Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập
Dù đã nhiều năm liền bám trụ với cây lúa, nhưng tình trạng 'được mùa, mất giá' tiếp tục diễn ra, nhiều nông dân phải chuyển đổi sản xuất từ đất lúa sang các loại rau màu, cây ăn trái. Đây là sự chuyển đổi có đầu tư về kỹ thuật, tìm hiểu về thị trường, có sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiêp... từ đó, ghi nhận nhiều mô hình hiệu quả.
Ông Kiện trồng thử nghiệm cây đậu nành rau trong nhà lưới
Cách đây khoảng 2-3 năm, trên diện tích đất của ông La Tráng Kiện, nông dân xã Vĩnh Thành (Châu Thành) đều đặn canh tác lúa 3 vụ. Theo ông Kiện, mặc dù học hỏi, áp dụng nhiều kỹ thuật như: “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”... nhưng việc sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do thời tiết, giá cả bấp bênh, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Đó là chưa kể đến khi bán lúa, nông dân phải thông qua “cò”, chưa có được sự liên kết bền vững, dẫn đến tình trạng chi phí đầu tư cao mà lợi nhuận thu được không đáng kể. Năm 2017, qua tìm hiểu thị trường và sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, ông Kiện đã mạnh dạn chuyển đổi thử nghiệm một phần đất lúa sang trồng đậu nành rau, với diện tích 5.000m2. Ông Kiện được trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) với mức giá 10.500 đồng/kg, khi thu hoạch đạt chất lượng (không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) còn được nhận thưởng bằng cách tăng giá sản phẩm cho nông dân. “Sau khoảng thời gian trồng từ 70-75 ngày, cây đậu nành rau đạt năng suất bình quân từ 1,2-1,3 tấn/1.000m2, lợi nhuận thu được từ 6-7 triệu đồng/1.000m2”- ông Kiện thông tin.
Sau thời gian trồng thử nghiệm thành công, ông Kiện đã mạnh dạn chuyển 2,2ha đất nhà và thuê thêm 3ha đất để canh tác cây đậu nành rau. Theo ông Kiện, đậu nành rau không phải là loại cây trồng mới mà nó đã được phát triển tại nhiều nơi trong tỉnh và cả nước nói chung. Tại An Giang, cây đậu nành rau được trồng nhiều ở huyện Châu Phú và Chợ Mới. Loại cây trồng này có thời gian sinh trưởng ngắn, nên phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đó là chưa kể đến việc cây đậu nành rau còn có tác dụng cải tạo đất tốt cho những nơi canh tác 3 vụ nhiều năm liền như xã Vĩnh Thành. “Quan trọng hơn là trồng đậu nành rau sẽ giúp nông dân có thu nhập ổn định, do có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhiều công ty như: Antesco, Food An... Bên cạnh đó, có thể sản xuất 4 vụ/năm, nâng cao hệ số vòng quay của đất. Do đó, tôi rất tin tưởng và mong muốn phát triển việc trồng đậu nành rau của gia đình” - ông Kiện phấn khởi.
Bên cạnh đó, được địa phương hỗ trợ xây dựng nhà lưới với diện tích 1.000m2, kinh phí xây dựng 48 triệu đồng, ông Kiện thực hiện mô hình trồng dưa leo trong nhà lưới kết hợp với nuôi ong mật, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Ông Kiện cho biết, do được trồng trong nhà lưới nên khi dưa leo ra hoa sẽ cho ong vào để giúp dưa thụ phấn tốt hơn. Đồng thời, nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt đã tiết kiệm được lượng nước, phân bón cũng như chi phí thuê, mướn nhân công. “Khi trồng dưa leo kết hợp nuôi ong sẽ hạn chế được sâu bệnh, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, quan trọng là xuất bán được nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, thời gian thu hoạch kéo dài hơn rất nhiều, nhờ vậy năng suất tăng lên, giá bán được cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn” - ông Kiện cho biết.
Trồng dưa leo hiệu quả, tuy nhiên từ khâu chăm sóc, thu hoạch lại tốn nhiều nhân công nên vừa xong vụ dưa leo ông Kiện đã cho trồng thử nghiệm đậu nành rau trong nhà lưới. Hiện tại, đậu nành rau trong nhà lưới phát triển tốt, cho trái nhiều, đặc biệt tiết kiệm đáng kể chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Bằng việc mạnh dạn chuyển đổi đi kèm với thành công trong áp dụng các mô hình sản xuất đã giúp gia đình ông Kiện có thu nhập bình quân hàng năm trên 1 tỷ đồng. “Nhờ vậy, tạo điều kiện cho gia đình nuôi dạy con ăn học đến nơi đến chốn và có công việc ổn định. Từ đó, tôi có thêm thời gian, điều kiện tham gia công tác xã hội - từ thiện và cùng với địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới” - ông Kiện chia sẻ.
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/manh-dan-chuyen-doi-san-xuat-nang-cao-thu-nhap-a256735.html