Mảnh đất chờ gieo hạt

Văn học thiếu nhi thực sự không hề bé nhỏ như tên gọi. Trên các hội thảo, văn học thiếu nhi luôn được các nhà phê bình dành sự ưu ái. Đây là mảnh đất màu mỡ, chờ bao người ươm mầm, gieo hạt.

Nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học cho biết, điểm lại trên văn đàn xứ Tuyên, từ nhiều năm trở lại đây có khá nhiều tập sách viết cho thiếu nhi, tiêu biểu như: “Cuộc phiêu lưu của Chấm anh” (Lê Ngọc), “Jerry lên rừng học hái thuốc nam” (Đỗ Anh Mỹ), “Nhớ về Lũng Cú” (Cao Xuân Thái), tập thơ “Giấc mơ của bé”, “Phiên chợ trên sân” (Hoàng Kim Yến)... Ngoài ra, Báo Tân Trào tổ chức nhiều Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài thiếu nhi. Qua các tác phẩm, độc giả nhận thấy tác giả xứ Tuyên luôn biết tìm tòi, khám phá đổi mới bản thân mình trong việc mở rộng đề tài và tìm hướng khai thác mới mẻ, phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi.

Các hội viên phân hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật trong một chuyến thực tế viết về đề tài thiếu nhi.

Các hội viên phân hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật trong một chuyến thực tế viết về đề tài thiếu nhi.

Từng được in thành tập song ngữ Việt - Mông, tái bản lần 2 với số lượng gần 35.000 bản, tập thơ đố “Con gì nhăn nhó suốt ngày” của Cao Xuân Thái để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả nhỏ tuổi. Từ những sự vật hiện tượng gần gũi ngay quanh ta như: Nồi cơm, quả ớt, tổ ong mật, con gà trống, quả na... ông đã sáng tác những câu đố có vần vè hết sức dí dỏm, lý thú khiến độc giả ngỡ ngàng: “Như con rắn xanh/Bò lan, bò tỏa/Cõng nắng trên lưng/Vừa đi vừa đẻ...?”. Đáp án: Dây bí đỏ. Các em nhỏ ngẫm nghĩ hồi lâu, phân tích từng câu, từng chữ, tìm những từ chốt là cách tiếp cận và giải đáp bài thơ đố. Phải là người có con mắt tinh tế, trí tưởng tượng phong phú thì mới sáng tác được những câu đố độc đáo như thế.

Tác giả Vương Huyền Nhung được biết đến với những vần thơ tình lãng mạn, thế nhưng khi viết về con trẻ, chị lại khá thành công. “Bài thơ đố” của chị tạo được ấn tượng bởi tính hóm hỉnh, vui tươi và phù hợp với tâm lý tuổi thơ, mang lại cho các em bao điều thú vị: “Đầm mình phía bờ ao/Chỉ đợi lúc mưa rào/Đồng thanh kêu ếch ộp” hay “Đánh thức người hôm sớm/Chăm chỉ chẳng tính công/Thích hạt lúa trên đồng/Ò ó o là tớ”.

Viết cho thiếu nhi, nhiều tác giả thường đưa ra quan điểm rằng, người viết cho thiếu nhi là một nhà văn, nhà thơ, đồng thời cũng là một nhà giáo. Qua mỗi sự kiện, nhân vật gần gũi, người viết cần khéo léo lồng ghép để mang đến cho các em bài học nhẹ nhàng. Đó chính là ý nghĩa nhân văn trong mỗi tác phẩm dành cho con trẻ. Bài thơ “Mèo con vâng lời” của Ngọc Hiệp đã đoạt giải ba Cuộc thi thơ viết cho thiếu nhi năm 2018 do Báo Tân Trào tổ chức. Bài thơ như một lời nhắn nhủ các bạn nhỏ hãy biết yêu thương, lên tiếng bảo vệ những con vật có ích xung quanh mình, biết bảo vệ môi trường sống: “Bé thấy bảo luôn/Hãy đi rình chuột/Chim là bạn tốt/Bắt sâu giúp người/Mèo con vâng lời/Nghe theo lời bé/Vểnh râu khe khẽ/Phá khỏi tường rào/Trên cành cây cao/Chào mào lại hót/Cảm ơn bé tốt/Đã cứu loài chim”.

Cách cảm, cách nghĩ, ước mơ… của những đứa trẻ miền núi được các tác giả xứ Tuyên thể hiện sinh động qua các tác phẩm. Mỗi nhân vật đều mang trong mình những cá tính riêng, cách suy nghĩ hồn nhiên, ngộ nghĩnh của những cô bé, cậu bé miền núi tạo nên sức hấp dẫn riêng. Tập truyện ngắn “Ngày rời bản” của Phù Ninh tạo được sự gần gũi với độc giả bởi cách thể hiện mạch lạc, câu chữ giản đơn. Tác giả sử dụng tên đất, tên người, cách xưng hô quen thuộc với người dân tộc thiểu số. Những địa danh ở các thôn, bản miền núi ở xứ Tuyên như: Khau Tinh, Phạc Mạ, Cọ Cỏm, Sài Khao, bản Tầng... được tác giả nhắc tới trong các truyện ngắn. Mở đầu tác phẩm, tác giả miêu tả khái quát bức tranh bản làng bằng giọng văn nhẹ nhàng, giản đơn, dễ hiểu: “Bản Tầng xã Phúc Sơn của Chu là một bãi đất bằng trên đỉnh núi. Mùa hè thì ít phải dùng quạt. Nhà Chu ba gian, cột toàn bằng gỗ nghiến...” (Chiếc quạt lông chim).

Nhìn toàn cảnh bức tranh văn học thiếu nhi xứ Tuyên khá phong phú. Mỗi tác phẩm có giá trị được ví như một người thầy bồi dưỡng tâm hồn và định hướng cho các em trong cuộc sống. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, độc giả nhỏ tuổi sẽ được thưởng thức nhiều hơn nữa các tác phẩm hay của tác giả xứ Tuyên viết về thiếu nhi.

Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/manh-dat-cho-gieo-hat-132922.html