Mạnh dạn thay cũ trồng mới, nông dân Hậu Giang thu bạc triệu từ ổi lê VietGAP, dưa lưới hữu cơ
Nhờ mạnh dạn phá bỏ cây trồng cũ kém hiệu quả, đồng thời thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún sang liên kết, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, nhiều nông dân ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) đang giàu lên trông thấy.
Hơn 5 năm qua, mô hình trồng ổi lê Đài Loan tại xã Phương Bình nằm trong đề án tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu của huyện Phụng Hiệp. Mô hình được hỗ trợ thiết thực về kỹ thuật, vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ.
Thay cũ, trồng mới
Ông Huỳnh Phong, thành viên tổ hợp tác trồng ổi lê xã Phương Bình, cho hay gia đình có gần 1 ha trồng cây ăn quả (chủ yếu là cây có múi). Năm 2018, được sự hỗ trợ của tổ hợp tác, gia đình ông phá bỏ 3 công đất cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng ổi lê Đài Loan.
Đến nay, nhờ sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, vùng trồng ổi lê của gia đình ông Phong đang cho năng suất cao, tỷ lệ đậu trái và khả năng kháng sâu bệnh tốt, thu hoạch quanh năm.
Theo ông Phong, ổi lê Đài Loan có mẫu mã đẹp, vị ngon ngọt đậm đà, chất lượng cao nên đang được thị trường ưa chuộng, giá thành ổn định. Hiện, bình quân mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch 30 – 40kg ổi, bán với giá 9.000 - 13.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 60 - 80 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Ông Phong cho biết, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trong suốt quá trình thâm canh, gia đình ông chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, nói không với các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, thuốc kích thích tăng trưởng…
Việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng được tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” là đúng loại, đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời gian, qua đó đảm bảo hiệu quả sản xuất, đồng thời hạn chế dư thừa, tránh gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Không chỉ là những “cánh chim lẻ”, những nông dân làm ăn khấm khá từ trồng ổi lê VietGAP, vừa đảm bảo kinh tế, vừa an toàn môi trường, sức khỏe như ông Phương ngày càng nhiều ở Phương Bình.
Thống kê cho thấy, sau gần 6 năm triển khai, toàn xã Phương Bình hiện có gần 40 ha trồng ổi lê Đài Loan, hầu hết các diện tích được triển khai theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường.
Với sự hỗ trợ của địa phương, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, Tổ hợp tác trong việc hỗ trợ kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm, ổi lê đang cho thu nhập bình quân 250-300 triệu đồng/ha/năm, sau khi đã trừ chi phí ban đầu.
Đẩy mạnh hiện đại hóa
Cùng với ổi lê VietGAP ở Phương Bình, ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp cũng đang phát triển thành công hàng loạt cây trồng thế mạnh khác ở khắp các địa phương. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Bình Thành.
Một trong những “lá cờ đầu” trong phát triển cây dưa lưới ở Bình Thành là HTX dưa lưới Thuận Phát. Sau nhiều nỗ lực, HTX đã có những bước tiến mạnh mẽ nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ độc canh lúa sang trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao.
Ông Võ Văn Trưng, Giám đốc HTX, cho biết hiện HTX có khoảng 30 hộ, diện tích 4ha, cung cấp mỗi năm cho thị trường từ 250-280 tấn trái. Tới đây, HTX tiếp tục hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Mở rộng diện tích sản xuất, kết nạp thêm thành viên, đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Trung bình 1.000m2 thu hoạch khoảng 2,5 tấn, với giá bán hiện sau khi trừ chi phí người dân lãi khoảng 10%. Hiện nay, nông dân HTX đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó mà chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, sản phẩm làm ra luôn được thị trường ưa chuộng.
Theo ông Trung, HTX cứ xoay vòng trồng trong các hộ, bình quân từ 7-10 ngày cung cấp ra thị trường 7-8 tấn, giá hiện được công ty chuyên thu mua dưa lưới cung cấp đi toàn quốc. Nếu hộ nào chăm sóc kỹ, doanh thu 1.000m2 sẽ đạt gần 200 triệu đồng/năm.
Nhờ hoạt động hiệu quả, sản phẩm dưa lưới của HTX đã đạt chứng nhận GlobalGAP, có thực hiện ghi chép nhật ký và truy xuất nguồn gốc nông sản. Sản lượng và chất lượng sản phẩm của HTX rất ổn định và được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương và tăng thu nhập cho thành viên.
Định hướng phát triển bền vững
Có thể thấy, sự thay đổi về tư duy sản xuất đang thay đổi đời sống của nhiều nông dân Phụng Hiệp. Đáng chú ý, các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi cây trồng, nâng chất các mô hình sản xuất nông nghiệp, lồng ghép kết hợp để từng bước phát triển nông nghiệp và du lịch.
Như cây khóm MD2 (dứa/thơm MD2) bén duyên với vùng đất xã Phương Bình cách đây hơn 4 năm, từ 4ha ban đầu, giờ đây loại nông sản này đang dần phủ kín khu vực bờ bao Lung Ngọc Hoàng, với diện tích hơn 112ha.
Với đất đai phù hợp, cây khóm MD2 không chỉ cho vị ngọt thanh, năng suất bình quân đạt 7 tấn/công, mang lại thu nhập cho người dân hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Theo định hướng phát triển, cây khóm MD2 sẽ được mở rộng lên diện tích 2.000ha để gắn kết phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, người dân trồng khóm ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nông dân ở khu vực này đang ăn nên làm ra với cây khóm MD2. Trong tương lai nếu được gắn kết phát triển với du lịch thì càng phấn khởi hơn. Nông dân ở đây thì chân lấm tay bùn, nhưng nhiệt huyết nên cũng mong đợi các cấp chính quyền tổ chức triển khai các kỹ năng làm du lịch. Còn ở đây thì chúng tôi sẽ tổ chức bảo tồn các loài động vật hoang dã, cá đồng, bông súng, sen, để phục vụ khách du lịch trong tương lai”.
Với nền tảng đang có, thời gian tới, huyện Phụng Hiệp dự kiến tiếp tục tập trung phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết và giá trị.
Đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích người dân liên kết lại hình thành các vùng nguyên liệu, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác hình thành sản xuất lớn, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu.