Mang no ấm về bản

Mạnh dạn vay vốn đầu tư, chuyển đổi hướng sản xuất, kinh doanh, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn về điều kiện tự nhiên cũng như hoàn cảnh cá nhân, nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, giúp đỡ nhau thoát nghèo.

Nỗ lực vượt khó

Bà Hoàng Thị Mùi (SN 1964), dân tộc Cao Lan hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ván A, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn). Cách đây hơn 20 năm, chồng bà không may qua đời. Bà Mùi phải một mình chăm sóc 4 con nhỏ và bố mẹ chồng tuổi cao, sức yếu. Từ khi chồng còn sống, hai vợ chồng bà dù chăm chỉ làm lụng cũng chẳng đủ ăn, nay chồng mất mọi gánh nặng dồn cả lên vai khiến cuộc sống của người phụ nữ này càng nhọc nhằn hơn. Các con bữa đói bữa no, bố mẹ già đau yếu chẳng được thuốc thang đầy đủ khiến bà Mùi rất khổ tâm. Nén nỗi đau trong lòng, bà Mùi quyết tâm phát triển kinh tế để thay đổi cuộc sống, chăm lo tốt hơn cho người thân. Bà đến một số hộ điển hình về phát triển kinh tế trong xã và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp tổ chức.

 Cán bộ Hội LHPN xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) tham quan mô hình trồng vải của gia đình bà Hoàng Thị Mùi.

Cán bộ Hội LHPN xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) tham quan mô hình trồng vải của gia đình bà Hoàng Thị Mùi.

Mở mang kiến thức, bà hiểu thêm về sản xuất nông nghiệp, nhận thấy tiềm năng đất đai nơi mình sinh sống có thể giúp gia đình thoát nghèo. Bà Mùi cho biết: “Thôn Ván A nằm ven suối nên đất đai khá màu mỡ, thích hợp để trồng cây ăn quả. Do đó, tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích hoa màu trước đây sang trồng vải thiều với hy vọng có thể xóa được cái nghèo bao năm đeo đẳng”. Vốn là người chịu thương, chịu khó lại nhanh nhạy, tháo vát, bà Mùi đã khai thác tốt những ưu đãi của thiên nhiên và sự hỗ trợ của Hội LHPN xã về vốn vay để thực hiện mô hình kinh tế mới. 100 cây vải đều sinh trưởng, phát triển tốt, hơn 200 con gà thả ở vườn vải cũng ngày một lớn dần. Đến nay diện tích trồng vải của gia đình bà Mùi đã tăng gấp 5 lần, gần 200 cây táo cũng cho thu nhập tốt, đời sống gia đình khấm khá hơn.

Trải qua những năm tháng gian khó, tần tảo, hơn ai hết, bà Mùi thấm thía những khổ cực của sự nghèo, đói. Vì vậy, bà luôn mong muốn được góp sức cùng chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Những năm qua, bà Mùi luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương, hỗ trợ hội viên phụ nữ khó khăn về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, bà Mùi còn tham mưu với Hội LHPN xã tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng và đưa một số giống cây mới, hiệu quả kinh tế cao về địa phương. Bên cạnh đó, bà còn tích cực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan và được người dân quý trọng, hội viên phụ nữ tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB hát sình ca thôn Ván A.

Giúp người dân nâng cao thu nhập

Những ngày này, trên các cánh đồng của thành viên Tổ hợp tác và tiêu thụ nông sản bản Tràng Bắn, xã Đồng Vương (Yên Thế) luôn tấp nập bà con thu hoạch lạc, ớt. Mỗi ngày, tổ thu mua, xuất bán khoảng 20 tấn nông sản tới các chợ đầu mối, siêu thị và một số nước. Được biết, đây là mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ dân tộc Tày Nguyễn Thị Hải (SN 1984) thành lập cách đây gần 4 năm. Mô hình không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho các tổ viên mà còn tạo việc làm cho hàng trăm hội viên phụ nữ huyện Yên Thế và lao động ngoài địa phương.

 Hội viên phụ nữ xã Đồng Vương làm việc tại Tổ hợp tác và tiêu thụ nông sản bản Tràng Bắn.

Hội viên phụ nữ xã Đồng Vương làm việc tại Tổ hợp tác và tiêu thụ nông sản bản Tràng Bắn.

Theo chị Hải, những năm trước đây, người dân xã Đồng Vương vẫn làm nông nghiệp theo phương thức truyền thống, tự sản xuất, tự tiêu thụ nên luôn bị động, đầu ra bấp bênh. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian thu mua nông sản, chị Hải đã thiết lập các kênh tiêu thụ cho từng sản phẩm và ấp ủ mở rộng quy mô kinh doanh theo chuỗi khép kín để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hiệu quả kinh tế của mô hình tổ hợp tác của chị Nguyễn Thị Hải đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Yên Thế thoát nghèo bền vững. Tiếng lành đồn xa, bà con xã Đồng Vương và một số xã trên địa bàn huyện Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) cũng đến đăng ký tham gia vào chuỗi sản xuất của tổ hợp tác.

Khi thấy một số hộ trồng không đúng kỹ thuật, chất lượng cây giống kém dẫn tới sản phẩm khi thu hoạch không đạt chất lượng, chị đã mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác với thành viên là 11 hộ đồng bào DTTS ở xã Đồng Vương. Các tổ viên được chị Hải cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, chị thường xuyên tìm hiểu các giống cây mới phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất giúp tăng thu nhập cho các tổ viên. Sản phẩm do các hội viên sản xuất được chị thu mua, bao tiêu với giá 15-20 triệu đồng/sào tùy loại nông sản.

Hiệu quả kinh tế của mô hình đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Yên Thế thoát nghèo bền vững. Tiếng lành đồn xa, bà con xã Đồng Vương và một số xã trên địa bàn huyện Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) cũng đến đăng ký tham gia vào chuỗi sản xuất của tổ hợp tác. Theo chị Lý Thị Phin, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Vương, hội viên Nguyễn Thị Hải là một điển hình làm kinh tế giỏi. Trong các hoạt động, phong trào thi đua của phụ nữ tại địa phương, chị Hải luôn tham gia tích cực, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ, các ngành, địa phương, có nhiều hội viên phụ nữ tự tin khởi nghiệp, khai thác tốt tiềm năng sẵn có của địa phương trong phát triển kinh tế. Từ chủ động về kinh tế, nhiều hội viên phụ nữ, nhất là hội viên người DTTS đã có cuộc sống tốt hơn. Họ không chỉ cùng gánh vác trách nhiệm xây dựng gia đình mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mang-no-am-ve-ban-073121.bbg