Cung cấp các dịch vụ công chuyên nghiệp, chuyên sâu, theo quy trình minh bạch
y là kỳ vọng của PGS.TS Trần Chủng (Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng) đối với Bộ Xây dựng mới. Dưới đây là chia sẻ của PGS.TS Trần Chủng với Báo điện tử Xây dựng.

PGS.TS Trần Chủng.
Bộ Xây dựng mới sau khi sáp nhập, hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải mang một sứ mệnh rất lớn là xây dựng, phát triển hệ thống kỹ thuật hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ gắn với phát triển các chùm đô thị nhà ở, đô thị công nghiệp, nông thôn mới phục vụ tốt nhất nhu cầu của xã hội, hướng tới hội nhập quốc tế.
Không gian quản lý của Bộ Xây dựng là vô cùng rộng, từ quy hoạch xây dựng; phát triển đô thị và nông thôn; nhà ở, công sở, vật liệu xây dựng; hoạt động đầu tư xây dựng; xây dựng đến phát triển hệ thống công trình hạ tầng giao thông (gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải); công tác vận tải và an toàn giao thông.
Tôi cảm nhận được sứ mệnh vô cùng lớn lao của Bộ Xây dựng nhưng đồng thời tôi cũng kỳ vọng vào sự phát triển tương tác một cách không thể tách rời giữa các công trình giao thông và nhà cửa. “Đường phố” là từ mà dân ta thường nói, bây giờ sẽ luôn gắn kết với nhau và thực sự đầy đủ hướng tới các giá trị lớn nhất: “Vì con người”.
Là một cơ quan của Chính phủ có chức năng hướng tới các mục tiêu cốt lõi, những định hướng chiến lược của Đảng và các giá trị mang lại cho cộng đồng, tôi hy vọng, Bộ Xây dựng tới đây sẽ quan tâm nhiều hơn tới một số công việc.
Một là, chủ động tham gia xây dựng hệ thống pháp luật tạo thành công cụ hiệu quả để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước các hoạt động thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý. Thay mặt các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, tôi mong có nhiều công cụ pháp luật tạo môi trường thuận lợi huy động được nguồn lực xã hội tham gia xây dựng các công trình của ngành, để nhiều “doanh nghiệp dân tộc” thể hiện được khát khao đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Hai là, triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, đó là phát triển kinh tế - công bằng xã hội - bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực do Bộ quản lý.
Ba là, hình thành mô hình cung cấp các dịch vụ công chuyên nghiệp và chuyên sâu theo các quy trình minh bạch; hướng dẫn chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động hiệu quả các lĩnh vực của ngành.
Bốn là, chúng ta vừa đón nhận Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng thời điểm Bộ đang triển khai các công trình thế kỷ như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các công trình hiện đại trong các đô thị, khu công nghiệp… Vì vậy, tôi mong Bộ Xây dựng có chương trình hành động thực chất, tạo cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận, hiểu và làm chủ các công nghệ hiện đại hướng tới các công nghệ mới do người Việt Nam tự phát triển.
Năm là, một trong các nhiệm vụ quan trọng của quản lý Nhà nước là kiểm tra sự tuân thủ các chính sách, pháp luật trong thực tiễn. Phương thức kiểm tra nên dứt khoát từ bỏ cách thức tập trung “bắt lỗi” mà cần coi trọng nguyên tắc “phòng ngừa” để rút ra các bài học từ các sai sót, phát hiện các rủi ro mà cá nhân, doanh nghiệp cần phòng tránh.