Mạnh tay xử lý tội phạm đường phố
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều nhóm thanh niên lợi dụng việc va chạm giao thông để có các hành vi phạm tội khác như: Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản...
Công an thành phố đã nhận diện, qua đó mạnh tay đấu tranh trấn áp loại tội phạm đường phố này.
Gia tăng tội phạm vị thành niên
Gần đây nhất, 3h30 ngày 8-10, Công an phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm tiếp nhận đơn trình báo của anh D, là sinh viên Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn về việc bị 4 đối tượng đi 2 xe máy cầm dao chém, dùng tay chân đánh và cướp 1 xe máy Honda - Wave Anpha màu xanh biển kiểm soát 26B2 - 867.xx trên đường Tố Hữu, đoạn trước cửa tòa chung cư Bắc Hà (phường Trung Văn). Đến 10h30 ngày 9-10, lực lượng công an đã xác định danh tính nhóm đối tượng trên, kịp thời bắt giữ, thu hồi tang vật.
Đáng chú ý, trong vụ án này, các đối tượng còn rất trẻ (sinh từ năm 2005 đến 2008), thậm chí cầm đầu nhóm là 2 anh em ruột Trần Gia K (sinh năm 2008) và Trần Duy K (sinh năm 2005) có hoàn cảnh đặc biệt sống ở 2 nơi khác nhau là quận Đống Đa và huyện Thường Tín, nhưng bỏ nhà đi lang thang, đồng thời đã từng là bị hại của những vụ cướp tài sản. Các đối tượng khai nhận do chơi bời lêu lổng nên đã nảy sinh ý định cướp tài sản của người đi đường vào ban đêm. Các đối tượng chuẩn bị hung khí là dao nhọn, lang thang trên đường phố để săn tìm “con mồi”. Không chỉ gây ra vụ cướp trên, đã có vụ việc, cả nhóm vờ va chạm giao thông để đánh và cướp của người đi đường...
Công an quận Hoàng Mai cũng làm rõ và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 9 đối tượng (sinh năm 2004-2005 chủ yếu sống ở ngoại tỉnh) về hành vi “Cướp tài sản”. Theo điều tra, ổ nhóm này tụ tập qua mạng xã hội do Ngân Văn Đông (quê ở tỉnh Thanh Hóa, đang thuê trọ tại Hà Nội) kết nối với các đối tượng ở Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương rủ nhau vào khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 1h hôm sau, thường vào cuối tuần, sẽ tụ tập tại Hà Nội, với mục đích đi thành đoàn, lạng lách đánh võng, lợi dụng va chạm giao thông để cướp tài sản. Vụ việc điển hình nhất xảy ra khoảng 2h ngày 5-8, nhóm đối tượng này đi đến hầm Kim Liên thì nhìn thấy 3 nam thanh niên đèo nhau bằng xe máy Honda Wave. Đông hô hoán cả nhóm đuổi theo. Đến trước số nhà 27 đường Đại Cồ Việt (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng), nhóm Đông đuổi kịp, đánh và cướp tài sản của 3 thanh niên. Gây án xong, chúng tiếp tục đuổi theo các nạn nhân đến cầu Sét, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Thấy nạn nhân bị ngã vào thành cầu, cả nhóm lục soát lấy điện thoại, bắt nạn nhân cung cấp mật khẩu…
Tăng cường vai trò của gia đình, nhà trường
Trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường phố, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Tổ trưởng Tổ công tác Y8/141, Công an thành phố Hà Nội nêu vấn đề, hiện các đơn vị nghiệp vụ, công an các quận, huyện, các tổ công tác 141 đang tập trung đánh mạnh, xử lý tội phạm đường phố, trong đó đấu tranh với các đối tượng tụ tập lạng lách đánh võng, mang theo hung khí đi trên đường… Trong quá trình làm nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường nhận thấy, còn không ít bộ phận thanh thiếu niên cổ xúy cho những hành vi vi phạm khi thường xuyên đứng xem chốt 141 làm nhiệm vụ, thông báo chốt cho các đối tượng trên mạng xã hội và tại hiện trường.
“Việc tụ tập đông sẽ gây mất trật tự công cộng, thậm chí khi cán bộ chiến sĩ chặn bắt người vi phạm, không ít thanh thiếu niên đã chạy theo ngược chiều đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Phòng Cảnh sát giao thông đã khuyến cáo đây là hành vi vi phạm pháp luật, không cổ xúy và làm theo” - Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường nói.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội phân tích, nếu không giải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng trên sẽ biến thành xu hướng của nhiều người trẻ. Có thể thấy hiện tượng trên đã và đang hình thành, tồn tại, là do chưa có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của lực lượng chức năng cơ sở. Không thể giải quyết "phần ngọn", phó mặc hết cho lực lượng công an mà quên vai trò gia đình, nhà trường, đoàn thể. Phải giáo dục hơn nữa, để con em nhận thức được ngay khi còn trên ghế nhà trường rằng đây là hành vi tiềm ẩn vi phạm pháp luật.
Theo Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người nào thực hiện hành vi tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở những nơi công cộng gây ra mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng; người có hành vi tổ chức thuê, xúi giục, hay lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động những người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng hoặc tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/manh-tay-xu-ly-toi-pham-duong-pho-645289.html