Mạnh tay xử lý, công khai cơ sở vi phạm

Dịp lễ Tết cuối năm là thời điểm gia tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao. Điều này đòi hỏi các sở ngành, địa phương cần quản lý, giám sát chặt chẽ, đặc biệt là mạnh tay hơn xử lý vi phạm.

Còn nương tay với cơ sở vi phạm

Thực hiện Kế hoạch số 284/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, huyện Ba Vì đã thành lập 35 đoàn kiểm tra về việc đảm bảo ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong gần hai tuần qua, các đoàn công tác của huyện đã tiến hành giám sát 136 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đang hoạt động trên địa bàn.

Đoàn liên ngành TP Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm tại Siêu thị Winmart Gardenia (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Đoàn liên ngành TP Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm tại Siêu thị Winmart Gardenia (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Bên cạnh tỷ lệ kiểm tra còn khá thấp, trong số 136 cơ sở được giám sát, huyện Ba Vì ghi nhận 9 cơ sở có vi phạm, với các lỗi chủ yếu là thiếu điều kiện vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ… Tuy nhiên trong số 9 trường hợp có vi phạm, chỉ 1 cơ sở bị xử phạt 2 triệu đồng; còn lại 8 cơ sở có vi phạm đều dừng ở biện pháp nhắc nhở.

Trong khi đó tại quận Nam Từ Liêm, thời gian qua, các đoàn kiểm tra đã tiến hành giám sát 167 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó, ghi nhận 25 đơn vị có vi phạm. Dù vậy, chỉ 12/25 cơ sở có vi phạm bị cơ quan chức năng địa phương xử lý. Trong số này, 10 cơ sở bị phạt tổng số tiền 24 triệu đồng, còn lại 2 cơ sở chỉ bị nhắc nhở.

Thị xã Sơn Tây được xem là một trong những địa phương khá mạnh tay trong xử lý vi phạm ATTP. Cụ thể trong tổng số 112 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được cơ quan chức năng giám sát, có 93/112 cơ sở đạt. Cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở với số tiền 33 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 25 triệu đồng. Dù vậy, vẫn có đến 11 cơ sở chỉ bị nhắc nhở, cho phép tự khắc phục tồn tại.

Quyết liệt xử lý cơ sở có vi phạm

Thực tế công tác kiểm tra của đoàn liên ngành TP thời gian qua cho thấy, việc thực hiện Kế hoạch số 284/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về bảo đảm ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã được các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai nghiêm túc. Dù vậy, việc ban hành kế hoạch của các địa phương nhìn chung còn tương đối chậm. Do việc ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo khá muộn nên kết quả kiểm tra còn chưa phong phú.

Điều 2 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy chừng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hoặc đình chỉ hoạt động…

Liên quan đến xử lý vi phạm, tại nhiều địa phương, công tác này được đánh giá còn khá nương tay. Đại diện một số địa phương lý giải, đối với các vi phạm nhỏ về điều kiện sản xuất, lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở để tạo điều kiện cho các đơn vị… tự khắc phục. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả các vi phạm đều cần được xử phạt hành chính bằng tiền.

Ông Ngô Đình Loát – Phó Trưởng đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội về ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cho rằng việc chỉ nhắc nhở mà không xử phạt vi phạm là tồn tại mà các địa phương cần lưu tâm.

“Những năm gần đây chúng ta đã thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhiều rồi, nay phải mạnh tay hơn trong xử lý vi phạm…” – ông Ngô Đình Loát nhấn mạnh.

Theo đó, ông Ngô Đình Loát đề nghị các địa phương cần tiếp tục đa dạng loại hình tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP trên địa bàn. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, cần công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện đại chúng để người dân biết, không lựa chọn sử dụng trong dịp lễ Tết 2022.

Trọng Tùng -

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/manh-tay-xu-ly-cong-khai-co-so-vi-pham.html