Mạnh tay với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Theo Bộ Công an, nhiều quy định về trách nhiệm hình sự còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, chưa phù hợp với tình hình, diễn biến của tội phạm, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chưa góp phần giải quyết các vấn đề gây bức xúc trong xã hội... Do đó, dự thảo Bộ luật Hình sư (sửa đổi) bổ sung thêm nhiều quy định mới...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời gian qua, nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả tinh vi bị phát giác như vụ việc sản xuất hàng giả là thực phẩm liên quan đến kẹo rau củ Kera.

LIÊN TIẾP PHÁT HIỆN CÁC VỤ SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ THỰC PHẨM

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ sữa bột giả xảy ra tại Công ty cổ phần dược quốc tế Rance và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group.

Trong đó, quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood còn để ngoài số sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại Ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021, nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (gọi chung là sữa bột) tại thị trường trong nước, Vũ Mạnh Cường (SN 1979) và Hoàng Mạnh Hà (SN 1979) trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Các thành phần công bố sản phẩm như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột maca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.

Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Ngoài lập 2 Công ty Hacofood Group và Công ty Rance Pharma, Cường và Hà còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập ra 9 công ty, tạo nên một hệ sinh thái với mục đích để các công ty này đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy của Công ty Hacofood Group và Công ty Rance Pharma.

Mặc dù là chủ đích thực của Hacofood Group và Rance Pharma cùng các công ty trong hệ sinh thái này nhưng từ cuối năm 2024, cả Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà đã lần lượt chuyển giao cho người khác đứng tên làm Giám đốc đại diện pháp luật của Hacofood Group và Rance Pharma. Trên thực tế, cả Cường và Hà chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của 2 công ty và hệ sinh thái này.

Đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.

ĐỀ XUẤT PHẠT NẶNG TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ

Theo quy định hiện hành, việc sản xuất, buôn bán hàng giả bị xử phạt từ 2 năm tù đến 20 năm tù hoặc tù chung thân tùy theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội.

Bộ Công an cho rằng, nhiều quy định về trách nhiệm hình sự còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, chưa phù hợp với tình hình, diễn biến của tội phạm, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, chưa góp phần giải quyết các vấn đề gây bức xúc trong xã hội...

Do đó, tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt và một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo Điều 192 của dự thảo, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị phạt tù 1-5 năm, hoặc phạt tiền 200 triệu - 2 tỷ đồng (hiện hành 100 triệu - 1 tỷ đồng) nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 31% đến 60%; thu lời bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng (gấp đôi luật hiện hành); gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng (gấp đôi luật hiện hành).

Đặc biệt, ở khung hình phạt này, Bộ Công an đề xuất tình tiết mới là sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 tài khoản đến dưới 2.500 tài khoản theo dõi.

Trong khi đó, nếu sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 2.500 tài khoản đến dưới 12.500 tài khoản theo dõi để sản xuất, buôn bán hàng giả, mức phạt sẽ là 5-10 năm tù.

Trường hợp có từ 12.500 tài khoản theo dõi, Bộ Công an đề xuất mức phạt 10-15 năm tù.

Với Điều 193, Bộ Công an đề xuất tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt 2-5 năm tù (bằng với luật hiện hành).

Tuy nhiên, ở khung hình phạt 5-10 năm tù, Bộ Công an đề xuất tình tiết tăng nặng là hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên.

Như Nguyệt

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/manh-tay-voi-hanh-vi-san-xuat-buon-ban-hang-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu.htm