Mạng lưới đường sắt Việt Nam sẽ ra sao sau 50 năm?
Theo chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt, đến 2050 sẽ hoàn thành tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435mm trục Bắc-Nam.
Xây dựng chiến lược phát triển đường sắt tầm nhìn đến 2050
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về dự thảo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam. Cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh hệ thống đường sắt quốc gia còn lạc hậu, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có và phát triển các tuyến đường sắt mới, đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết.
Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đồng bộ. Tập trung cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có như tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...
Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch; nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch, đường sắt nối với các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt kết nối quốc tế. Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là xương sống của chiến lược.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các địa phương chuẩn bị đất đai, mặt bằng phục vụ xây dựng các tuyến đường sắt. Đồng thời, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là việc làm chủ công nghệ tiên tiến, huy động hiệu quả nguồn lực.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu, cần được nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến của các chuyên gia, tư vấn, các nhà khoa học, so sánh để lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ, suất đầu tư, huy động vốn... Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được thẩm định theo đúng quy định pháp luật, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội khóa XV và chuẩn bị triển khai tốt các bước tiếp theo.
Nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt khổ 1.435mm
Được biết, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt Điều chỉnh Qui hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo các chiến lược, quy hoạch này, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, sẽ phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia và đô thị đối với cả mạng đường sắt hiện có và đường sắt xây dựng mới.
Cụ thể, đối với mạng đường sắt hiện có, hoàn thành cải tạo, nâng cấp và khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải; Hoàn thành xây dựng hệ thống công trình bảo đảm trật tự hành lang ATGT đường sắt, các điểm giao cắt khác mức giữa đường bộ và đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt.
Đối với đường sắt xây dựng mới, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 kilômét/giờ đến dưới 200 kilômét/giờ), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.
Cùng đó nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt khổ 1.435 mm, điện khí hóa: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài 380 km; Hà Nội - Đồng Đăng dài 156 km. Nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch như: Diêu Trì - Nhơn Hội; Vũng Áng - Mụ Giạ kết nối với đường sắt Lào; đường sắt vào cụm cảng các khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và Nam Trung bộ…
Cũng trong giai đoạn này, nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt ven biển: Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh dài khoảng 120 km; Hạ Long - Mũi Chùa - Móng Cái dài khoảng 150 km. Nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên: Đắk Nông - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước dài khoảng 550 km, Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 169 km, Đắk Nông - Bình Thuận dài khoảng 121 km.
Nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt: Dĩ An - Lộc Ninh kết nối với đường sắt Campuchia; Lạng Sơn - Quảng Ninh (Mũi Chùa) dài khoảng 95 km; Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái dài khoảng 73 km. Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, dài khoảng 84 km.
Đối với đường sắt đô thị, tiếp tục triển khai đầu tư, phấn đấu hoàn thành các dự án đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao vào năm 2050
Theo Chiến lược phát triển GTVT đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, đến 2050 sẽ phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435mm trên trục Bắc - Nam. Sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ.
Tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới tuyến đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa; hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn.
Đối với phát triển đường sắt đô thị, hoàn chỉnh mạng đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn khác theo quy hoạch được duyệt.