Mạnh tay với doanh nghiệp nợ BHXH

Việc tháo gỡ ách tắc khi giải quyết vấn đề doanh nghiệp nợ BHXH chưa được thực hiện triệt để khiến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm

Mới đây, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn 1880/BHXH-CSXH hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động (NLĐ) tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH. Theo đó, NLĐ sẽ được xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Việc giải quyết các chế độ thai sản, ốm đau, hưu trí, tử tuất, BHXH một lần... đối với NLĐ sẽ căn cứ thời gian thực đóng BHXH đã được xác nhận.

Hứa nhưng không thực hiện

Công văn 1880 nêu rõ các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ BHXH gồm: đang làm thủ tục phá sản, đã có quyết định phá sản của tòa án, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đăng ký, không có người đại diện theo pháp luật.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có 2,79 triệu lao động bị doanh nghiệp (DN) nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên. Trong đó, hơn 2,13 triệu lao động bị chậm đóng BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các DN đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi.

Như vậy, hướng dẫn nêu trên sẽ phần nào tháo gỡ ách tắc trong việc giải quyết chế độ cho gần 213.400 NLĐ. Song, quyền lợi của số đông lao động bị nợ BHXH còn lại - nhiều người đã nghỉ việc, không tiếp tục tham gia BHXH - vẫn bị ách tắc, gây thiệt thòi.

Công nhân Công ty TNHH Asia Garment làm thủ tục khởi kiện doanh nghiệp để đòi nợ BHXH Ảnh: HƯƠNG HUYỀN

Công nhân Công ty TNHH Asia Garment làm thủ tục khởi kiện doanh nghiệp để đòi nợ BHXH Ảnh: HƯƠNG HUYỀN

Chị Trần Thị Phương Thu, nhân viên Công ty CP S.L (quận 7, TP HCM), cho biết tháng 3-2022, khi dùng ứng dụng VssID để tra cứu thông tin tham gia BHXH, chị phát hiện công ty không đóng BHXH từ tháng 8-2022 đến nay dù hằng tháng vẫn trừ lương. Chị đã nhiều lần khiếu nại nhưng công ty vẫn chưa khắc phục. Do vậy, đến tháng 5-2023, khi nghỉ việc, chị không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, sổ BHXH cũng chưa được chốt khiến chị lo lắng về việc tiếp tục tham gia và hưởng các quyền lợi BHXH sau này.

Trong khi đó, do sức khỏe giảm sút nên tháng 4-2023, anh Khương Hồng Thái xin nghỉ việc tại Công ty TNHH Dịch vụ Quản lý tòa nhà H.T (quận 7). Sau khi nghỉ, anh mới biết DN nợ BHXH từ tháng 10-2021 đến thời điểm thôi việc.

"Tôi liên hệ chủ DN, họ nói đang gặp khó khăn nên hỗ trợ tôi 3,3 triệu đồng nhằm bù đắp khoản trợ cấp thất nghiệp mà tôi chưa được nhận và hứa sẽ sớm khắc phục. Song, một năm đã trôi qua, công ty vẫn chưa thực hiện khiến tôi không được hưởng trợ cấp thất nghiệp lẫn BHXH một lần" - anh Thái rầu rĩ.

Nhiều doanh nghiệp "lờn thuốc"

Bị DN nợ BHXH, cách cuối cùng mà NLĐ lựa chọn để đòi quyền lợi là khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, quá trình khởi kiện tốn nhiều thời gian, công sức, NLĐ lại không am hiểu quy trình tố tụng nên gặp nhiều khó khăn. Nếu theo đuổi đến cùng, không phải ai cũng đòi được quyền lợi do DN chây ì thi hành án.

Chị Mai Thị Trang, nguyên là công nhân Công ty TNHH Asia Garment (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết đã đóng BHXH từ năm 2016 nhưng đến năm 2020, khi sinh con, chị không được thanh toán BHYT và hưởng chế độ thai sản. Qua tìm hiểu, chị mới biết công ty nợ BHXH của NLĐ từ tháng 11-2018 (đến nay, tổng số nợ khoảng 9,6 tỉ đồng).

Mong được trả lại quyền lợi chính đáng, năm 2021, chị Trang và một số công nhân quyết định khởi kiện DN này. Tuy nhiên, sau đó, nhiều người bỏ cuộc vì thấy quá trình khởi kiện tốn nhiều thời gian, công sức trong khi họ còn phải mưu sinh.

Riêng chị Trang nộp đơn khởi kiện đã hơn 2 năm nhưng không nhận được phản hồi nào từ tòa án, hiện vẫn tiếp tục chờ. "Tôi đã nộp đơn, chờ tòa gọi nhưng mãi không thấy trả lời. Điều này khiến tôi nghĩ rằng tham gia BHXH cũng không được hưởng quyền lợi. Do đó, hiện tôi đi làm cho DN tư nhân và không tham gia BHXH nữa" - chị Trang bày tỏ.

Theo quy định hiện hành, các chế tài xử lý DN nợ BHXH bao gồm xử phạt vi phạm hành chính với mức tối đa 75 triệu đồng. Tuy nhiên, không ít trường hợp NLĐ tự khởi kiện được tòa tuyên thắng nhưng không thể thi hành án, vì mức phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Việc ủy quyền cho tổ chức Công đoàn khởi kiện hay chờ đợi cơ quan chức năng xử lý hình sự lại ách tắc nhiều năm qua, chưa giải quyết được vụ nào khiến DN "lờn thuốc". Trong khi đó, NLĐ làm thủ tục hưởng các chế độ BHXH thì cơ quan BHXH từ chối giải quyết do vướng thời gian bị nợ.

Bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Long An, cho biết bà từng tham gia thanh tra một DN không đóng BHXH cho NLĐ. Giám đốc DN này ngang nhiên thách thức rằng cứ phạt đi họ sẽ đóng. Dù gì thì số tiền phạt cũng ít hơn số tiền phải đóng BHXH cho NLĐ.

"Lời thách thức ấy khiến chúng tôi ngao ngán nhưng đó là thực tế đang diễn ra. Do vậy, ngoài việc tăng chế tài xử phạt, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các DN nợ đóng, trốn đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và tính nghiêm minh của pháp luật" - bà Trang kiến nghị.

Tăng cường chế tài

Nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, bảo đảm quyền lợi của NLĐ, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất bổ sung một số biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để bảo đảm thực thi pháp luật BHXH.

Cụ thể, quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày, tương tự tiền chậm nộp thuế); cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên, hoãn xuất cảnh đối với trường hợp NSDLĐ trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra tòa án.

Bên cạnh đó, khi DN có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ Luật Hình sự, cơ quan BHXH có thể kiến nghị khởi tố. Ngoài ra, NSDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

HUỲNH NHƯ - HƯƠNG HUYỀN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/manh-tay-voi-doanh-nghiep-no-bhxh-20230625173232811.htm