Mạng xã hội đã 'tiếp tay' cho vụ sụp đổ ngân hàng SVB như thế nào
Vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, diễn ra trong vòng chưa đầy 48 giờ, được cho là đã có sự 'tiếp tay' của truyền thông xã hội.
Các khách hàng đã rút 42 tỷ USD - gần 1/4 tổng số tiền gửi của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) - chỉ trong một ngày, dẫn đến vụ phá sản chóng vánh lớn thứ hai trong lịch sử của một ngân hàng Mỹ.
Tình huống rút tiền nhanh chóng như vậy đã đặt ra câu hỏi về sự mong manh của các tổ chức tài chính trong một môi trường kỹ thuật số được đánh dấu bằng việc rút tiền mặt dễ dàng và sự lan truyền thông tin không thể kiểm soát trên phương tiện truyền thông xã hội cũng như các không gian trực tuyến khác, nơi mà sự hoảng loạn của một số ít người có thể bùng phát thành một cuộc "tháo chạy" hàng loạt.
Các chuyên gia nói với ABC News rằng tình trạng "tháo chạy" như vậy càng có nguy cơ lớn hơn ở một nhóm người gửi tiền có chung ngành và mối quan hệ xã hội, như những người gửi tiền tại SVB.
“Đây là cuộc tháo chạy ngân hàng do Twitter 'châm ngòi' đầu tiên", Hạ nghị sĩ Patrick McHenry, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, cho biết trong một tuyên bố vài ngày sau sự sụp đổ của SVB.
Nhóm khách hàng gửi tiền tại SVB được tạo thành từ một nhóm tương đối nhỏ các công ty đầu tư mạo hiểm, công ty khởi nghiệp công nghệ và các nhà đầu tư lớn khác.
Sau khi một báo cáo tài chính tồi tệ vào ngày 8/3 gây lo ngại, một số người gửi tiền đã trao đổi về phản ứng của họ trong các nhóm chat WhatsApp và Slack dành cho các công ty khởi nghiệp.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng và các nhà đầu tư lớn khác đã bày tỏ mối quan ngại của họ trên Twitter, làm tăng thêm nỗi lo sợ về sự sụp đổ của ngân hàng.
Michael Burry, một nhà đầu tư nổi tiếng với việc dự đoán cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn năm 2008, đã cảnh báo trong một dòng tweet hiện đã bị xóa: "Có thể hôm nay chúng ta đã thấy Enron của mình."
Ngày 9/3, cổ phiếu của SVB đã giảm 60% do lo ngại về tình hình tài chính khó khăn của ngân hàng.
Theo doanh nhân Alexander Torrenegra, đến đầu giờ chiều cùng ngày, việc cổ phiếu SVB sụt giảm đột ngột đã chiếm lĩnh hoàn toàn các cuộc trò chuyện trực tuyến giữa những người sáng lập công ty khởi nghiệp.
Ông Torrenegra khi đó kể lại trên Twitter: “Tất cả các cuộc chat của tôi với các nhà sáng lập công nghệ ở Mỹ đều bùng cháy với những gì đang xảy ra. Rõ ràng là chúng ta có một ngân hàng đang cạn tiền. Thật kỳ lạ."
Founders Fund, một quỹ đầu tư mạo hiểm do nhà đầu tư tỷ phú Peter Thiel đứng đầu, đã rút toàn bộ tiền gửi vào ngày hôm đó - Bloomberg đưa tin.
Theo quy định, người gửi tiền được bảo hiểm lên tới 250.000 USD cho các loại tài khoản khác nhau trong trường hợp ngân hàng phá sản. Tuy nhiên, nhiều người gửi tiền tại SVB có giá trị tài khoản vượt quá 250.000 USD, gây rủi ro cho những người không thể rút tiền của họ trước khi ngân hàng bị phá sản.
Campbell Harvey, Giáo sư tài chính tại Đại học Duke, nói với ABC News: “Bởi vì thông tin xuất hiện nhanh hơn, bạn nắm được thông tin ngay trong thời gian thực, nó lan ra rộng rãi và khiến mọi người hành động ngay. Nếu bạn là nhóm đầu tiên thoát ra (rút được tiền khỏi ngân hàng), bạn sẽ nhận được 100% số tiền của mình và nếu bạn là nhóm cuối cùng, bạn có khả năng nhận được 0 đồng".
Hilary Allen, Giáo sư tại trường Đại học Luật Washington, Đại học Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về quy định ngân hàng, cho biết cộng đồng những người gửi tiền tại SVB tương đối nhỏ và gắn bó chặt chẽ đã góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ.
“Hầu như tất cả những người gửi tiền đều đến từ cùng một cộng đồng và một cộng đồng hoạt động trực tuyến rất mạnh”, Giáo sư Allen nói với ABC News. “Nếu bạn có tiền tại một ngân hàng như SVB, nơi mà phần lớn người gửi tiền làm trong ngành công nghệ, kết nối cao, và tất cả đều nói chuyện với nhau, thì đó là tình huống mà cơn hoảng loạn có thể thực sự bùng phát rất nhanh".
Nhưng chắc chắn rằng các nhà đầu tư rời khỏi ngân hàng có những lo ngại có cơ sở về sức khỏe tài chính của ngân hàng.
SVB đã đầu tư nhiều vào trái phiếu kho bạc dài hạn và trái phiếu thế chấp, thường mang lại lợi nhuận nhỏ nhưng đáng tin cậy trong bối cảnh lãi suất thấp. Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng mạnh lãi suất trong năm qua, số trái phiếu mà họ nắm giữ đó đã mất giá trị đáng kể.
Một ngày trước khi xảy ra cuộc rút tiền mặt ồ ạt, SVB thông báo rằng họ đã lỗ 1,8 tỷ USD khi bán số trái phiếu "đau khổ" đó.
Itamar Drechsler, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nhận xét: “Đây không hoàn toàn là một vụ tháo chạy. Ngân hàng đã gặp một rắc rối rất cơ bản". Tuy nhiên, tốc độ và khả năng tiếp cận của giao tiếp trực tuyến có thể đã đẩy nhanh sự sụp đổ của SVB.
Ông Dreschler giải thích: “Giống như một đám đông di chuyển cùng nhau rất nhanh, nếu họ quyết định rời khỏi một nơi nào đó, thì đó là một vấn đề. Nếu phối hợp nhiều hơn thông qua mạng xã hội và công nghệ thông tin khác, điều đó có thể khiến đám đông di chuyển nhanh hơn rất nhiều".
Các chuyên gia cho biết, mặc dù dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số cho phép rút tiền nhanh chóng và dễ dàng, nhưng sự sẵn có của một dịch vụ như vậy có thể đóng góp rất ít hoặc không đóng góp gì cho một cuộc "tháo chạy", vì công nghệ như vậy đã tồn tại trong nhiều năm mà không gặp vấn đề gì nghiêm trọng.
Để đối phó với sự phản đối kịch liệt và nguy cơ cuộc khủng hoảng sẽ lan rộng hơn, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), Bộ Tài chính và FED cuối cùng đã thực hiện một bước quan trọng vào ngày 12/3, tuyên bố với những người gửi tiền tại SVB rằng FDIC sẽ bảo vệ tất cả các khoản tiền của họ, bao gồm cả những khoản vượt quá hạn mức cho phép là 250.000 USD.
Cuối ngày hôm đó, FED công bố một chương trình cho vay khẩn cấp để trang trải các khoản tiền gửi có vấn đề và khôi phục niềm tin rộng rãi hơn vào hệ thống tài chính.
Ông Allen cho biết sự lan rộng của tâm lý hoảng loạn trên mạng có thể đã góp phần khiến chính phủ liên bang quyết định thực hiện hành động đặc biệt như vậy và ngăn chặn bất ổn xâm nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính.