Mảnh đất màu mỡ để những hạt giống đổi mới nảy mầm, lớn lên và lan tỏa
Ở một huyện miền núi xa xôi, một nhóm thanh niên quyết tâm làm nông nghiệp sạch. Các bạn vay mượn để đầu tư nhà màng, đưa công nghệ về, kết nối mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm. Nhưng chỉ sau vài tháng, dự án dừng lại. Không phải vì thiếu vốn, không phải vì sản phẩm không tốt, mà vì thủ tục xin giấy phép kéo dài, mỗi nơi mỗi ý. Người trẻ, ý tưởng mới, nhưng pháp lý thì không theo kịp.
Mảnh đất màu mỡ để những hạt giống
đổi mới nảy mầm, lớn lên và lan tỏa
Lê Minh Hoan

Ở một huyện miền núi xa xôi, một nhóm thanh niên quyết tâm làm nông nghiệp sạch. Các bạn vay mượn để đầu tư nhà màng, đưa công nghệ về, kết nối mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm. Nhưng chỉ sau vài tháng, dự án dừng lại. Không phải vì thiếu vốn, không phải vì sản phẩm không tốt, mà vì thủ tục xin giấy phép kéo dài, mỗi nơi mỗi ý. Người trẻ, ý tưởng mới, nhưng pháp lý thì không theo kịp. Mọi thứ dừng lại vì… không quản được thì cấm. Chúng ta đã từng có rất nhiều “hạt giống tốt” như thế, nhưng tiếc thay, chúng chưa kịp nảy mầm đã bị dập tắt bởi những nỗi sợ vô hình, bởi một hệ thống pháp lý chưa đủ niềm tin, chưa đủ độ mở, chưa đi kịp tốc độ thay đổi của thực tiễn.
Tư duy cũ - tư duy mới: từ kiểm soát sang kiến tạo
Ngày trước, làm luật đôi khi với tâm thế phòng thủ, ngăn ngừa vi phạm, siết chặt quản lý. Khi Nghị quyết 66 -NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới ra đời, làm luật với tư duy dẫn dắt, giải phóng năng lực sáng tạo, tiếp sức cho cái mới, để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình tiến về tương lai. Luật không còn là “hàng rào” mà phải là “hành lang”, không còn là “vòng kim cô” mà phải là “bệ phóng”.
Trong khoa học và công nghệ, luật phải tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu thử nghiệm, chuyển giao kết quả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và nhất là không coi thất bại là tội lỗi. Khoa học không thể “nảy mầm” trong sợ hãi. Luật phải hướng tới xây dựng nền tảng vững chắc cho khoa học và công nghệ quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, sáng 18/5. Ảnh: Hồ Long
Trong đổi mới sáng tạo, luật cần tinh thần “mở” cho các sandbox, các thử nghiệm, mô hình khởi nghiệp linh hoạt. Bởi đổi mới là… thử và sai. Nếu cứ sợ sai thì không ai dám thử.
Trong chuyển đổi số, luật phải tính đến tốc độ công nghệ thay đổi hàng giờ, hàng phút, chứ không phải hàng năm như quy trình lập pháp truyền thống. Một chính sách chậm vài tháng có thể làm cả một thế hệ startup hụt hơi.
Trong kinh tế tư nhân, luật không chỉ gói gọn trong ưu đãi thuế hay tiếp cận vốn, mà phải là luật của sự tin tưởng, luật của khát vọng vươn lên, luật của doanh nhân dấn thân. Hãy để doanh nhân thấy pháp luật bước đi bên cạnh họ.
Trong chất lượng sản phẩm, hàng hóa, luật không chỉ tiền kiểm hay hậu kiểm, mà phải tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi được tư vấn, hỗ trợ. Luật không chỉ chế tài đối với vi phạm, mà nếu làm đúng, làm tốt sẽ được tôn vinh, từ thương hiệu doanh nghiệp tiến đến thương hiệu quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham quan Triển lãm "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân, sáng 18/5. Ảnh: Hồ Long
Pháp luật không chỉ “đúng”, mà phải
“
trúng”
Làm luật đúng, tức là không sai quy trình, đúng kỹ thuật lập pháp, không mâu thuẫn giữa các điều khoản và giữa các luật tham chiếu. Nhưng làm luật trúng mới là điều quan trọng hơn. Muốn trúng, phải hiểu người dân. Phải thấm được tâm lý của người thi hành. Phải soi vào thực tế từng ngành, từng vùng, từng tập quán.
Tâm lý học hành vi giúp ta hiểu vì sao một chính sách hỗ trợ lại ít người tiếp cận? Vì sao người dân không chịu chuyển đổi số dù có hỗ trợ? Vì sao doanh nghiệp ngại đăng ký sáng chế? Đó không chỉ là lỗi ở chính sách, mà có khi là vì cách thiết kế hành vi chưa đúng, chưa có cú hích tạo động lực, chưa có mặc định thuận lợi, chưa giảm thiểu chi phí hành vi.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, sáng 16/5/2025
Xã hội học lại giúp nhìn thấy những vết hằn trong văn hóa, trong niềm tin xã hội. Một luật tốt có thể đúng với đô thị, nhưng lại không phù hợp ở nông thôn. Một quy định tốt cho số đông, nhưng có khi lại bỏ quên người yếu thế. Hiểu được kết cấu xã hội, hiểu được sự đa dạng vùng miền, hiểu được lịch sử tương tác giữa người dân và nhà nước, đó là điều không thể thiếu trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật.
Làm luật với lòng tin -
thi
ết kế luật như một công trình xã hội
Pháp luật không chỉ là sản phẩm của một nhóm chuyên gia trong phòng kín. Pháp luật là kết tinh của tiếng nói cộng đồng, của sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân, giáo viên, công nhân, người khuyết tật, nhà khoa học. Khi luật mang hơi thở của cuộc sống, luật sẽ dễ dàng trở lại cuộc sống.
Làm luật như xây một ngôi nhà. Muốn nhà vững phải khảo sát nền móng, đó là thực tiễn xã hội. Muốn nhà ấm áp phải hiểu được hướng gió, ánh nắng, đó là tâm lý và văn hóa con người.
Một luật tốt là luật dễ hiểu, dễ làm theo, có cơ chế lắng nghe khi có vướng mắc, có không gian linh hoạt cho sự sáng tạo, có chế tài nhưng không mang tính hình sự hóa cuộc sống, có lòng tin vào con người, chứ không chỉ để “bắt lỗi”.
Từ “đèn sau đuôi xe” đến
“
á
nh sáng trê
n con
đường phía trước”
Nếu pháp luật chỉ đi sau để xử phạt, thì nó là đèn đỏ.
Nếu pháp luật đi trước để mở đường, thì nó là ánh sáng.
Nhớ lại câu chuyện hôm ấy, trong khu vườn nông nghiệp công nghệ cao, người nông dân trẻ hỏi: “Chú nghĩ xem, nếu mỗi tỉnh đều cho thử nghiệm công nghệ, cho sandbox đổi mới sáng tạo, cho cơ chế linh hoạt… thì tụi con đâu cần xin từng bước như vậy?”. Nghe câu hỏi mà trong lòng chùng lại. Cậu ấy đâu sai. Luật pháp, nếu kịp thời, nếu linh hoạt, nếu nhân văn, thì có thể thay đổi cả một thế hệ khởi nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khảo sát thực tế tại Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Pháp luật không chỉ là công cụ để kiểm soát, mà là biểu tượng của sự tin tưởng, là kết cấu xã hội đồng thuận, là ánh sáng soi đường cho những điều tốt đẹp, những cái mới, những điều chưa từng có. Tất nhiên, sẽ có cách tiếp cận khác đối với những luật liên quan đến an ninh quốc gia, tội phạm phi truyền thống.
Pháp luật sẽ đồng hành c
ù
ng tương lai, kiến tạo không gian phát triển
Đã đến lúc cần một chuyển hóa căn bản trong tư duy lập pháp theo tinh thần Nghị quyết 66, từ chỗ pháp luật chỉ để “quản lý và kiểm soát hành vi” sang pháp luật là “thiết kế thể chế”, tạo dựng không gian cho đổi mới và phát triển. Đó không còn là pháp luật chỉ “cứng rắn” với người dân, mà còn là pháp luật đồng hành, trao quyền, trao niềm tin.
Niềm tin không tự nhiên mà có. Nó đến từ cách luật được xây dựng có sự tham gia, có lắng nghe, có thử nghiệm. Nó đến từ cách luật được thực thi, không máy móc, không hình thức, mà đầy thấu cảm và đối thoại.

Nếu người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học thấy rằng “luật là để giúp tôi phát triển” thì sẽ chủ động tuân thủ. Họ sẽ nhìn pháp luật không phải là rào chắn, mà là bạn đồng hành. Và khi ấy, pháp luật trở thành mảnh đất màu mỡ để những hạt giống đổi mới được nảy mầm, lớn lên, và lan tỏa. Đó lại một lần nữa chính là tinh thần “đột phá của đột phá” từ Nghị quyết 66 - “vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển”.
Trình bày: Lan Anh