Mảng 'tài nguyên' ít người khai phá

Mặc dù được quan tâm sưu tập, nghiên cứu song mảng văn học dân gian (VHDG) các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai thời gian qua còn khá khiêm tốn so với bề dày văn hóa, lịch sử của vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển.

Tiết mục Cô gái đi rẫy, dân ca phát triển dân tộc Mạ do các nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: L.Na

Tiết mục Cô gái đi rẫy, dân ca phát triển dân tộc Mạ do các nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: L.Na

Với chủ trương lồng ghép hoạt động bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể trong đồng bào dân tộc, nhiều đơn vị, địa phương đã và đang khôi phục, bảo lưu các giá trị đặc trưng, góp phần “đánh thức” VHDG các dân tộc.

* Chưa có nhiều công trình về VHDG

Tiến sĩ La Mai Thi Gia, Trưởng bộ môn Văn hóa dân gian, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết hiện chưa có một công trình riêng biệt nghiên cứu về VHDG hay một tuyển tập VHDG Đồng Nai nào được xuất bản. Tuy nhiên, với sự cố gắng và tâm huyết của các nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ ở địa phương, nhiều thể loại VHDG của tỉnh đã được sưu tầm và công bố trong những công trình khác nhau.

Trong đó có tuyển tập Truyện dân gian Đồng Nai của nhóm tác giả Huỳnh Tới, Đình Dũng, Yên Tri, Tuyết Hồng biên soạn, chỉnh lý; Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai của nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Tới; Người Châu Ro ở Đồng Nai của Huỳnh Tới, Yên Tri và Đình Dũng; Dân ca Châu Ro của nhạc sĩ Trần Viết Bính; Đồng Nai - góc nhìn văn hóa và Truyện kể người Mạ Đồng Nai của tác giả Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng; Ca dao dân ca Đông Nam Bộ do Huỳnh Văn Tới sưu tầm và biên soạn…

“Thời gian tới, Đồng Nai cần tổ chức những đợt sưu tầm có quy mô lớn với lực lượng tham gia điền dã đông đảo, có kiến thức cơ bản để nhận diện các thể loại VHDG. Đây là một nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay để có thể giữ lại được nguồn vốn di sản tinh thần quý giá của địa phương đang dần mất đi” - tiến sĩ La Mai Thi Gia chia sẻ.

Thư viện Đồng Nai đang lưu giữ và phục vụ bạn đọc trên 3 ngàn bản sách thuộc tủ sách văn hóa, VHDG do PGS-TS Huỳnh Văn Tới và bạn đọc Hà Phi Long trao tặng. Đây là nguồn tư liệu quý giá, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu văn hóa, VHDG các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung.

Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, nhà văn Hoàng Ngọc Điệp cho hay, thời gian qua, một số hội viên Ban Văn nghệ dân gian đã đi điền dã, khảo cứu, giới thiệu một số công trình, trong đó có nghiên cứu VHDG các dân tộc. Hội mới tổ chức một trại sáng tác đề tài dân tộc thiểu số, bởi vậy chưa có nhiều sáng tác văn học hay công trình liên quan đến đề tài VHDG các dân tộc. Những tác phẩm về đề tài này thường tập trung ở lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu.

Lý giải về lý do chưa có nhiều sáng tác, công trình nghiên cứu về VHDG các dân tộc ở Đồng Nai, nhà văn Hoàng Ngọc Điệp cho rằng, văn nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn khi về các vùng đồng bào dân tộc. Để nghiên cứu, sáng tác, các tác giả phải có thời gian “nằm vùng”, gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe chia sẻ của bà con. Trong khi đó, những hội viên tâm huyết chủ yếu là người lớn tuổi, còn người trẻ thì thời gian eo hẹp. Bên cạnh đó, VHDG là mảng khó do ngôn ngữ từng dân tộc khác nhau, không có nhiều người am hiểu về giá trị VHDG các dân tộc.

* Các đơn vị, địa phương vào cuộc…

Không nằm ngoài mục tiêu “đánh thức” VHDG các dân tộc, nhiều năm qua, Bảo tàng Đồng Nai đã phối hợp với các địa phương tổ chức sưu tầm, nghiên cứu tri thức dân gian của đồng bào Hoa, Nùng, Tày, Mạ, Chơro, S’tiêng; biên soạn công trình Cù lao Phố - lịch sử và văn hóa.

Tại các huyện: Long Thành, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc…, nhiều lớp dạy chữ viết của đồng bào Chơro, Mạ, Chăm được duy trì thường xuyên. Trong đó phải kể đến lớp dạy chữ Chăm của ông Đô Hô Sên (ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành); lớp dạy chữ viết Chơro của anh Điểu Tám (ở ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất); mô hình sưu tầm và giới thiệu trực tuyến ngôn ngữ Chơro của anh Điểu Bình (ở xã Túc Trưng, huyện Định Quán); lớp học chữ Mạ của chị Ka Tuyền (ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú)…

Bên cạnh dạy chữ, một số địa phương còn thường xuyên tổ chức biểu diễn cồng chiêng, liên hoan đàn hát dân ca các dân tộc, trình diễn trang phục truyền thống… Từ những hoạt động văn hóa, nhiều địa phương đã và đang phát hiện, nuôi dưỡng những tài năng nghệ thuật dân gian, góp phần “đánh thức” VHDG.

Hiện, 11 địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị VHDG của các dân tộc thiểu số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các địa phương đang tiếp tục kiểm kê, lưu giữ giá trị văn hóa, VHDG của các dân tộc để phục dựng, bảo tồn tại chỗ và tư liệu hóa về VHDG; tổ chức thực hành, trao truyền và phát huy giá trị VHDG. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202406/mang-tai-nguyen-it-nguoi-khai-pha-694247c/