Mánh khóe thao túng tâm lý của 'bác sĩ mạng'
Tình trạng mạo danh bác sĩ, bệnh viện để quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng và các dịch vụ y tế tràn lan trên mạng đã không phải là chuyện mới. Nhưng điều đáng nói là nó liên tục tái diễn và mức độ thì ngày càng đáng báo động, dù đã có những nạn nhân tiền mất, tật mang.
Mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp các đơn vị kiểm tra đột xuất căn nhà của ông Hà Duy Thọ (phường 9, quận Phú Nhuận) - nơi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không phép của ông Thọ và bà Đặng Thị Tuyết Thu (vợ ông Thọ). Trước khi bị bắt quả tang, trên không gian mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và Facebook cá nhân của ông Thọ đã đăng tải nhiều nội dung tư vấn sức khỏe thiếu bằng chứng khoa học. Các video này thu hút được hàng trăm hàng ngàn lượt xem, ủng hộ từ nhiều người. Ngoài ra, tài khoản Facebook có tên "Bác sĩ Hà Duy Thọ" còn quảng cáo ông Thọ là bác sĩ dinh dưỡng Hà Duy Thọ và qua đó giới thiệu nhiều sản phẩm thực phẩm. Tại bàn khám, tư vấn có cả "Phiếu khấn nguyện trước khi ăn". Ông Thọ không trình ra được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ở thời điểm kiểm tra. Tuy nhiên với những người dân, trước những mánh khóe thao túng tâm lý, việc phân biệt bác sĩ thật – bác sĩ dởm không phải ai cũng có thể làm được.
Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) cũng vừa khởi tố 10 bị can về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hơn 7.000 người bệnh tiểu đường, huyết áp bị nhóm thanh niên giả danh bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lừa đảo bán thuốc, thực phẩm chức năng. Trước đó, trào lưu thải độc, chữa bệnh, làm đẹp bằng cách thụt tháo đại tràng từ cà phê hữu cơ (dành riêng cho thải độc đại tràng) ngày càng nở rộ là lan truyền một cách độc hại trên mạng xã hội và đã có người áp dụng theo đến mức phải nhập viện điều trị. Theo Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Tất Thành – Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đó là phương pháp phản khoa học, gây hại cho sức khỏe.
Với những chiêu trò thao túng tâm lý bài bản các "bác sĩ tự phong trên mạng" luôn cập nhật đan xen quảng cáo bán hàng cùng video hướng dẫn người dân nhận biết những biểu hiện, triệu chứng hay khuyến cáo phòng bệnh. Ban đầu, người xem tưởng đây là lời tư vấn của các bác sĩ bệnh viện lớn, uy tín nên nghe và làm theo. Một số thông tin đúng sẽ tạo được niềm tin cho người xem. Khi đã có niềm tin bởi những lời tư vấn tưởng như "nhiệt tình", "miễn phí", người xem tương tác nhiều hơn và sử dụng các sản phẩm mà bác sĩ dởm rao bán. Từ đó, người dân từng bước trở thành "con mồi" béo bở của các đối tượng này.
Là bác sĩ thường xuyên chia sẻ những kiến thức sức khỏe trên mạng xã hội, các kênh YouTube của báo chí, TS-BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện dinh dưỡng quốc gia cho rằng, không thể phủ nhận được vai trò của công nghệ thông tin trong việc phổ cập kiến thức về y tế đến người dân. Tuy nhiên, để sử dụng một cách hiệu quả, trước tiên người dùng mạng xã hội phải biết chọn lọc thông tin.
Cơ quan chức năng khẳng định quảng cáo trên mạng xã hội đang khó kiểm soát và mới phát sinh. Những người này đã dùng công nghệ để phát tán quảng cáo các loại thực phẩm chức năng hay các bài thuốc nhưng được thổi phồng như thần dược. Trên thực tế, các loại thực phẩm này đã được cấp phép lưu hành nhưng chỉ mang tính hỗ trợ điều trị.
Facebook, YouTube hay các nền tảng xuyên quốc gia khác đang là nơi xuất hiện phổ biến nội dung quảng cáo không theo mong muốn. Tuy nhiên, việc nền tảng hoạt động dựa trên thuật toán khiến cơ quan quản lý rất khó phát hiện. Bản thân người dùng cũng gặp nhiều khó khăn nếu muốn lưu bằng chứng hoặc phản ánh. Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi quảng cáo trên mạng xã hội để chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là hành vi trái pháp luật cần bị xử lý nghiêm.
Đầu tháng 10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023. Trong đó, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hoàn thiện theo hướng: Về quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, nghiên cứu làm rõ cách thức, biện pháp quản lý đối với hoạt động quảng cáo, trách nhiệm của từng chủ thể (người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý nhà nước đối với loại hình quảng cáo này). Về bổ sung các yêu cầu cụ thể đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt: Rà soát, làm rõ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan (Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, ...). Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cần tỉnh táo trước các chiêu trò quảng cáo của các đối tượng mạo danh bác sĩ và cần lên tiếng khi phát hiện các dấu hiệu sai phạm./.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/manh-khoe-thao-tung-tam-ly-cua-bac-si-mang-206569.htm