Mạnh tay kiểm tra doanh nghiệp ngoại lỗ lũy kế

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về kết quả phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp FDI. Theo đó, với hơn 28.900 doanh nghiệp, doanh thu năm 2023 của khối này đạt khoảng 9,42 triệu tỷ đồng, giảm 4,3% so với năm liền trước. Tuy nhiên, đáng chú ý là lợi nhuận trước và sau thuế đều giảm khá mạnh, lần lượt 14,2% và 15,7% so với năm 2022.

Nghi vấn lỗ giả, lãi thật

Tính đến cuối năm 2023, số doanh nghiệp báo lỗ là gần 16.300 đơn vị, tăng 21% so với năm trước. Trong tổng số doanh nghiệp FDI được khảo sát, có tới 18.140 đơn vị ghi nhận lỗ lũy kế (tăng 15%); số này bao gồm gần 5.100 doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu.

Các lĩnh vực tập trung nhiều doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong năm 2023 và lỗ lũy kế nhiều năm gần đây là công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy và hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của nhóm doanh nghiệp này phần lớn cao hơn 2 và có tới 65% số doanh nghiệp ghi nhận âm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Câu chuyện này thực tế đã diễn ra hàng chục năm và hầu như không được cải thiện. Số doanh nghiệp báo lỗ hàng năm luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước, kéo theo phần thu ngân sách từ các nguồn thuế, phí sụt giảm ở nhiều lĩnh vực hoặc có tăng trưởng nhưng rất chậm.

Các chuyên gia nhận định rằng, cho đến hiện tại, chính sách quản lý thuế đối với khối doanh nghiệp này, nhất là các hoạt động chống chuyển giá và quản lý các giao dịch liên kết của ngành thuế và các bộ, ngành liên quan, chưa thật hiệu quả và không bắt kịp thực tiễn.

Trong năm 2023, thanh tra thuế đã phát hiện gần 600 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt trên 1.220 tỷ đồng, từ đó giảm lỗ gần 10.500 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, diễn biến chuyển giá để né thuế của các nhóm này vẫn rất phức tạp.

Ngoài các vụ việc chuyển giá thông qua kê khai giá hàng hóa cao, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ với chi phí lãi vay cao đã được phát hiện, xử lý, hàng trăm doanh nghiệp khác đều đang khiến dư luận đặt dấu hỏi về hoạt động chuyển giá, né thuế do doanh thu và quy mô đầu tư hàng năm tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước và sau thuế luôn duy trì lỗ lũy kế, thậm chí âm vốn chủ sở hữu.

Số thu nội địa của khối doanh nghiệp FDI đang sụt giảm hàng nghìn tỷ đồng hàng năm do báo lỗ và duy trì lỗ lũy kế

Số thu nội địa của khối doanh nghiệp FDI đang sụt giảm hàng nghìn tỷ đồng hàng năm do báo lỗ và duy trì lỗ lũy kế

Cần những “cây gậy” mạnh và trực tiếp hơn

Trước nghi vấn nhiều doanh nghiệp FDI “lỗ giả, lãi thật” như trình bày ở trên, cùng với báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính mới đây một lần nữa đã cảnh báo và đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp, tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra đối với các dự án đầu tư FDI đang hoạt động. Song song với đó, đẩy mạnh các biện pháp quản lý để phát hiện dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo các chuyên gia, việc chỉ dừng lại ở mức độ “cảnh báo”, “đề nghị” tăng cường quản lý vấn đề chuyển giá và giao dịch liên kết sẽ khiến kết quả chống thất thu ngân sách từ khối doanh nghiệp FDI kém hiệu quả. Bởi hiện nay, việc chống chuyển giá được xem là khâu yếu nhất của ngành thuế do pháp lý về lĩnh vực này chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng và chưa có văn bản hướng dẫn, khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện. Cơ quan thuế hiện tại cũng không có chức năng điều tra thuế, nên không xử lý được các trường hợp vi phạm có tính phức tạp, phạm vi rộng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, pháp luật hiện nay chưa có chế tài xử phạt riêng đối với hành vi chuyển giá mà chỉ quy định chung với các vi phạm thuế khác ở mức độ nhẹ, dẫn đến thiếu sức răn đe.

TS. Nguyễn Thị Hương – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để hạn chế hiệu quả hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, trước mắt các bộ, ngành liên quan cần sớm triển khai đồng loạt các giải pháp trực tiếp và có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện.

Theo đó, cần gấp rút hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP, cho phép các doanh nghiệp chứng minh giao dịch cho vay theo nguyên tắc giao dịch độc lập. Trong trường hợp giao dịch này đúng nguyên tắc giao dịch độc lập, doanh nghiệp được trừ toàn bộ chi phí tính thuế, kể cả trường hợp chi phí đó vượt 30% thu nhập của doanh nghiệp trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA).

Về lâu dài, bà Hương cho rằng cần thiết phải có Luật Chống chuyển giá để có những quy định, chế tài cụ thể đủ sức răn đe với các doanh nghiệp có hành vi chuyển giá, né thuế. Luật này nên quy định thời hạn thanh tra đối với hoạt động chuyển giá dài hơn so với thời hạn thanh tra thông thường; bổ sung quyền điều tra cho cơ quan thuế để đảm bảo việc thu thập thông tin và giá trị của các thông tin khi xử lý đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Các chuyên gia cũng đề nghị ngành thuế cần khẩn trương rà soát các doanh nghiệp, dự án FDI; xác định rõ phạm vi cần tiến hành các cuộc kiểm tra, thanh tra đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm theo chuyên đề chống chuyển giá. Cùng với đó, cần thiết lập thêm các bộ phận chuyên trách về chống chuyển giá ở các địa phương hoặc vùng có số lượng và quy mô doanh nghiệp FDI lớn và phức tạp, như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Long An… để kịp thời phát hiện, xử lý các đơn vị cố tình vi phạm về chuyển giá, né thuế.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/manh-tay-kiem-tra-doanh-nghiep-ngoai-lo-luy-ke-160702.html