Mạnh tay siết việc kiểm soát các 'gã khổng lồ' công nghệ

Những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới làm ăn, hoạt động ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối mặt với những thách thức, khó khăn được cho là sẽ còn lớn hơn trong tương lai khi Liên minh gồm 27 quốc gia thành viên này tăng cường sử dụng bộ công cụ pháp lý mới mạnh mẽ hơn để kiểm soát các 'gã khổng lồ' công nghệ toàn cầu.

Các tập đoàn công nghệ lớn đối mặt với nhiều thách thức pháp lý

Vào dịp tròn 1 năm sau khi Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) chính thức có hiệu lực trên lãnh thổ 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 25-8-2023, liên minh này đang ngày càng tăng cường sử dụng bộ công cụ pháp lý mới mạnh mẽ để kiểm soát các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Mới đây nhất, EU vừa giành được chiến thắng pháp lý đầu tiên sau khi buộc TikTok phải xóa vĩnh viễn 1 tính năng gây “nghiện” trong ứng dụng phụ.

TikTok phải đối mặt với những thách thức pháp lý lớn tại EU

TikTok phải đối mặt với những thách thức pháp lý lớn tại EU

Trước đó, vào tháng 4-2024, mạng xã hội TikTok đã triển khai ứng dụng TikTok Lite - một ứng dụng phụ tại Pháp và Tây Ban Nha, là (2 quốc gia thành viên EU). TikTok Lite là phiên bản nhỏ hơn của ứng dụng TikTok, chiếm ít bộ nhớ hơn trên điện thoại thông minh và được thiết kế để tải về các thiết bị có kết nối internet chậm hơn. Với chương trình TikTok Lite Rewards, người dùng từ 18 tuổi trở lên có thể kiếm điểm để đổi thưởng như phiếu mua hàng hoặc thẻ quà tặng thông qua chương trình phần thưởng của ứng dụng.

Cơ quan quản lý của EU lo ngại chương trình có thể dẫn tới hậu quả gây “nghiện” ứng dụng nên đã bắt tay vào điều tra và ra phán quyết buộc hủy bỏ vĩnh viễn chương trình TikTok Lite. Theo Ủy ban châu Âu (EC - cơ quan hành pháp của EU), TikTok ngày 5-8 vừa qua đã cam kết xóa chương trình TikTok Lite tại EU và không khởi chạy bất kỳ chương trình nào khác. Đây được coi là thắng lợi lớn đầu tiên cho Đạo luật DSA mang tính bước ngoặt của EU, một luật mới toàn diện yêu cầu các công ty công nghệ số hoạt động trong liên minh phải kiểm soát hiệu quả nội dung trực tuyến để bảo vệ người dùng. Phó Chủ tịch điều hành EC Margrethe Vestager cho biết, cơ quan này sẽ giám sát chặt chẽ việc TikTok tuân thủ cam kết.

Dù cuộc điều tra về chương trình TikTok Lite khép lại nhưng TikTok hiện vẫn đang là mục tiêu của một cuộc điều tra khác được EU mở hồi tháng 2 năm nay, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại rằng “ông lớn” mạng xã hội này có thể không làm đủ mạnh để giải quyết những tác động tiêu cực đối với người trẻ. Cuộc điều tra sẽ làm rõ việc liệu TikTok có vi phạm các quy tắc nội dung trực tuyến nhằm bảo vệ trẻ em và đảm bảo tính minh bạch quảng cáo hay không.

Không chỉ siết chặt quản lý với TikTok, EU còn mạnh tay xử lý một “ông lớn” công nghệ khác là Meta - tập đoàn mẹ của nhiều nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. EU ngày 16-8 vừa qua đã chính thức yêu cầu công ty Meta làm rõ các biện pháp cụ thể về quản lý thông tin sau khi tập đoàn mẹ của Facebook và Instagram này “khai tử” công cụ theo dõi cách thức thông tin sai lệch lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.

Meta trước đó 2 ngày (ngày 14-8) đã khai tử CrowdTangle, công cụ được các nhà nghiên cứu, tổ chức giám sát và nhà báo sử dụng rộng rãi để theo dõi các bài đăng trên mạng xã hội, đặc biệt là để theo dõi cách thông tin sai lệch lan truyền trên các nền tảng. Thay thế CrowdTangle, Meta dự định triển khai một công cụ mới có tên Thư viện nội dung (Content Library). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ, trong đó có cả cựu Giám đốc điều hành của CrowdTangle, đã lên tiếng cảnh báo rằng công cụ mới này không phải là sự thay thế hiệu quả, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử có khả năng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Quyết định “khai tử” CrowdTangle của Meta đang gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới sắp bước vào các cuộc bầu cử quan trọng. Công cụ này lâu nay được các nhà nghiên cứu và nhà báo tin tưởng sử dụng để theo dõi sự lan truyền các thuyết âm mưu, ngôn từ kích động thù hận và các nội dung độc hại khác theo thời gian thực trên các nền tảng của Meta như Facebook và Instagram. Vì vậy, EC yêu cầu Meta muộn nhất là vào ngày 6-9 tới phải đưa ra các kế hoạch chi tiết về cách thức mà công ty dự định cung cấp cho các nhà nghiên cứu quyền truy cập vào dữ liệu có thể truy cập công khai trên nền tảng của mình và cách thức công ty lên kế hoạch cập nhật các công cụ có chức năng giám sát bầu cử.

Bên cạnh vụ việc TikTok và Meta, từ đầu mùa hè năm 2024, các cơ quan quản lý của EU cũng liên tiếp ban hành các quyết định nhắm vào các “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu như Apple và Microsoft. Đáng chú ý, theo giới chức EU, từ nay đến cuối năm 2-2024, Liên minh này sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới hoạt động kinh doanh ở các quốc gia thành viên.

Cần phải điều chỉnh vì một không gian mạng an toàn

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kỹ thuật số và các nền tảng xuyên biên giới, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân, cạnh tranh không lành mạnh, thông tin sai sự thật, thông tin giả mạo… gây ra những hệ lụy khôn lường với các nước, xã hội cũng như mỗi gia đình trên thế giới. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi chính phủ các nước trên thế giới đưa ra những biện pháp phù hợp để làm cho không gian mạng an toàn, lành mạnh hơn.

Vấn đề kiểm soát các “gã khổng lồ” công nghệ, nền tảng xuyên biên giới càng được đặt ra cấp bách khi các tổ chức tội phạm, đặc biệt là các tổ chức khủng bố, cực đoan lợi dụng để có những hành vi, hoạt động; hay tác hại ngày càng lớn của chúng với giới trẻ…. Kể từ năm 2020, các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu liên tục lọt vào tầm ngắm của chính phủ các quốc gia trên thế giới.

Cùng với đó, các nền tảng công nghệ xuyên biên giới cũng đối mặt không ít chỉ trích về sự quản lý, giám sát lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng các nội dung xấu độc, thông tin sai lệch, kích động thù hận, hành vi phạm tội... tràn lan trên mạng xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng. Đây là nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến các quốc gia, tổ chức khu vực ngày càng siết chặt kiểm soát, quản lý với các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia bằng một loạt quy định quản lý khắt khe nhằm làm trong sạch không gian mạng.

Với mục tiêu tiên phong trong nỗ lực chung trên thế giới nhằm kiểm soát các tập đoàn công nghệ xuyên biên giới, EU vào tháng 8-2023 đã thông qua 2 đạo luật quan trọng là Đạo luật DSA và Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) nhằm đưa ra những khuôn khổ, chế tài pháp lý đối với các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới. Hai đạo luật cùng có hiệu lực kể từ cuối tháng 8-2023 này được trông đợi như những “người gác cổng trực tuyến”, giúp giải quyết hàng loạt vấn đề gây nhức nhối lâu nay liên quan các “ông lớn” công nghệ. Thành công trong việc áp dụng các quy định của EU được cho góp phần thúc đẩy xây dựng những bộ luật tương tự trên toàn cầu.

Sau bước đi tiên phong siết chặt kiểm soát các “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu của EU, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những động thái tương tự. Việc các quốc gia siết quản lý các nền tảng công nghệ xuyên biên giới là một xu hướng tiếp tục gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Các “ông lớn” công nghệ, mạng xã hội xuyên biên giới do đó đối mặt với đòi hỏi cần phải điều chỉnh, thay đổi nhằm thích nghi, tuân thủ các quy định và luật pháp các quốc gia sở tại nếu không muốn đối mặt với những rắc rối pháp lý và hơn hết là tạo niềm tin ở người dùng về trách nhiệm trong xây dựng không gian mạng an toàn.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/manh-tay-siet-viec-kiem-soat-cac-ga-khong-lo-cong-nghe-post586822.antd