Măng khô Hà Tây tìm 'chỗ đứng' trên thị trường
Khi những cơn mưa đầu mùa rả rích ùa về trên vùng đất Tây Nguyên là lúc những chồi măng dần dần lấp ló trong các rừng le. Đây cũng là thời điểm người dân xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vào rừng lấy măng le về làm thực phẩm hoặc chế biến thành sản phẩm hàng hóa.
Những ngày này, làng Kon Hơng Leh trở thành một “công xưởng” chế biến măng thực sự. Đàn ông chuyên việc gánh vác, bổ củi. Đàn bà, con gái sau khi đặt chiếc gùi chất đầy măng xuống đất không kịp nghỉ ngơi liền nhóm bếp luộc măng, chẻ măng, sau đó vớt ra, ép cho kiệt nước mới đến công đoạn phơi sấy. Ngày mưa, măng chủ yếu được làm khô bằng cách sấy trên lò.
Với những động tác thuần thục, chị Phạm Mai Duyên (25 tuổi) vừa xếp măng trên lò vừa kể: “Năm nay, mỗi ký măng khô có giá 200.000 đồng, là khoản thu nhập lớn đối với đồng bào nơi đây. Măng được giá, ai cũng mừng nhưng để hái được măng đẹp thì phải đi xa hơn. Còn mình thì thu mua măng tươi rồi chế biến thủ công, tranh thủ kiếm thêm thu nhập”.
Bà Phạm Thị Chúc (55 tuổi) cho hay, nghề sấy măng tuy không nặng nhọc nhưng cần sự tỉ mỉ, công phu, các công đoạn đều làm thủ công, từ khâu chẻ măng, làm lò sấy (bằng đất sét) đến khâu ép măng, sấy măng.
Để tạo ra sản phẩm măng le khô chất lượng, sau khi lấy măng tươi từ rừng về phải cắt bỏ những đoạn bị xơ (măng già) rồi luộc chín, để nguội, sau đó dùng dao chẻ. Muốn có những lát măng khô đẹp thì không được chẻ quá mỏng hoặc quá dày; bởi nếu chẻ quá dày thì măng khô sẽ không đẹp, còn quá mỏng sẽ khiến khi sấy dễ bị gãy nát.
Sau khi chẻ xong, măng le được xếp vào bao ni lông rồi dùng những thanh gỗ hoặc tảng đá to giằng lên trên. Khoảng vài ngày sau, khi những miếng măng le đã ráo hẳn nước thì mới xếp lên lò sấy trong khoảng 6 giờ đồng hồ. Muốn có những mẻ măng le sấy vàng óng thơm ngon, người thợ thủ công phải thường xuyên canh lửa, đảo măng thật kỹ, tránh trường hợp bị cháy sém. Nếu trời nắng, có thể giảm thời gian sấy, thay vào đó mang ra phơi nắng khoảng 1 tiếng đồng hồ để măng le thơm ngon và bảo quản được lâu hơn.
Mùa măng cũng mang đến niềm vui cho gia đình 2 anh em Phi và Mơ (làng Kon Sơ Lăng). Hoàn cảnh khó khăn nên 2 em vẫn tranh thủ sáng theo học ở trung tâm xã, chiều phụ giúp bố mẹ hái măng để trang trải việc học hành. Chị Phiên-mẹ 2 em-bảo: “Vợ chồng lấy nhau cũng ngót nghét 15 mùa măng rồi sinh được 2 đứa con. Phải cố gắng nuôi thằng Phi, con Mơ học hành cho bằng người để may ra sau này nó đỡ khổ, biết đâu có thể đỡ đần gia đình”.
Còn anh Nhân (làng Kon Chang) cho biết: “Gia đình tôi có đến 5 miệng ăn nên mùa khô thì tôi đi phụ hồ ngoài huyện, còn mùa mưa tranh thủ đi lấy măng về bán kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Tiền mua áo quần cho mấy đứa nhỏ vào năm học mới cũng nhờ măng sấy đem bán mà có đấy”.
Trò chuyện cùng chúng tôi, đại diện chính quyền xã Hà Tây chia sẻ trăn trở trước tình trạng nhiều hộ bị tư thương ép giá, nguồn cung ứng ra thị trường chưa thật sự ổn định và hầu hết các cơ sở chỉ ở quy mô nhỏ, lẻ. Xã mong muốn trong tương lai sẽ có lộ trình cụ thể quy hoạch nguồn nguyên liệu, xây dựng thương hiệu măng khô Hà Tây.
Bên cạnh đó là tuyên truyền người dân tránh khai thác bừa bãi làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất nguồn nguyên liệu; vận động các hộ sản xuất cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, đồng thời liên kết để tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi nhằm đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Nếu làm được điều này, biết đâu măng khô Hà Tây có thể xây dựng cho mình một “chỗ đứng” riêng trong và ngoài tỉnh, giúp người dân nơi đây sống được từ rừng.