Mạng xã hội góp phần tiêu thụ nông sản địa phương
Năm 2019, các nông sản địa phương được tiêu thụ tương đối tốt, nguyên nhân một phần là được quảng bá rộng rãi từ mạng xã hội.
Nông sản tiêu thụ tốt qua mạng xã hội
Chưa khi nào mận Bắc Hà được tiêu thụ nhanh với giá bình quân cao như năm nay. Toàn huyện có hơn 500 ha mận Tam hoa, sản lượng quả mận năm 2019 đạt khoảng 3.500 tấn, phân bố chủ yếu ở các xã: Na Hối, Tà Chải, Bản Phố và thị trấn Bắc Hà. Mùa mận Tam hoa kéo dài từ giữa tháng 5 đến nửa đầu tháng 6 hằng năm. Giá mận năm 2019 đạt bình quân 50.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg so với mọi năm.
Ngay từ đầu mùa mận, các tài khoản facebook đã rầm rộ quảng bá “mận Bắc Hà chuẩn có giá 80.000 đồng/kg” kèm theo clip quay trực tiếp tại vườn để người mua tận mắt chứng kiến quy trình hái và chọn mận. Các tài khoản facebook này ngay lập tức nhận được rất nhiều phản hồi, đơn hàng được thiết lập từ đó. Sau đó, mận được gửi xe ra thành phố Lào Cai, các địa phương khác rồi chuyển đến tay người tiêu dùng.
Chị Lê Thị Quỳnh Hoa, một người bán mận Tam hoa qua facebook, cho biết: Tôi không phải người trồng mận, nhưng trực tiếp đến vườn mận ngon ở Na Hối, chọn những quả mận chất lượng nhất, sau đó quay clip, chụp ảnh đăng facebook gom đơn, rồi gửi cho khách. Có thời điểm tôi bán được mận với giá 100.000 đồng/kg.
Hiện nay đang là mùa lê Tai nung, nhiều facebook cũng đăng bán, quảng bá lê Bắc Hà, lê Sa Pa giòn, ngọt khiến khách hàng không thể không click chuột chọn mua. Một sản lượng lớn lê từ hai địa phương này được tiêu thụ với giá dao động từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 100.000 đồng/kg, trong khi đó mọi năm giá lê Tai nung chỉ đạt mức 45.000 đồng/kg.
Bên cạnh hai loại quả đặc sản địa phương thì các nông sản khác như rau, củ ở huyện Sa Pa, xã Y Tý (Bát Xát) cũng được tiêu thụ mạnh qua mạng xã hội. Mạng xã hội đang góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ nông sản địa phương của Lào Cai.
Bà Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc Hợp tác xã hoa quả Thắng Lợi (Sa Pa) khẳng định: Quảng bá nông sản địa phương qua mạng xã hội rất hiệu quả. Hợp tác xã chủ yếu giới thiệu sản phẩm qua facebook, ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi và đạt sản lượng tiêu thụ tốt. Năm 2019, Hợp tác xã thu lãi 500 triệu đồng từ quảng bá và tiêu thụ riêng quả dâu tây, để được con số này, có phần lớn sự đóng góp từ quảng bá qua mạng xã hội.
Tận dụng tốt mạng xã hội
Hợp tác xã hoa quả Thắng Lợi là một trong những hợp tác xã tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch. Đây là địa chỉ tham quan vườn dâu tây quen thuộc của du khách khi đến Sa Pa. Để có được sức hút như hiện tại, hợp tác xã đã tận dụng nhiều kênh quảng cáo, trong đó tận dụng tốt mạng xã hội facebook để quảng bá cho vườn dâu tây. Theo bà Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc Hợp tác xã: “Mỗi lần đăng ảnh vườn dâu lên facebook, hợp tác xã nhận được rất nhiều phản hồi, rồi mỗi du khách đều check - in và đăng lên facebook, theo đó lượng tương tác tăng lên số nhân”. Đây thực sự là một kênh quảng bá hiệu quả cho hợp tác xã và thời gian tới sẽ được đầu tư nhiều hơn về hình ảnh đăng facebook để thêm nhiều du khách biết đến các sản phẩm của hợp tác xã.
Nhận thấy hiệu quả và sức lan tỏa khi quảng bá nông sản địa phương qua mạng xã hội, ngành nông nghiệp các huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng đến kênh quảng bá này. Theo ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, không thể phủ nhận hiệu quả mạng xã hội đem lại cho nông nghiệp địa phương. Những năm gần đây, thương mại điện tử đã phát triển rộng khắp, người tiêu dùng cởi mở hơn khi mua hàng qua mạng xã hội. Năm 2019, loại quả đặc sản của địa phương gồm mận Tam hoa, đào, lê được tiêu thụ mạnh qua mạng xã hội với sản lượng từ 20% - 25% trên tổng sản lượng tiêu thụ của toàn huyện. Đánh giá cao vai trò của mạng xã hội trong quảng bá và tiêu thụ nông sản địa phương, UBND huyện Bắc Hà rất chú trọng đến phát triển kênh bán hàng này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nông sản cũng rất quan tâm đến quảng bá qua mạng xã hội.
Mạng xã hội đang trở thành xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Nếu nắm kịp xu hướng này, tận dụng và phát triển nó, đây sẽ trở thành kênh hiệu quả giúp các địa phương quảng bá và tiêu thụ nông sản cho nông dân.