Mang hơi ấm ra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1
Sau hải trình 7 ngày, Đoàn công tác số 22 Quân chủng Hải quân đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, động viên quân, dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân). Chuyến hải trình mang theo nhiều món quà ý nghĩa, thiết thực, thể hiện tình cảm, hơi ấm của hậu phương ở đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi.
Hơi ấm từ đất mẹ
Chiều 19-5, Đoàn công tác số 22 Quân chủng Hải quân đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2025. Đoàn công tác số 22 do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân, Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn. Tham gia cùng đoàn công tác có đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương, do Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn.
Đánh giá chuyến công tác, Đại tá Cao Văn Sơn, khẳng định: Chuyến thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 của Đoàn công tác số 22 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện, đạt được mục đích yêu cầu đề ra. Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, các thành viên của đoàn mang đến cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo hơi ấm từ đất mẹ, động viên và tạo động lực mới cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. Đây cũng là nguồn động viên, khích lệ to lớn giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo vượt qua mọi khó khăn, giữ vững tinh thần đoàn kết, kiên cường bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Trong hải trình 7 ngày (từ ngày 13 đến 19-5), đoàn công tác đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ tại 6 đảo của quần đảo Trường Sa, gồm đảo Đá Thị, Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Đá Đông C, Trường Sa; và Nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân). Đoàn công tác số 22 khởi hành từ Cảng Cát Lái, TP.Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác tỉnh Bình Dương tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ tại đảo Len Đao
Trước khi rời cảng, đoàn dâng hương tại Tượng đài Đoàn tàu không số, thuộc Lữ đoàn 125, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu, mở ra tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển. Trong không khí trang nghiêm, đoàn đã dâng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ của Đoàn tàu không số đã hy sinh. Các đại biểu vô cùng xúc động khi được ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của Đoàn tàu không số. Đây là đoàn tàu được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển lực lượng, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ đầy gian khổ, từ đó hình thành nên con đường huyền thoại mang tên Bác - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chuyến đi cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Mỗi điểm đảo thân thương đều là một cột mốc chủ quyền thiêng liêng của đất nước trên Biển Đông. Các cán bộ, chiến sĩ đã không ngại nguy hiểm, sóng to, bão lớn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ, giúp cho ngư dân như chính người thân của mình. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo dù còn rất trẻ nhưng sự tự tin, tinh thần lạc quan luôn ngời lên trong ánh mắt, nguyện giữ chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Qua thực tế chuyến đi này cũng cho chúng ta thấy rõ hiệu quả to lớn và rất thiết thực các phong trào của cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng giúp đỡ và ủng hộ Trường Sa thời gian vừa qua. Thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Trong hải trình đến các đảo và Nhà giàn DK1/7, các đại biểu đã ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục mọi khó khăn để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, vừa là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Bên cạnh đó, đoàn công tác đã trao các suất quà gồm nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt cần thiết là tình cảm từ đất liền gửi đến các cán bộ, chiến sĩ.
Thiêng liêng hai tiếng “Trường Sa”
Đặc biệt, tại đảo Trường Sa, đoàn công tác đã thực hiện nghi thức chào cờ và cùng lắng nghe lời thề của cán bộ, chiến sĩ dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Đảo Trường Sa được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”. Đây là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trên đảo có đầy đủ các công trình như âu tàu, làng chài, đồn biên phòng, nhà đèn, nhà dân, bệnh xá - trung tâm y tế, trường học, chùa, trạm khí tượng thủy văn, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ…
Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió. Vì vậy, những năm qua, ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam và một số địa phương ven biển mỗi khi xa bờ, ra khơi sản xuất bất ngờ có bão giông, đau ốm, bệnh tật cần tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh đều được Trường Sa cung cấp.
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng chiến đấu, giữ vững chủ quyền; chốt tiền tiêu bảo vệ và khẳng định chủ quyền; là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển… Đảng bộ đảo Trường Sa đạt danh hiệu Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 6 năm liền từ năm 2019 đến năm 2024.
Phát biểu động viên cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa, Đại tá Cao Văn Sơn đã ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương kết quả mà cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đã đạt được trong thời gian qua. Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, Đại tá Cao Văn Sơn đề nghị cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị; xây dựng bầu không khí dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về sẵn sàng chiến đấu; hoàn thành tốt các nội dung, chỉ tiêu huấn luyện, bảo đảm an toàn tuyệt đối; tiếp tục nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho các nhiệm vụ; tập trung xây dựng Đảng bộ và các chi bộ trên đảo vững mạnh về chính trị, tư tưởng đạo đức và tổ chức.
Trong chuyến hải trình trên tàu 561, Đoàn công tác số 22 đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu phong phú, đa dạng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, như chương trình mừng sinh nhật tháng 5 trên biển; giao lưu văn hóa, văn nghệ với quân, dân đảo Trường Sa…
Trong chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa, tỉnh Bình Dương đã tặng Quân chủng Hải quân 2 tỷ đồng đóng tàu CQ; tỉnh Đồng Nai tặng 5 tỷ đồng và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tặng 1 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Xanh hóa Trường Sa”; tỉnh Sóc Trăng tặng 500 triệu đồng và tỉnh Long An tặng 400 triệu đồng hỗ trợ Quân chủng Hải quân xây dựng công trình trên quần đảo Trường Sa. Câu lạc bộ Sao Vàng Đất Việt Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tặng 300 triệu đồng hỗ trợ các hoạt động phục vụ Trường Sa; Công ty Xổ số kiến thiết An Giang tặng 250 triệu đồng hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, tại các đảo và Nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân) đoàn đều có những phần quà ý nghĩa tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo...