Mạnh tay với doanh nghiệp xem thường an toàn lao động
Chỉ trong thời gian ngắn, tại một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, làm chết người ở các công trình đang thi công, xây dựng.
Có một thực tế, tại nhiều công trình đang xây dựng, chủ doanh nghiệp (DN), người sử dụng lao động thường xuyên dùng lao động thời vụ, lao động nhàn rỗi tại địa phương chưa qua đào tạo nghề, chưa được huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ); thậm chí sử dụng người lao động lớn tuổi (ngoài 60 tuổi), trẻ vị thành niên...
Chính vì không được đào tạo tay nghề qua trường lớp, không có kiến thức về ATLĐ nên họ làm việc chủ yếu theo thói quen, kinh nghiệm, không tuân thủ và thực hiện đầy đủ các hiệu lệnh, quy trình trong thi công (kiểu "điếc không sợ súng").
Thêm vào đó, chủ DN, người sử dụng lao động thiếu quan tâm về công tác ATLĐ, không tổ chức huấn luyện đào tạo, không trang bị phương tiện bảo hộ lao động cá nhân vì sợ tốn kém và để "né" đóng các loại thuế phí theo nghĩa vụ…
Vì vậy, hậu quả những vụ TNLĐ thường rất nghiêm trọng và người lao động luôn phải chịu thiệt thòi.
Để phòng ngừa các vụ TNLĐ nghiêm trọng, đã đến lúc lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn nữa đối với các hành vi vi phạm Luật An toàn - vệ sinh lao động. Cần tổ chức thường xuyên các cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại hiện trường đang thi công nhằm nhanh chóng phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, xem xét, tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động, Luật An toàn - vệ sinh lao động theo hướng nghiêm cấm chủ DN sử dụng người lao động đã trên 60 tuổi, trẻ vị thành niên... làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại công trình đang xây dựng.
Cần có những điều khoản quy định bắt buộc người lao động phải trải qua đào tạo nghề, có chứng chỉ nghề, chứng chỉ đã được huấn luyện, đào tạo ATLĐ...