Mang tiện ích và giá trị của Đề án 06 đi vào cuộc sống
Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã mang lại những giá trị to lớn và thực sự đi vào cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả và thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
![Đề án 06 mang đến đến nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Ảnh: Lại Tấn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_11_51422231/c98062185b56b208eb47.jpg)
Đề án 06 mang đến đến nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Ảnh: Lại Tấn.
Hà Nội dẫn đầu cả nước thực hiện phương án "ủy quyền giải quyết TTHC"
Tại phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban và Đề án 06 năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, diễn ra mới đây, Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết: Bám sát nguyên tắc "5 vấn đề, 4 xuyên suốt, 3 giá trị, 2 nhận thức, 1 quyết tâm", Đề án 06 đã mang lại những giá trị to lớn cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ.
Theo đó, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 54/76 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024. Người dân đã có thể sử dụng tài khoản VNelD để đăng nhập cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện các TTHC ở bất cứ đâu với mức phí, lệ phí ưu đãi.
Trong đó, có 4 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thái Bình đã thông qua chính sách áp dụng mức phí "0 đồng" đối với các TTHC thuộc thẩm quyền đến hết ngày 31/12/2025. Riêng với Thủ đô Hà Nội, ngân sách không thu sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 37 tỷ đồng/năm.
Việc triển khai có hiệu quả 2 TTHC liên thông là "Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí" đã cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ và 6 trường thông tin bị trùng lặp. Người dân chỉ khai báo thông tin 1 lần để giải quyết 3 TTHC.
Đặc biệt, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước thực hiện phương án "ủy quyền giải quyết TTHC" với hơn 600 thủ tục được thực hiện ủy quyền từ Thành phố về các sở, ngành. Từ các sở, ngành về cho UBND các quận, huyện, thị xã và UBND cấp xã, thời gian ủy quyền tiếp tục tới hết năm 2025.
Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành cung cấp 35 tiện ích trên VNelD (tăng 22 tiện ích so với năm 2023), được người dân hưởng ứng sử dụng với hơn 460 triệu lượt truy cập; đặc biệt là các tiện ích cập nhật tiện ích mua thuốc; thông báo thi hành án dân sự; trừ điểm phục hồi điếm giấy phép lái xe; dịch vụ công đăng kỷ xe lần đầu đối với xe nhập khẩu. Ngoài ra, việc triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNelD, đã tích hợp 15.547.509 thông tin công dân trên sổ sức khỏe điện tử.
Đáng chú ý, đã triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNelD với 68.470 hồ sơ. Trong đó, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trên toàn quốc quy định hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp và hỗ trợ tối đa 10 Phiếu Lý lịch tư pháp (bản giấy) cho người dân khi có đề nghị cấp trên VNelD đến hết ngày 31/12/2024.
Người dân hưởng lợi từ những tiện ích của Đề án 06
Từ ngày 1/7/2024, Bộ Công an chính thức cấp thẻ căn cước/giấy chứng nhận căn cước cho công dân dưới 14 tuổi với gần 12 triệu hồ sơ được thu nhận và được người dân hưởng ứng, đánh giá cao. Đến nay, đã cấp trên 87,7 triệu thẻ CCCD gắn chip, thu nhận gần 81 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 10,8 ưiêụ̃ tài khoản so với tháng 12/2023) và kích hoạt gần 60 triệu tài khoản cho người dân (tăng 10,3 triệu tài khoản so với tháng 12/2023).
Thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho hơn 2,5 triệu người dân được nhận chế độ an sinh xã hội với số tiền trên 24.000 tỷ đồng; 78% người dân được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội với số tiền trên 41.000 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 51 tỷ đồng chi phí đi lại cho người dân.
Trong lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội, y tế, Bộ Công an phối hợp Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tích cực triển khai thu thập 547 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ trên toàn quốc, đưa vào ngân hàng GEN, là cơ sở để so sánh, đối khóp với danh tính liệt sỹ đã được quy tập, mở ra hy vọng đưa các liệt sỹ bị thất lạc về với người thân.
Hỗ trợ xây dựng công tác cuyển đổi số tại Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy thành mô hình kiểu mẫu, vươn tầm quốc tế. Hỗ trợ xây dựng Hệ thống điều phối dữ liệu y tế để tạo lập kho dữ liệu sức khỏe người Việt và trục liên tuyến dữ liệu giữa các bệnh viện, tận dụng kết quả xét nghiệm, tiết giảm chi phí khám chữa bệnh của người dân.
63 địa phương đã đăng ký, triển khai thành công 19 mô hình điểm thúc đẩy Đề án 06 trên địa bàn, đem lại cho người dân nhiều tiện ích, điển hình như: Triển khai thu phí không dùng tiền mặt tại 352 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh, tiết kiệm cho người dân khoảng 10,2 tỷ đồng/năm. 41/63 địa phương triển khai 280 Kiosk khám sức khỏe được đặt tại các bệnh viện trên toàn quốc; thay thế nhân viên thực hiện hướng dẫn đón tiếp, phát số, giảm thời gian và chi phí chuẩn bị các giấy tờ của người bệnh...
Hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp làm sạch dữ liệu
Triển khai Đề án 06, Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp làm sạch dữ liệu. Cụ thể, làm sạch 1.784.410 dữ liệu công dân có nơi đăng ký thường trú/ tạm trú không khớp với nơi đăng ký họp đồng điện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam. Làm sạch 1.473.887 dữ liệu của BHXH Việt Nam triển khai dịch vụ mà không cần kiểm tra, xác minh.
Làm sạch hơn 115 triệu dữ liệu thông tin thuê bao di động cho 03 nhà mạng viễn thông (Viettel, Mobifone, Vinaphone), thu về ngân sách nhà nước hơn 164,4 tỷ đồng, góp phần chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ dần tình trạng "sim rác", tội phạm lừa đảo, đe dọa, vu khống.
Triển khai đăng ký, cấp quản lý tài khoản định danh điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức gắn với tài khoản mức độ 2 của người đại diện, giúp giao dịch minh bạch; tối ưu quy trình điện tử, tiết kiệm thời gian, công sức. Đồng thời, giúp đồng bộ dữ liệu cơ quan, tô chức trên cả nước giúp tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính.
Đối với cấp chính quyền, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tăng mạnh theo từng năm (tăng 33.000 tỷ đồng so với năm 2023). Bộ Tài chính đã rà soát, xử lý vi phạm đối với hơn 22.000 cơ sở kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử và thu về ngân sách nhà nước hơn 2.917,9 tỷ đồng.
Cùng với đó, việc 90.904 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền với 1,23 tỷ hóa đơn điện tử (tăng hơn 51.000 cơ sở kinh doanh với 1,1 tỷ hóa đơn so với tháng 12/2023) giúp Chính phủ truy thu thuế hơn 1.900 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2024, Bộ Công an đã triển khai giải pháp kết họp dịch vụ xác thực thẻ CCCD và dịch vụ eKYC chống gian lận thi cử, xác thực thông tin học sinh, người giám hộ, giáo viên, giúp các cơ sở giáo dục được làm sạch dữ liệu ngay từ gốc. Cung cấp giải pháp xác thực thí sinh thông qua thẻ CCCD trong quá trình đăng ký, thi sát hạch lái xe, góp phần giảm thiểu tình trạng tráo người, thi hộ.
Bộ Công an đã cung cấp số liệu công dân đến độ tuổi đi học cho Bộ GD&ĐT. Hỗ trợ cung cấp, phân tích, đánh giá biến động dân cư (thường trú, tạm trú) trên địa bàn các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khi có yêu cầu, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh…
Việc triển khai thành công Đề án 06 là tiền đề để xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia trong thời gian tới, mang lại giá trị to lớn cho nhiều mặt đời sống, kinh tế - xã hội.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mang-tien-ich-va-gia-tri-cua-de-an-06-di-vao-cuoc-song.html