Mang Tết Trung thu đến cho trẻ em
Mang Tết Trung thu đến cho trẻ emBT- Lễ hội rước đèn trung thu ở TP. Phan Thiết từng được công nhận là lễ hội rước đèn trung thu lớn nhất Việt Nam. Những năm trước, dư luận cũng có những ý kiến trái chiều về cách thức tổ chức lễ hội này sao cho vui tươi mà tiết kiệm, chống lãng phí? Làm sao huy động được sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp du lịch, để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh và các nhà trường? Năm nay trong bối cảnh khó khăn chung của xã hội, các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội được giảm thiểu tối đa, TP. Phan Thiết đã quyết định không tổ chức lễ hội rước đèn trung thu năm 2020. Thứ nhất, để tránh việc tập trung đông người, nhất là du khách, bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Thứ hai, để tiết kiệm, chống lãng phí, do kinh phí tổ chức lễ hội chủ yếu xã hội hóa, nhưng việc vận động doanh nghiệp tài trợ và phụ huynh đóng góp không phù hợp trong tình hình khó khăn này.
Mang Tết Trung thu đến cho trẻ e
Không chỉ TP. Phan Thiết hủy lễ hội rước đèn trung thu, năm nay cả nước có rất nhiều lễ hội truyền thống bị hủy do ảnh hưởng dịch bệnh. Mọi nhà, mọi doanh nghiệp đều ý thức “thắt lưng buộc bụng”, chi tiêu tiết kiệm hơn trước. Thị trường bánh trung thu năm nay khá đìu hiu, các ki ốt bán bánh trung thu ế ẩm, vắng khách mua. Còn vài ngày nữa mới đến tết Trung thu, nhưng nhiều điểm bán bánh trung thu đã “đại hạ giá” 50%, hoặc mua 1 tặng 1 để “kích cầu”. Nhiều xóm lồng đèn cũng buồn hiu hắt vì dịch Covid-19. Mọi năm giờ này là các thợ, nghệ nhân tất bật làm lồng đèn, cộ đèn cho kịp “thi thố” trong đêm hội, nay thì thất thu rồi.
Nhiều nước khu vực châu Á đã phải thay đổi cách thức tổ chức tết Trung thu cho an toàn, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường. Có nước tổ chức tết Trung thu trực tuyến, nhìn chung đều thu nhỏ các lễ hội và cắt giảm 60 - 70% kinh phí so với các năm trước.
Đại dịch Covid-19 đang làm cả thế giới điêu đứng, nhưng dù chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thế nào thì trẻ em muôn đời vẫn thế, vẫn hồn nhiên, háo hức chờ đợi người lớn tặng cho chiếc lồng đèn màu sắc rực rỡ, hay chiếc bánh trung thu thơm ngon, để được rước đèn, phá cỗ, xem múa lân, ngắm trăng tròn với sự tích chị Hằng - chú Cuội. Chỉ có khác là năm nay dịch bệnh hoành hành nên sẽ có nhiều hơn những em nhỏ vì hoàn cảnh mưu sinh mà không có cái tết Trung thu đúng nghĩa. Sẽ có nhiều hơn những gia đình mãi lo miếng cơm manh áo trong mùa dịch mà không mua được cho con cái bánh, cái lồng đèn vui đêm trăng rằm.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho tất cả trẻ em được vui Tết Trung thu, nhất là trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng rừng núi xa xôi hay hải đảo, nhiều huyện trong tỉnh đã lên kế hoạch đi thăm, tặng quà cho các em. Có huyện (Tuy Phong) còn phát động các thôn - khu phố làm lồng đèn treo tại các điểm trung tâm xã - thị trấn, khu dân cư, ngã 3, ngã 4, nơi công cộng...
Tết Trung thu đang đến rất gần, hành trình mang Tết Trung thu đến cho trẻ em bắt đầu khởi động, với vô vàn hoạt động thiện nguyện của các tổ chức - cá nhân hảo tâm trong xã hội. Những chuyến xe chở đầy ắp quà bánh, lồng đèn, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mì tôm, đường, sữa, tập sách... đã lên đường, chở cả bao yêu thương, đùm bọc đến trẻ em trên mọi miền đất nước.