'Măng vòi' ngày xưa...
Mưa bụi bay, những vòi măng mập ú từ mắt cây tre cứ vậy mà vươn dài, nắng ban mai nhẹ nhàng xuyên qua khe lá không kịp làm khô được cái ướt át của buổi tinh mơ, ngọn trẻ cao vút mang theo những giọt nước trong veo còn sót lại sau mưa bụi từ buổi đêm rồi lộp độp rơi xuống vệ đường khi gió nhẹ thổi ngang.
Sau bao năm xa quê nay trở về, dọc triền sông từng vạt tre vẫn xanh um như ôm trọn và chở che cho xóm núi quê tôi yên bình. Nhớ những buổi trưa nắng vàng như màu mật, chúng tôi - những đứa trẻ tinh nghịch trốn ngủ rong chơi dưới bóng tre làng.
Được trốn ngủ trưa, trốn người lớn mà ra bờ sông để bắt chuồn chuồn, để hòa mình vào dòng nước mát của dòng sông, để thỏa thích nô đùa dưới rặng tre vào những buổi trưa hè đó là kỷ niệm của một thời trẻ thơ mà bất kể nững ai sinh ra từ làng khó có thể quên.
Từng cánh tay nhỏ xíu của đám trẻ con cứ khéo léo luồn qua những thân tre già mà vặt những vòi măng non, nhiều lúc chỉ cần bất cẩn là bị gai tre vướng cào rách vạt áo, thậm chí tạo nên những vết xước đau buốt trên bàn tay. Nhưng vì vui nên đau cũng chẳng đứa nào khóc mà chỉ xuýt xoa rồi lại cười toáng lên.
Từng mụt “măng vòi” được bẻ xuống, chúng tôi bóc lớp bẹ bên ngoài, rồi túm tụm thi nhau xem ai khéo tay, cứ lắc lư quay vòng tròn cái măng để xem ai tạo thành điểm thắt ở chỗ non của đốt cây măng nhanh nhất, nhỏ nhất mà không bị gãy.
Cái khó của trò chơi là phải khéo léo để làm sao măng không bị gãy và chỗ teo lại của măng phải thật bé, nhiều đứa trẻ nóng tính thì chỉ vài thao tác là măng đã gãy đôi. Phần thưởng cho mỗi lần chiến thắng đó là được cưỡi trên lưng người thua cuộc chạy một vòng. Tuổi thơ ở quê, những trò chơi chỉ giản đơn vậy thôi nhưng cũng trải dài năm tháng mà nuôi lớn những tâm hồn.
Nô đùa đã qua giờ trưa, chúng tôi cùng mấy anh chị lớn hơn, tay thoăn thoát hái một chút “măng vòi” về, với hy vọng mẹ sẽ chế biến thành món ngon từ những tay “măng vòi” này.
Những tay “măng vòi” thường được mẹ bóc bẹ, rửa sạch, để ráo và thái lát. Sau đó luộc vài lần rồi ngâm trong nước. Mẹ bảo làm vậy để cho bớt đắng và thải độc tố, cứ ngâm vậy sau vài ngày măng lên men tự nhiên, lấy măng đó nấu với cá đồng thì rất ngon.
“Măng vòi” còn được bố thái lát bỏ vào hũ, ngâm cùng với vài nhánh tỏi và ớt cay, thoạt nhìn rất đẹp mắt nhưng cay phải biết. Mỗi bữa ăn gắp ra bát một chút, cái vị chua thanh, giòn của măng, cay xè của ớt quện mùi tỏi thơm nức mũi, chẳng cần thức ăn khác cũng làm cho bữa cơm những ngày mùa ấm cúng.
Còn nhớ, ở quê mẹ hay kho món cá đồng với “măng vòi” ngâm ớt của bố. Mỗi khi đi học về tôi chạy vào bếp nhìn thấy cái nồi đất mẹ vùi trong than hồng là miệng lại xuýt xoa thèm thuồng cái vị đậm, chua, cay, thơm lừng nóng hổi của nồi cá kho ở mỗi bữa cơm chiều.
Vùng quê khó khăn, những rặng tre cũng được người dân quê tôi chăm sóc. Bởi ngoài việc chắn gió, ngăn lở đất, thì rặng tre còn cho ra những cây măng gốc sau vài tháng sẽ lớn thành tre. Những cây măng gốc này không ai hái cả, mặc dù nó có thể làm món cải thiện bữa ăn rất ngon. Thân tre già sẽ được dùng để chế thành nhiều nông cụ sản xuất. Nào cán cuốc, cán xẻng, gọng bừa, bắp cày, càng xe bò… Tre còn được dùng để sửa lại những nếp nhà cũ sơ sài ở quê.
Ngày nay đời sống hiện đại, bê tông hóa bởi nông thôn mới phát triển đến từng xóm làng, nhưng không phải vậy mà hình ảnh “măng vòi” hay những rặng tre biến mất. Đâu đó ở những miền quê thuần nông như quê tôi, trên những triền sông, bờ gềnh thì tre vẫn xanh um. Bước chân dưới tán tre mát rượi, nhìn những “măng vòi” mọc tua tủa lòng nôn nao, bồi hồi chuyện xưa cũ.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/mang-voi-ngay-xua/23081.htm