Mang lại môi trường lành mạnh trong nhà trường và xã hội

Ngày 18-6, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn 3 phút ghi lại cảnh nhóm nữ sinh ở Nghệ An đánh bạn học. Đáng nói, xung quanh có nhiều người đứng theo dõi nhưng không ai can ngăn. Một nữ sinh đã dùng ĐTDĐ ghi lại sự việc và đăng lên mạng xã hội.

Được biết, đoạn clip này được quay tại một khu rừng tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhóm nữ sinh ẩu đả là học sinh lớp 8 một trường THCS. Nguyên nhân ban đầu được xác định do mâu thuẫn cá nhân giữa các nữ sinh. Lãnh đạo trường THCS này xác nhận có sự việc nhóm nữ sinh đánh nhau bên ngoài khuôn viên trường. Sự việc đang được CA huyện Nam Đàn vào cuộc xác minh làm rõ.

Trước đó, chiều 17-6, thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị vừa yêu cầu Trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên thị xã Đông Triều làm rõ vụ việc một nữ sinh của trung tâm này bị bạn cùng lớp lột quần áo, bị quay video tung lên mạng xã hội facebook.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Luận ra, bạo lực học đường (BLHĐ) là hệ thống xâu chuỗi lời nói hành vi mang tính miệt thị đe dọa khủng bố người khác (thường xảy ra giữa trò và trò, giữa thầy và trò và ngược lại… trong nhà trường) để lại những thương tích trên cơ thể thậm chí gây tử vong. Nhưng đặc biệt là gây tổn thương về tư tưởng, tâm hồn tạo nên những cú sốc về tâm, sinh lý cho những đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục. BLHĐ là những hành vi thô bạo ngang ngược bất chấp công lý, pháp luật và đạo lý gây tổn thương về thân thể và tinh thần diễn ra trong phạm vi trường học.

Biện pháp tận gốc để giảm bớt BLHĐ là gia đình, nhà trường và xã hội cần tuyên truyền giáo dục để các em phải tự nhận ra sai lầm và từ bỏ hành vi bạo lực một cách tự nguyện. Về phía xã hội, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp, chế tài hạn chế sự ảnh hưởng của văn hóa độc hại ảnh hưởng đến nhân cách của học sinh. Thực hiện nghiêm Nghị định 80/2017/NĐCP (Nghị định của Chính phủ) và Quyết định 5886 của Bộ GD&ĐT về phòng chống BLHĐ.

Với nhà trường, cần quan tâm tới học sinh cả trong và ngoài môi trường nhà trường; không cho phép thái độ định kiến thù địch và phân biệt đối xử diễn ra giữa học sinh và các nhóm học sinh trong lớp, phải thiết lập quy tắc này ngay từ khi bắt đầu vào học và phải luôn lắng nghe học sinh của mình xem điều gì đang diễn ra ở các em; tổ chức các nhóm bạn phát hiện và khuyến khích những học sinh thông báo các biểu hiện và bạo lực cho giáo viên; dạy học sinh kỹ năng kiểm soát sự giận dữ và giải quyết xung đột...

Như vậy, việc phòng chống BLHĐ phải được xem là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Sự quan tâm đúng mức, sự kết hợp chặt chẽ các đoàn thể, các tổ chức liên quan sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực góp phần để đẩy lùi căn bệnh này.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mang-lai-moi-truong-lanh-manh-trong-nha-truong-va-xa-hoi-198268.html