Mạnh dạn bước ra khỏi 'vùng an toàn', HTX nâng tầm giá trị thịt chua truyền thống
Tọa lạc ngay giữa lòng vùng miền núi Phú Thọ, HTX thịt chua Thanh Sơn (thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) không chỉ là một cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, mà còn là biểu tượng của sự kết hợp đầy sáng tạo giữa truyền thống và hiện đại. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua những nỗ lực nâng cao giá trị thịt chua truyền thống, mang lại trải nghiệm ẩm thực độc đáo cho người tiêu dùng.
Xuyên suốt quá trình thành lập và phát triển, HTX Thanh Sơn đặc biệt đề cao việc lưu giữ chất lượng và hương vị sản phẩm, đồng thời tích cực trong cập nhật xu hướng công nghệ, hướng đến tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng.
Bền bỉ giữ gìn đặc sản truyền thống
Từ trước tới nay, thịt chua vốn là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc Mường tại vùng núi tỉnh Phú Thọ. Chính vì vậy, đa phần các hộ kinh doanh mặt hàng này thường chỉ dừng lại ở quy mô gia đình, thị trường địa phương. Mặc dù đã có một số hộ đã mạnh dạn đưa sản phẩm đến các tỉnh lân cận, song hiệu quả về kinh tế và độ nhận diện lại chưa thực sự cao.
Đến cuối năm 2018, dưới sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, HTX Thịt chua Thanh Sơn chính thức ra đời với 10 thành viên là các hộ sản xuất vốn nhỏ lẻ tại địa phương. HTX hoạt động sôi nổi với mong muốn đưa món ăn truyền thống của dân tộc trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con miền núi.
Ngay sau đó, các thành viên HTX đã chủ động huy động vốn nhằm đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng khép kín. Nhờ vậy, dây chuyền sản xuất của đơn vị được trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc hiện đại như: máy trộn, máy thái thịt, máy hút chân không, máy xịt tương, kho ủ lên men, kho đông lạnh,...
Nói về ý tưởng này, anh Đinh Quốc Bình - Giám đốc HTX Thịt chua Thanh Sơn - chia sẻ: “Sau quá trình tìm hiểu nhu cầu thị trường và thực tế hoạt động của các cơ sở sản xuất thịt chua trên địa bàn huyện, tôi và các thành viên của HTX đã mạnh dạn đầu tư theo hình thức mới, không thực hiện sản xuất hộ đơn lẻ, manh mún mà chuyển sang nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thích ứng với cơ chế thị trường”.
Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch tả Châu Phi và đại dịch COVID-19, có thời điểm HTX bắt buộc phải tạm dừng sản xuất do hoạt động kinh doanh rơi vào trì trệ, thậm chí “đóng băng”.
Để sớm đưa hoạt động HTX trở lại “bình thường mới”, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, HTX đã tích cực đẩy mạnh tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, sự kiện kết nối giao thương, đồng thời kết hợp tuyên truyền trên “mặt trận” mạng xã hội. Nhờ đó, tình hình tiêu thụ thịt chua về cơ bản cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Chú trọng giao thoa truyền thống và hiện đại
Cũng theo anh Bình, thực chất, cách làm thịt chua không quá cầu kỳ nên chính nguồn nguyên liệu, các công đoạn cùng bí quyết tay nghề sẽ quyết định trực tiếp đến sự khác biệt của sản phẩm.
Theo đó, HTX Thanh Sơn luôn ưu tiên sử dụng 100% nguyên liệu sạch, nhập hoàn toàn từ Công ty cổ phần Nông nghiệp An Tâm kết hợp với gia vị gia truyền để tạo ra hương vị đặc trưng cùng độ giòn, dai tự nhiên của thịt.
Bên cạnh đó, các công đoạn hầu hết đều phải thông qua máy móc chuyên nghiệp tạo sự đồng đều về cả khối lượng, chất lượng. Nhờ vậy, quy trình và sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận ISO 22000:2018 về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để tăng sức cạnh tranh cho thịt chua truyền thống trên thị trường, HTX cũng sớm đăng ký nhãn hiệu tập thể, tạo bao bì và tem nhãn riêng, theo đó cung cấp trực diện thông tin xuất xứ của sản phẩm cho người tiêu dùng. Đến nay, HTX sản xuất chủ yếu các mặt hàng như thịt chua, nem sợi, cá thính và thịt thính. Trong đó, sản phẩm thịt chua hộp nhựa đạt OCOP 3 sao, thịt chua ống nứa đạt OCOP 4 sao.
Đặc biệt, vào mỗi dịp lễ, tết, HTX chủ động đầu tư, đổi mới, đa dạng mẫu mã bao bì sản phẩm theo 3 phân khúc gồm: bình dân, trung bình, cao cấp. Điều này hướng đến tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng, mở rộng “chức năng” quà biếu, quà tặng cho thịt chua truyền thống của đồng bào Mường nơi đây.
Mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường gần 10.000 sản phẩm, tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên tại địa phương. Với sự hỗ trợ của máy móc trong việc nâng cao năng suất lao động, doanh thu mỗi năm của HTX có thể đạt tới 2,5 tỷ đồng. Qua đó HTX tạo việc làm ổn định cho người lao động, thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng tùy thời điểm.
Khó khăn là động lực cố gắng
Từ những lợi thế về uy tín thương hiệu, thịt chua HTX Thanh Sơn nay đã góp mặt tại nhiều đại lý, kênh phân phối, kênh bán lẻ tại 20 tỉnh thành trên địa bàn cả nước. Đồng thời, HTX cũng duy trì thực hiện nghiêm túc các quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện thực hóa mục tiêu tiến gần hơn tới thị trường các siêu thị lớn như Winmart, Go!, Co.opmark,...
Theo ông Đinh Quốc Bình, trước đây, các cửa hàng kinh doanh bia cũng là một thị trường tương đối tiềm năng và ổn định của HTX. Song, kể từ sau khi Nhà nước siết chặt quy định về đồ uống có cồn, kênh tiêu thụ này cũng giảm hiệu quả đáng kể. Đây là động lực để HTX tiếp thu và điều chỉnh phương thức tiếp cận khách hàng sao cho vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa phù hợp với xu thế chung của thị trường hiện đại.
Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, HTX đã sớm “bắt nhịp” thời thế khi đưa sản phẩm xuất hiện trên các trang thương mại điện tử, mà điển hình nhất là TikTok - một “mảnh đất” vô cùng màu mỡ hiện nay. Tuy vậy, để vận hành các kênh này, HTX vẫn phải thuê thêm lao động có chuyên môn, bởi lao động tại đơn vị hiện nay chỉ thuần sản xuất, ít có kinh nghiệm về công nghệ.
Cùng với đó, HTX hiện vẫn phải lấy nhà làm xưởng do thiếu hụt về quỹ đất và nguồn vốn để xây dựng cơ sở riêng. Thực tế này cũng đặt cho HTX một bài toán vô cùng cấp bách nhằm tách rời nhà ở và xưởng sản xuất, mở rộng quy mô sao cho đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe của thị trường.
Rõ ràng, việc sản xuất sản phẩm theo quy trình an toàn, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị của đơn vị. Đây cũng là tiền đề quan trọng khi xây dựng thương hiệu thịt chua Đất Tổ trở thành sản phẩm đặc trưng và tiềm năng trong phát triển du lịch.
Bàn về định hướng trong thời gian tới, ông Bình cho biết HTX thịt chua Thanh Sơn vẫn sẽ cố gắng làm tốt quy trình sản xuất để giữ vững chất lượng sản phẩm, đồng thời có thêm 2 sản phẩm OCOP, xứng đáng với niềm tin của khách hàng.
“Chúng tôi cũng mong muốn Liên minh HTX Việt Nam cùng các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ thêm cho HTX về vốn, cơ sở vật chất và tập huấn nâng cao trình độ công nghệ. Như vậy HTX cũng có thêm cơ hội và sức mạnh vừa phát huy nghề truyền thống, vừa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương”, Giám đốc HTX Đinh Quốc Bình chia sẻ thêm.