Măng tre núi Cấm vào mùa

Mùa măng tre trên Núi Cấm, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, đang vào giai đoạn 'rộn ràng' nhất. Những cánh rừng tre Mạnh Tông phủ kín ngọn núi, mang đến nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Mùa măng kéo dài từ tháng Tư và tháng Năm Âm lịch, và đạt đỉnh điểm vào tháng Sáu và tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Dương Việt Anh

Mùa măng kéo dài từ tháng Tư và tháng Năm Âm lịch, và đạt đỉnh điểm vào tháng Sáu và tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Dương Việt Anh

Tre Mạnh Tông to, khỏe và chịu hạn tốt, được người dân núi Cấm trồng nhiều nhờ khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Đặc biệt, núi Cấm với địa hình ít dốc, nền đất pha cát giàu dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của loại tre này. Tre Mạnh Tông không chỉ sinh trưởng mạnh mà còn mang đến những búp măng trắng, vị ngọt, trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Sau khoảng 2-3 năm trồng, tre Mạnh Tông bắt đầu cho măng, mỗi bụi tre có thể cho hàng trăm ký măng mỗi năm. Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, cũng là lúc măng trồi lên mặt đất. Mùa măng kéo dài từ tháng Tư và tháng Năm Âm lịch, và đạt đỉnh điểm vào tháng Sáu và tháng 7 Âm lịch. Một mụt măng Mạnh Tông có thể nặng từ 2,5 đến 3kg, thậm chí có những mụt nặng đến 6 đến 7kg, thậm chí chục ký.

Người dân sơ chế măng chuẩn bị bán cho thương lái. Ảnh: Dương Việt Anh

Người dân sơ chế măng chuẩn bị bán cho thương lái. Ảnh: Dương Việt Anh

Mỗi khi mùa măng về, không khí tại Núi Cấm trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Người dân tất bật thu hoạch măng, gánh hoặc chở bằng xe xuống chân núi để bán cho thương lái.

Mùa măng không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho các hộ nông dân, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương qua các công việc vận chuyển, sơ chế, và xử lý măng. Mặc dù giá măng tươi hiện nay chỉ dao động khoảng 3.000 đồng/kg, nhưng nhờ sản lượng tăng mạnh, các nhà vườn vẫn có được nguồn thu nhập ổn định.

Măng Mạnh Tông sau khi thu hoạch được đưa vào các cơ sở sơ chế, nơi tạo thêm công việc cho nhiều công nhân. Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, chủ vựa măng Tư Ân, chia sẻ rằng mỗi ngày cơ sở của chị mua khoảng 10-15 tấn măng tươi, chủ yếu là măng Mạnh Tông. “Măng sau khi sơ chế, gọt bỏ lớp vỏ ngoài, chỉ còn lại lõi trắng, được thị trường Đông Nam bộ rất ưa chuộng, với giá bán ra khoảng 30.000 đồng/kg”, chị Linh nói.

Măng sau khi sơ chế, gọt bỏ lớp vỏ ngoài, chỉ còn lại lõi trắng. Ảnh: Dương Việt Anh

Măng sau khi sơ chế, gọt bỏ lớp vỏ ngoài, chỉ còn lại lõi trắng. Ảnh: Dương Việt Anh

Vài năm gần đây, măng tre Mạnh Tông ở núi Cấm dần trở thành một thương hiệu đặc sản nổi tiếng của An Giang, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhằm nâng tầm và lan tỏa giá trị của măng tre Mạnh Tông, Công ty TNHH Thảo dược Từ Tâm Mai Tùng tại Núi Cấm đã tiến hành sản xuất các sản phẩm đóng hộp như măng chua Mạnh Tông, măng Mạnh Tông sấy khô…

Dương Việt Anh

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/mang-tre-nui-cam-vao-mua/