Mạng xã hội Clubhouse có gì đặc biệt khiến Facebook và Twitter phải thay đổi theo?

Mạng xã hội Clubhouse, nền tảng truyền thông xã hội xoay quanh những cuộc trò chuyện âm thanh trực tiếp, đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại.

 Paul Davison, nhà sáng lập Clubhouse. Ảnh: The New York Times

Paul Davison, nhà sáng lập Clubhouse. Ảnh: The New York Times

Clubhouse mới ra đời 8 tháng đã có giá 100 triệu USD

Clubhouse là mạng xã hội audio và được coi là xu hướng kế cận của truyền thông mạng xã hội. Chính sự xuất hiện của Clubhouse đã khiến những gã khổng lồ Facebook và Twitter đều phải thay đổi, xây dựng nền tảng audio tương tự mạng xã hội mới nổi này.

Trước tháng 4/2020, thế giới chẳng biết gì về Clubhouse. Nhưng khi đơn vị phát triển phần mềm Alpha Exploration Co (Paul Davison và Rohan Seth sáng lập) cho ra mắt ứng dụng này, Clubhouse đã phát triển vượt bậc.

Đến tháng 12/2020, Clubhouse có 600.000 người dùng đăng ký và được định giá gần 100 triệu USD. Clubhouse đã trở nên phổ biến trong những tháng đầu của đại dịch Covid-19, đặc biệt là sau khoản đầu tư trị giá 12 triệu USD vào tháng 5/2020 (10 triệu USD vốn chính và 2 triệu USD mua cổ phiếu) từ công ty liên doanh Andreessen Horowitz. Tính đến ngày 21/1/2021, mức định giá của nền tảng truyền thông xã hội này đạt 1 tỷ USD với sự tham gia của hơn 2 triệu người dùng.

Đầu tháng 2/2021, Clubhouse càng trở nên nổi tiếng hơn khi tỉ phú công nghệ Elon Musk có màn giao lưu với ông Vladimir Tenev, CEO của sàn môi giới chứng khoán Robinhood. Đoạn ghi âm cuộc trò chuyện này sau đó được lan truyền trên mạng, tạo hiệu ứng đáng kể khi mà tỉ phú Elon Musk khai thác thêm được những chi tiết giá trị trong vụ biến động giá cổ phiếu GameStop.

Và mới đây, trên Twitter, tỉ phú Elon Musk còn ngỏ ý mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia đàm thoại Clubhouse. Phát ngôn viên của Điện Kremlin đã phản hồi rằng: "Đó là một đề nghị thú vị, có điều chúng tôi cần xem xét thêm".

Danh sách những người nổi tiếng tham gia trò chuyện trên Clubhouse còn bao gồm danh ca Oprah Winfrey, diễn viên Lindsay Lohan, nghệ sĩ hài Kevin Hart, đạo diễn Chris Rock, rapper Vanilla Ice, người mẫu Ashton Kutcher và thậm chí cả Mark Zuckerberg (ông chủ của Facebook).

Mạng xã hội Clubhouse với ứng dụng audio trở nên bùng nổ chỉ sau 11 tháng ra đời. Ảnh: The New York Times

Mạng xã hội Clubhouse với ứng dụng audio trở nên bùng nổ chỉ sau 11 tháng ra đời. Ảnh: The New York Times

Clubhouse phát triển nhanh nhờ audio vượt trội

Clubhouse phát triển nhanh nhờ những lợi thế vượt trội về âm thanh (audio). Những cuộc đối thoại qua lại nhiều điểm cầu trên Clubhouse đi kèm với cảm nhận chân thực về giọng nói và ngữ điệu, chắc hẳn có khả năng xây dựng mối quan hệ thân thuộc nhanh hơn hàng tá bài đăng hay tin nhắn trên các mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook hay Twitter.

Bên cạnh điểm mạnh là khả năng mở mic nhiều đầu cầu cùng một lúc, Clubhouse còn đồng thời cho phép người dùng dạo qua các phòng chat như thể họ đang đi từ sân khấu này sang sân khấu khác trong một hội nghị kinh doanh hay một lễ hội âm nhạc.

Ở cấp độ người dùng, một số người chú ý rằng kể từ khi cài đặt ứng dụng, thời gian họ bỏ ra cho ứng dụng này đã cao hơn đáng kể so với bất kỳ mạng xã hội nào khác, hơn cả TikTok, Twitter hay Instagram. Đó là một dấu hiệu cho thấy sức lôi cuốn của một mạng xã hội âm thanh. Có lẽ một khi Clubhouse mở cửa cho công chúng, lượng người dùng của ứng dụng sẽ tăng lên đến hàng chục triệu người.

Đầu năm nay, tại Hoa Kỳ, thị trưởng các thành phố San Francisco (bang California), Miami (Florida), và Austin (Texas) cùng tham gia vào một phòng chat trên Clubhouse, nỗ lực tuyên truyền về thành phố của mình như điểm đến lý tưởng của các công ty công nghệ. Hàng ngàn giám đốc doanh nghiệp, nhà đầu tư, và nhân lực ngành công nghệ đã lắng nghe cuộc trao đổi này.

Tháng 1/2021, tại Đức, hai người dẫn chương trình podcast là Philipp Klockner và Philipp Gloeckler bắt đầu chuỗi lời mời qua một nhóm Telegram, đưa những người có ảnh hưởng, nhà báo và chính trị gia Đức đến với nền tảng này, góp phần vào sự thăng tiến vượt bậc của Clubhouse.

Clubhouse cũng đã từng thu hút rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho đến ngày 8/2/2021, khi chính phủ Trung Quốc chặn ứng dụng này để ngăn người dùng Clubhouse thảo luận về một số chủ đề nhạy cảm liên quan đến chính trị.

Rapper Vanilla Ice đã nhiều lần trò chuyện với người hâm mộ trên ứng dụng Clubhouse. Ảnh: Getty Images

Rapper Vanilla Ice đã nhiều lần trò chuyện với người hâm mộ trên ứng dụng Clubhouse. Ảnh: Getty Images

Khi bị chất vấn, Clubhouse cam kết sẽ loại bỏ nội dung phân biệt chủng tộc, ngôn từ kích động thù địch, vấn đề thông tin xấu độc, sẵn sàng có quy trình điều tra và giải quyết mọi vi phạm. Mặc dù vậy, để hiện thực hóa cam kết này không phải điều dễ dàng.

Clubhouse có điểm yếu nào?

Tốc độ phát triển nóng của Clubhouse dường như cũng bộc lộ điểm hạn chế của một nền tảng đối thoại audio nhiều điểm cầu và ứng dụng này đã có lúc "sập" tạm thời. Đó cũng là một phần lý do mà Clubhouse mới chỉ nhận đăng ký đối với những ai được mời vào bởi người dùng đã có tài khoản.

Theo đại diện của Clubhouse, nền tảng này chưa mở rộng cho tất cả mọi người vì họ muốn xây dựng cộng đồng một cách cẩn thận và muốn chuẩn bị các tính năng để tải được số lượng người lớn. Nhà sáng lập Paul Davison từng gọi việc có quá nhiều người gia nhập Clubhouse là "điên rồ". Thực tế, vấn đề kiểm duyệt nội dung cũng đặt ra bài toán khó giải cho mạng xã hội audio như Clubhouse.

Nguồn: Theo Bloomberg, The New York Times

N.A

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mang-xa-hoi-clubhouse-co-gi-dac-biet-khien-facebook-va-twitter-phai-thay-doi-theo-20210217213926612.htm