Mang nụ cười tự tin cho trẻ thiệt thòi

Hơn 400 trẻ thiệt thòi ở các cơ sở trợ giúp xã hội có cơ hội kiểm tra, điều trị các bệnh liên quan đến răng miệng. Không chỉ thế, một số bệnh nhi có dị tật ở vùng hàm mặt, tứ chi cũng được lên danh sách tìm kiếm cơ hội phẫu thuật miễn phí…

 Khám răng miệng cho trẻ ở các mái ấm, trung tâm bảo trợ xã hội

Khám răng miệng cho trẻ ở các mái ấm, trung tâm bảo trợ xã hội

Những ngày cuối tháng 3, Bệnh viện Răng Hàm Mặt (BV RHM) Huế xuất hiện nhiều vị khách nhỏ tuổi. Đó là những đứa trẻ đang sinh sống, học tập tại Làng trẻ SOS Huế. Lần đầu tiên đi cùng nhau đến khám răng với bảo mẫu, có em lo lắng, song cũng có em háo hức. Một cậu bé có mái tóc ngố vừa đọc tờ rơi hướng dẫn chăm sóc răng miệng vừa giảng giải cho cô em gái nhỏ hơn: “Đây nì, mỗi lần đánh răng phải đánh trong hai phút, không ăn đồ ngọt sau khi đánh răng tối, trong ni có ghi rõ đó”. Đến lượt vào khám răng, thấy cô em lo sợ hồi hộp, cậu an ủi: “Không có chi mô. Em vô đi. Mấy cô bác sĩ hiền lắm. Mơi chừ có ai vô khám răng mà khóc mô”! Nhìn những đứa trẻ an ủi, cổ vũ nhau mới thấu cảnh tự lập vươn lên vì thiếu tình ruột thịt.

Hơn 70 em ở Làng Trẻ em SOS Huế được các cô chú khám răng sâu ngà, lấy cao răng, được hướng dẫn chăm sóc răng miệng. Nhìn các em như bầy chim non ríu rít, các y tá, bác sĩ trong đợt khám tư vấn hôm ấy ngoài thực hiện công việc chuyên môn, họ còn động viên, tặng quà và tạo môi trường thân thiện giúp các em yên tâm khám, điều trị.

Ngoài tiếp nhận điều trị tại BV RHM, các y, bác sĩ còn tổ chức đến các cơ sở, nơi các em không có điều kiện đi lại. Tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật chùa Long Thọ, việc khám và giáo dục diễn ra chậm hơn do phần lớn các em khuyết tật về trí tuệ, khó khăn trong giao tiếp cần sự hỗ trợ của bảo mẫu. Trần Phan Đ.T., con đầu trong một gia đình có ba mẹ làm nghề sửa xe. T là một trong những em tiến bộ, hợp tác tốt với bác sĩ trong quá trình thăm khám. T khoe: “Cô bác sĩ khen con đánh răng đúng cách, răng con không bị sâu cái nào. Được khám răng, nhận quà tặng con rất thích, kem đánh răng con sẽ chia cho cả nhà và bày lại cho em gái những gì được học hôm nay”.

Vừa hỗ trợ các bác sĩ, điều dưỡng Phạm Thị Ngọc Mai, nhân viên Khoa Khám bệnh - Chỉnh nha - Phục hình vừa quan sát kỹ từng trường hợp. Một số trường hợp hở vòm, quá phát xương hàm do bẩm sinh/ di truyền, khèo tay… được ghi chép tình trạng bệnh lý, chụp ảnh để chờ một đợt phẫu thuật sắp tới. Em H.H. , một trường hợp quá phát xương hàm dưới do di truyền cần phẫu thuật để đưa về khớp cắn đúng. Ngoài ra, em còn bị hở vòm, phải xử lý để việc ăn uống thuận tiện hơn. Hoàn cảnh H. rất thương tâm, ba mẹ ly dị, H. ở hẳn tại trung tâm, mỗi năm chỉ về nhà ăn Tết một lần. Sắp tới, có đoàn chuyên gia nước ngoài về BV RHM phẫu thuật, đoàn khám bệnh sẽ đưa H. vào danh sách để mổ. Việc này cần có sự bảo trợ và chăm sóc của người thân/ người bảo hộ trong quá trình phẫu thuật. Theo chị Mai, trong quá trình khám răng miệng, đoàn phát hiện các em có dị tật tay, chân, hàm mặt do hoàn cảnh, ít được chăm lo, can thiệp sớm. Đây cũng là cơ hội để các em được chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ thăm khám, lên lịch điều trị sớm nhất có thể.

Cảm động trước sự nhiệt tình, chu đáo của cán bộ BV RHM, sư cô Thích Nữ Thoại Nghiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã trẻ em khuyết tật chùa Long Thọ chia sẻ: “Hơn 100 trẻ ở đây có hoàn cảnh đặc biệt, có em mồ côi hoặc sống hẳn ở trung tâm nên ít có cơ hội khám điều trị về răng miệng. Lần đầu tiên có đoàn đến khám quy mô và tổ chức bài bản thế này. Hy vọng, hoạt động này duy trì thường xuyên, giúp các cháu được kiểm tra, thăm khám theo dõi, ngăn ngừa các bệnh phát sinh”.

Ở Long Thọ và Mái ấm hy vọng Nguyệt Biều (TP. Huế), tỷ lệ sâu răng và viêm nướu chiếm 80%, 110 số răng cần trám răng và 42 răng cần nhổ. Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nước Ngọt (Phú Lộc), tình hình trẻ bị sâu răng và viêm nướu khá cao. Qua thực tế, BS. Nguyễn Thị Phương Uyên, Khoa Nội nha – Nha chu BV Răng Hàm Mặt Huế nhận định: “Các em vệ sinh răng miệng chưa đúng cách nên còn nhiều bệnh tập trung ở sâu răng và viêm nướu. Chúng tôi hướng dẫn kỹ lưỡng và phối hợp với các bảo mẫu nhằm nhắc trẻ đánh răng đầy đủ ngày 2 lần, lưu ý tăng cường ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin, rau củ, hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường và nên cho trẻ đi kiểm tra răng định kỳ 6 tháng 1 lần”.

Sau đợt khám sàng lọc, sơ Hồ Thị Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nước Ngọt, Phú Lộc cho hay: “Hơn 60 trẻ được thăm khám sàng lọc, đợt tới một số trường hợp có chỉ định điều trị. BV đã hẹn lịch để trung tâm cùng gia đình đưa các em lên điều trị miễn phí. Đây là sự chia sẻ và hỗ trợ ý nghĩa, giúp các em có nụ cười tự tin với bạn bè và cộng đồng; các bảo mẫu cũng được cập nhật thêm thông tin về giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ”.

Nói về hoạt động ý nghĩa triển khai hưởng ứng Ngày Chăm sóc sức khỏe răng miệng thế giới kéo dài đến 31/3, Phó Giám đốc BV RHM - BS Nguyễn Hoàng Dạ Hợp thông tin: “Hàng năm chúng tôi đều tổ chức các chương trình khám cộng đồng, và dành sự quan tâm đều đặn cho các em thiệt thòi đang nuôi dưỡng tại các mái ấm, trung tâm bảo trợ xã hội. Đây là những người yếu thế khó tiếp cận về chăm sóc sức khỏe răng miệng, thiệt thòi trong giao tiếp xã hội. Hy vọng, hoạt động lần này phần nào cải thiện cơ bản sức khỏe nha khoa; trao thêm kỹ năng, kiến thức về chăm sóc, bảo vệ răng miệng".

Bài, ảnh: LINH TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/mang-nu-cuoi-tu-tin-cho-tre-thiet-thoi-139428.html