Mang thực tiễn sinh động vào nghị trường
Bằng sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, trọng tâm, trọng điểm, trong đợt làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Bảy, các vị ĐBQH Đoàn Quảng Ninh đã tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các nội dung của kỳ họp. Với 8/8 đại biểu đăng ký, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận 22 lượt phát biểu, chuyển tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân; những kinh nghiệm từ thực tiễn trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển tại địa phương…
Kiến nghị các giải pháp thiết thực
Trong đợt làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Bảy, phát huy tinh thần trách nhiệm, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, sôi nổi vào các nội dung quan trọng trình tại kỳ họp. Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì thẩm tra các nội dung: Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn…
Tại tổ thảo luận, đại biểu Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ quan điểm, đề xuất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế; những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và những nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án luật...
Tham gia nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ hoàn thiện về hệ thống chính sách, pháp luật để thực hiện triệt để các giải pháp phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế khu vực, quốc tế có nhiều biến động. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về thực tế triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc hiện nay còn thiếu đồng bộ, thống nhất; đặc biệt có những nội dung trùng lặp khi sự kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác… làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư nguồn lực. Do đó, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả các chương trình; qua đó, rút kinh nghiệm và đưa ra những hướng chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả trong các giai đoạn tiếp theo của chương trình...
Gắn liền với sự vận động không ngừng của đời sống
Đáng chú ý, nhiều vấn đề thực tiễn được đúc kết, ghi nhận tại Quảng Ninh cũng đã được các vị ĐBQH tỉnh chuyển tải đến kỳ họp. Đơn cử như, trong phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo động những nguy cơ của vấn đề xâm nhập mặn hiện nay. Qua đó, mong muốn, Chính phủ xây dựng một cơ chế đặc thù, chương trình mục tiêu quốc gia riêng về xâm nhập mặn. Trong đó, việc xây dựng, đắp đê điều có thể tận dụng những nguồn đất đá thải mà tại Quảng Ninh, đây là nguồn vật liệu cung cấp hiệu quả cho các công trình tôn tạo, đắp đê điều, kè chống xâm nhập mặn…
Đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, đại biểu Đặng Xuân Phương đề nghị, cần có sự tính toán thật kỹ lưỡng để phát huy hiệu quả sử dụng hạ tầng thiết chế văn hóa. Đơn cử, như đầu tư đối với trường quay trong lĩnh vực điện ảnh cần xem xét, tính toán các yếu tố về quỹ đất, công nghệ, giá trị gia tăng… Về một số chỉ tiêu về phát triển công nghiệp văn hóa, đại biểu cho rằng, mức kinh phí đặt ra vẫn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, đi kèm đó cũng cần quan tâm hơn đến các thiết chế hạ tầng cần hoàn thiện. Do đó, nguồn lực đầu tư về lĩnh vực này cần có trọng tâm, trọng điểm có chiều sâu và đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài…
Qua đợt làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Bảy, các vị ĐBQH Đoàn Quảng Ninh đã thể hiện rất rõ nét sự đoàn kết, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân. Kinh nghiệm, thực tiễn và những nội dung được ghi nhận trong quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp chính là nguồn tư liệu quan trọng để ĐBQH có những ý kiến tham gia xác đáng, đóng góp chất lượng vào nội dung, chương trình nghị sự, gắn liền với sự vận động không ngừng của đời sống.