Mang theo nồi, thức ăn khi đưa con nhỏ đi du lịch trong lễ
Trong chuyến đi Singapore cùng cậu con trai 1,5 tuổi, vợ chồng Thùy Dung mang theo nồi hấp mini, đồ ăn nhẹ cùng chiếc xe đẩy gấp gọn để con có lần đi chơi thoải mái nhất.
Đây là lần thứ hai Trần Thùy Dung (27 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và chồng tới Singapore, cũng là lần đầu tiên xuất ngoại với Tí, cậu con trai 1,5 tuổi. Đều có sở thích du lịch nên khi gia đình có thêm thành viên, hai vợ chồng vẫn duy trì các chuyến đi.
Từ khi Tí được 4 tháng tuổi, gia đình đã cùng nhau đi Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và Đà Nẵng. Gần đây, cả nhà đã tới Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) 2 lần vào tháng 12/2021 và tháng 3, đồng thời ghé thăm Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) hồi tháng 1.
Tháng 4, vợ chồng cô, đều là freelancer, lựa chọn Singapore là điểm đến tiếp theo. Bên cạnh tránh sự đông đúc của các điểm du lịch trong nước dịp nghỉ lễ, Thùy Dung cho biết cơ sở hạ tầng của đảo quốc sư tử rất phù hợp cho gia đình có con nhỏ.
“Du lịch cùng con rất khác so với khi chỉ có hai vợ chồng với nhau. Chẳng hạn, chúng tôi phải chú trọng chỗ ăn ngủ, không gian thân thiện với trẻ em cùng một số tiện ích khác. Tôi cũng đâu ngờ có ngày mình phải xếp thực phẩm và nồi hấp mini vào hành lý”, cô nói với Zing.
Chuẩn bị kỹ đồ dùng cho con
Ngày 15/4, gia đình Thùy Dung khởi hành chuyến đi Singapore kéo dài 5 ngày 4 đêm. Nhờ đã có kinh nghiệm, hai vợ chồng tự thiết kế lịch trình, chọn những địa điểm phù hợp với cả trẻ em lẫn người lớn như Bảo tàng ArtScience Museum, Thủy cung SEA Aquarium hay Công viên Garden by the Bay.
“Trợ thủ” đắc lực của vợ chồng cô trong chuyến đi này là chiếc xe đẩy có thể gấp gọn. Cả nhà di chuyển chủ yếu bằng tàu điện ngầm (MRT), nên nhờ xe này, mỗi ngày họ có thể đi bộ tới 10 km.
Thùy Dung chi 20 triệu đồng cho chiếc xe đẩy này. Cô thừa nhận đó là khoản đầu tư rất xứng đáng, nhất là với gia đình thường xuyên du lịch như nhà cô.
Bên cạnh đó, khác với những chuyến du lịch trong nước, hành lý của gia đình có thêm vài gói cháo tươi, rau củ và một chiếc nồi hấp cỡ nhỏ. Tất cả để phục vụ bữa ăn hàng ngày của cậu con trai.
“Đồ ăn ở Singapore nhiều dầu mỡ và ít món rau. Do đó, tôi đem theo chiếc nồi hấp nhỏ, cùng đồ ăn đem từ nhà để chuẩn bị bữa hàng ngày cho con. Ngoài ra, chúng tôi đi siêu thị mua thêm hoa quả, cùng một số loại thực phẩm như ruốc cá hồi để con ăn kèm”, cô nói.
Dù chuẩn bị thêm nhiều hành lý, Thùy Dung cho biết chuyến xuất ngoại lần này có phần “dễ thở” hơn so với những chuyến nội địa trước đây.
Cuối tháng 12, gia đình cô quyết định đi Phú Quốc sau thời gian dài ở nhà vì dịch bệnh. Để hạn chế tiếp xúc đám đông trong bối cảnh số F0 tăng mạnh, cô đặt vé chuyến bay sớm nhất trong ngày. “Đồng phục” của gia đình khi ra sân bay là những bộ bảo hộ y tế kín mít.
“Lần du lịch ấy thật sự căng thẳng. Nhưng chúng tôi vẫn muốn rời Hà Nội để tạm lánh dịch bệnh”, cô nhớ lại.
Vợ chồng cô cũng chi hơn chục triệu đồng thuê căn villa với bể bơi và bãi biển riêng tư. Nhờ đó, con trai nhỏ có không gian vui chơi ngoài trời mà không sợ dịch bệnh nơi đông người.
Ngoài ra, Thùy Dung cho rằng điều tiên quyết để gia đình có nhiều chuyến đi thành công là nhờ dạy con theo phương pháp EASY.
Rèn cho con thói quen ăn, ngủ và chơi đúng giờ từ khi mới lọt lòng, vợ chồng cô bớt vất vả hơn trong việc chăm sóc con, cũng như có thêm thời gian riêng tư cho cả hai.
Chẳng hạn, cứ đến 19h, con trai cô sẽ tự động đi ngủ. Khi đó, hai vợ chồng có thể an tâm rời đi chơi vì hiểu rằng con sẽ ngủ say suốt 12 tiếng tiếp theo. Họ cũng có thể quan sát con từ camera lắp đặt trong phòng khách sạn.
“Ban đầu, chúng tôi chọn địa điểm chơi ở gần khách sạn để an tâm. Nhưng hiện nay, chúng tôi có thể dành thời gian riêng tại những nơi muốn ghé thăm”, cô kể lại.
Không chủ quan
Đối với vợ chồng Thanh Hoa (27 tuổi, Lạng Sơn) sức khỏe, sự an toàn của con luôn là điều ưu tiên trong các chuyến đi. Tuy nhiên, hai người cũng coi việc đến các vùng đất mới là cơ hội để cậu con trai nickname Bi (3 tuổi) học thêm nhiều điều, nhất là khả năng giao tiếp.
"Ngoài trải nghiệm, vui chơi, chúng tôi cũng dần dạy con cách tự lập, một số kỹ năng cơ bản trong mỗi chuyến du lịch để con dạn dĩ, năng động hơn", Hoa chia sẻ.
Bi có chuyến đi chơi đầu tiên cùng bố mẹ khi mới hơn một tuổi tại Hạ Long. Trước khi đi, Hoa tham khảo một số người quen có kinh nghiệm để chuẩn bị đồ cần dùng cho con. Theo đó, các đồ cá nhân như quần áo, bỉm, một số món đồ chơi, đồ ăn vặt yêu thích là không thể thiếu.
Bên cạnh đó, bà mẹ trẻ mang theo ít thuốc cơ bản, thuốc bôi chống muỗi, côn trùng. Sợ con không dùng quen đồ ở khách sạn, cô mang theo cả sữa tắm, một chiếc chăn mỏng.
"Lần đó, Bi lạ giường, quấy đến gần 3h sáng, cũng may một phần nhờ có chăn mang theo nên cuối cùng con cũng chịu vào giấc".
Mỗi khi tới nơi đông người, hai vợ chồng liên tục để mắt, nắm tay con để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, Bi luôn được đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng và rửa tay trước khi dùng bữa.
Dịp nghỉ lễ sắp tới, gia đình nhỏ dự định đi cắm trại. Vì đi về trong ngày và không quá xa thành phố, cô chủ yếu chuẩn bị thuốc xịt côn trùng, kem chống nắng, quần áo dễ vận động cho con.
"Chúng tôi có đặt trước thức ăn ở khu cắm trại, nhưng phòng hờ không hợp khẩu vị Bi, chắc chắn tôi vẫn đem theo ít sữa, bánh con thích", Hoa chia sẻ.
Tương tự, với Khánh Hòa (27 tuổi, chuyên viên trang điểm), đồ ăn, đồ dùng cho cậu con trai Si (6 tuổi) luôn là thứ cô xếp vào vali đầu tiên trước các chuyến đi. Dù Si khá dạn dĩ, dễ ăn, chưa phát hiện dị ứng với thực phẩm nào song bà mẹ trẻ quan niệm "cẩn tắc vô áy náy".
"Đến chỗ lạ, lại còn là điểm du lịch, ta sẽ không thể chủ động, xử trí nhanh như khi ở nhà. Với người lớn, nếu đồ ăn không ngon thì có thể đổi món, đổi quán khác, thoải mái thử món mới nhưng trẻ con thì khác, hệ tiêu hóa các bé còn non nớt và không dễ kiếm đồ ăn cho trẻ nhỏ ở nhiều khu du lịch".
Tuy nhiên, Hòa nhận định chỉ cần bố mẹ, người thân để ý và chuẩn bị một chút, các chuyến đi sẽ trở nên thoải mái, đáng nhớ và là cơ hội khám phá rất tốt cho trẻ.