Mang kiến thức pháp luật đến với người nghèo
Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa phát huy tốt nhất việc trợ giúp pháp lý cho người dân. Phóng viên Báo Bình Thuận phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kiều Châu - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Thuận về những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ để công tác này đạt hiệu quả trong thời gian đến.
Mang kiến thức pháp luật đến với
Thời gian qua, trung tâm triển khai trợ giúp pháp lý cho những người thuộc diện được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, như thế nào thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kiều Châu: Trong những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng ngàn người dân trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Hầu hết các vụ việc có trợ giúp viên pháp lý tham gia đều mang lại kết quả cao được người dân hài lòng về chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước. Có nhiều vụ án kéo dài nhiều năm do có khiếu nại, khiếu kiện nhưng khi có sự vào cuộc của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, nơi các trợ giúp viên pháp lý tư vấn, giải thích, hướng dẫn người dân hiểu thêm về các quy định pháp luật, đã thành công. Qua đó cũng nâng cao ý thức pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật của người dân.
Không chỉ có vậy, nhiều vụ án tranh chấp với nhiều quan điểm pháp lý khác nhau, đan xen nhiều lĩnh vực pháp luật, các trợ giúp viên pháp lý đã nghiên cứu, vận dụng pháp luật, kiến nghị kịp thời và trình bày luận điểm để bào chữa, bảo vệ thành công tại các phiên tòa.
Hiện nay, còn nhiều người dân trong diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh chưa tiếp cận được với dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước. Với vai trò là Giám đốc trung tâm, bà có giải pháp gì để giúp người dân?
Trên thực tế vẫn còn nhiều người dân thuộc diện được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước. Tuy nhiên, họ chưa hiểu biết về chức năng của trung tâm nên khi có vấn đề vướng mắc về pháp luật hoặc có khiếu nại, tranh chấp, không biết nhờ vào tổ chức nào giúp đỡ. Do đó, để tránh bỏ sót diện người được trợ giúp pháp lý, trung tâm đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác truyền thông “quảng bá” trung tâm. Hàng năm, trung tâm đều tổ chức các đợt truyền thông về cơ sở, in ấn hàng trăm ngàn bảng thông tin về trợ giúp pháp lý cung cấp đến các cơ quan, ban, ngành hữu quan trong tỉnh để treo tại trụ sở tiếp dân và niêm yết công khai số điện thoại của các trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên tại những nơi người dân dễ tiếp cận. Xây dựng các giỏ sách pháp luật, cung cấp các tài liệu pháp luật, tờ gấp, tờ rơi pháp luật biên soạn những thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý và các thông tin pháp lý cần thiết khác giúp người dân dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, trong những năm gần đây trung tâm cũng đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, báo, đài của tỉnh để thông tin kịp thời những hoạt động về trợ giúp pháp lý để người dân hiểu thêm về hoạt động này.
Ngoài ra, chúng tôi đã cử các viên chức của trung tâm, những người đã được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh cho đi đào tạo trở thành các trợ giúp viên pháp lý, tham gia học lớp đào tạo nghiệp vụ Luật sư. Khi có đủ nguồn nhân lực sẽ bố trí họ trải đều khắp các huyện, thị giúp người dân trong diện được trợ giúp pháp lý.
Ngoài hoạt động tư vấn pháp luật, trung tâm còn tham gia hoạt động tố tụng tại các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân trong diện được trợ giúp pháp lý tại các phiên tòa. Để phát huy hiệu quả hơn hoạt động này trong thời gian tới, cần thêm giải pháp gì, thưa bà?
Công tác tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại các phiên tòa là nhiệm vụ trọng tâm của trung tâm. Hiện nay ngoài trung tâm chính đóng tại địa bàn TP. Phan Thiết còn có 2 chi nhánh trợ giúp pháp lý tại thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh và thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong hoạt động này, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể, phối hợp với các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát và tư pháp theo Thông tư liên tịch 10/2018. Theo đó, các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và trợ giúp viên pháp lý phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Hàng năm, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của hội đồng phối hợp về trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tố tụng tỉnh, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác phối hợp thực hiện tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Qua đó, phát hiện những tồn tại, hạn chế và kịp thời khắc phục, để người trong diện được trợ giúp pháp lý khi tiếp xúc làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng được giới thiệu về trung tâm ngày càng nhiều hơn.
Xin cảm ơn bà!
Lê Ninh (thực hiện)