Mạnh tay hơn với hàng giả, hàng nhái
Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), cơ quan này cáo buộc các chợ tại Việt Nam như Bến Thành, Đồng Xuân và sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee chuyên bán hàng giả, hàng nhái, đánh cắp bản quyền.
Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), cơ quan này cáo buộc các chợ tại Việt Nam như Bến Thành, Đồng Xuân và sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee chuyên bán hàng giả, hàng nhái, đánh cắp bản quyền.
Điều này cho thấy, thực trạng hàng giả, hàng nhái đang bày bán công khai là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Vấn nạn này đi vào cuộc sống bằng nhiều con đường khác nhau và ngày càng tinh vi, chủ yếu là giả, nhái những thương hiệu nổi tiếng, có sự tin tưởng của người tiêu dùng. Do đó, việc phòng ngừa, phát hiện và bài trừ ngày càng gian nan, đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh tay hơn, chế tài xử phạt nặng hơn mới mong vấn nạn hàng giả, hàng nhái bị đẩy lùi.
Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành tiến công mạnh mẽ vào các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm kinh doanh hàng giả, hàng nhái nổi cộm, tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này. Những đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái thường sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi, như cất giấu hàng khi có mặt các cơ quan chức năng, bán hàng qua mạng xã hội, lưu trữ hàng hóa cùng với nơi ở tại các khu chung cư cao cấp được kiểm soát chặt chẽ việc ra vào. Bên cạnh đó, việc các sàn TMĐT ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái. Thực tế đã cho thấy, khi các chợ truyền thống bị lực lượng chức năng “sờ gáy” thì các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái lại tìm cách thay đổi hình thức kinh doanh, đưa hàng lên tiêu thụ tại các sàn TMĐT. Hàng hóa trên các sàn TMĐT hiện đang thiếu sự quản lý, kiểm định chất lượng, người bán thì đăng quảng cáo một đằng, nhưng giao hàng một nẻo. Điều này gây khó khăn cho hoạt động trinh sát, kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm, cũng như khám xét nơi cất giữ tang vật của lực lượng chức năng. Chính vì những kẽ hở này, tạo nên một làn sóng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường và khách hàng luôn là người phải gánh chịu thiệt thòi.
Do đó, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là trong lĩnh vực TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới phương thức quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để kiểm soát cả thị trường tiêu thụ và “đầu vào” của hàng hóa vi phạm. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, qua đó vừa góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, vừa thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, đồng thời tránh thất thu thuế cho Nhà nước. Quan trọng nhất, người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái khi tham gia mua, bán những mặt hàng này. Không “tiếp tay” cho các đối tượng gây lũng đoạn thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Bởi thực chất, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng là mắt xích quan trọng nhất. Nếu người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay các hàng hóa này, các tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần giúp thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/manh-tay-hon-voi-hang-gia-hang-nhai-638953/