiệm vụ kết nối các tổ chức từ thiện có quỹ thuốc kết dư đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế, đưa vào hoạt động tủ thuốc 0 đồng.

Người bệnh ấm lòng bởi sự quan tâm của y, bác sỹ và các tổ chức đoàn thể ở TTYT huyện Đam Rông

Người bệnh ấm lòng bởi sự quan tâm của y, bác sỹ và các tổ chức đoàn thể ở TTYT huyện Đam Rông

Bác sĩ Ka Phương Thảo cho biết, quá trình khám, chữa bệnh theo đúng quy trình của Bộ Y tế, cấp phát thuốc từ Khoa Dược sẽ cấp từ nguồn thuốc 0 đồng và có giấy tờ, sổ sách, đơn thuốc lưu trữ theo quy định. Kế toán viện phí bệnh viện là đơn vị cuối cùng kiểm tra toàn bộ quá trình sử dụng thuốc. Thuốc nhập vào tủ, quản lý bằng phần mềm, kiểm tra về số lô, số date, chất lượng thuốc, mặc định thuốc về giá 0 đồng, làm thông báo tới toàn bộ các y, bác sĩ tại TTYT và hướng dẫn trên phần mềm để sử dụng cho đúng đối tượng cam kết từ ban đầu và tuyệt đối sử dụng đúng giá 0 đồng.

“Với tỉ lệ 70 - 75% là người đồng bào DTTS, kinh tế còn có phần hạn chế nên khả năng bệnh nhân phối hợp với các y, bác sĩ để đạt được kết quả điều trị cao nhất như kì vọng rất thấp, chúng tôi hi vọng việc cung cấp được nguồn thuốc 0 đồng này sẽ hỗ trợ bệnh nhân rất tốt trong quá trình điều trị. Tính đến nay, có khoảng 90% lượng bệnh nhân sử dụng ít nhất 1 loại thuốc từ tủ thuốc 0 đồng”, bác sĩ Thảo chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi quanh TTYT, niềm vui của bác sĩ Ka Phương Thảo nhân lên khi người này báo tin ngày mai xuất viện, sức khỏe người kia đã khá hơn. Dẫu nhiều áp lực ngày ngày đè nặng lên vai những cán bộ của TTYT huyện, nhưng họ vẫn cố gắng chỉn chu, dành sự quan tâm, chăm sóc cho bệnh nhân. “Đây là bình nước nóng siêu tốc để bệnh nhân sử dụng. Những lúc nửa đêm, khi bệnh nhân cảm sốt cần nước nóng mà không có thì cũng… “gay” lắm. Dù chẳng phải điều gì đó lớn lao nhưng chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ bệnh nhân từ những điều nhỏ nhặt nhất”, bác sĩ Ka Phương Thảo chia sẻ.ª

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202212/mang-hoi-am-cho-benh-nhan-ngheo-3151623/