Mạnh tay xử lý video có nội dung lệch chuẩn
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video có nội dung nhảm nhí, giật gân, lệch chuẩn nhằm thu hút lượt người xem. Đáng lo ngại là những video này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, lối sống, quá trình hình thành, phát triển nhân cách của trẻ em. Do vậy, bên cạnh việc người xem cần tỉnh táo nhận diện được thông tin xấu độc để tránh bị lôi kéo, dẫn dắt tới những biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi, các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay xử lý tình trạng trên.
Phụ huynh cần quan tâm và định hướng cho con xem những video tốt trên mạng xã hội. Ảnh: Đỗ Tâm
Hậu quả khó lường
“Tình cờ nghe con trai cười đùa với các bạn, miêu tả lại các hành động phản cảm giống các video trên kênh YouTube như: Thử thách một ngày làm chó; nhốt em gái vào chuồng ngáo;… khiến tôi giật mình. Không biết từ lúc nào các video nhảm nhí, lệch chuẩn kể trên đã thu hút con trẻ xem đông như vậy?”. Đây là tâm sự của chị Lê Thu Trà, Khu đô thị Season, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) khi chứng kiến con trai đang học lớp 3 cùng các bạn bắt chước video trên mạng xã hội với tâm trạng đầy thích thú. Theo chị Trà, ngoài các trò chơi, trên mạng xã hội còn xuất hiện tràn lan những bài hát tự chế với lời lẽ thô tục, thậm chí, nhiều video phản cảm thu hút sự tò mò của người xem, đặc biệt là trẻ em.
Không chỉ sốc khi xem các video nhảm nhí trên mạng, anh Trần Tuấn Anh, phường Trung Tự (quận Đống Đa) còn bày tỏ sự bàng hoàng, xót xa về thông tin một cháu gái tên D. ở thành phố Hồ Chí Minh tử vong do dùng chiếc khăn voan làm theo video hướng dẫn trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên kênh YouTube mới đây.
Trước đó (tháng 11-2019), một bé trai tên K. ở huyện Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh) cũng dại dột sử dụng khăn quàng đỏ bắt chước theo video “thắt cổ nhưng vẫn thở được”. Rất may, do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên bé K. đã may mắn giữ được tính mạng. Còn tại Hà Nội, cách đây không lâu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiếp nhận một bệnh nhân 15 tuổi quê tỉnh Hải Dương học theo cách chế thuốc nổ trên kênh YouTube và đã bị đa chấn thương.
Theo một số chuyên gia tâm lý, sự xuất hiện của những video mang tính tiêu cực dành cho trẻ em trên mạng xã hội là vô cùng nguy hiểm. Nếu trẻ thường xuyên xem các chương trình bạo lực thì có nhiều khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn và dần vô cảm với xung quanh. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể có hành vi làm theo các hành động bạo lực, gây tổn thương đến cơ thể trẻ do chưa đủ nhận thức để hiểu biết đầy đủ về các nguy cơ từ những trò chơi này.
Theo luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (quận Cầu Giấy), nguyên nhân của tình trạng trên là do mạng xã hội ngày càng phát triển, trong khi việc kiểm duyệt nội dung video trước khi đăng tải hầu như bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, nhiều phụ huynh cho con em mình sử dụng điện thoại thông minh mà không có biện pháp giám sát, nhận thức của trẻ còn non nớt, thiếu kinh nghiệm cuộc sống nên dễ bắt chước theo các video lệch chuẩn trên mạng.
Kiên quyết xử lý
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xử phạt Nguyễn Văn Hưng (bên trái) do đăng video phản cảm trên kênh YouTube Hưng Vlog vào chiều 10-9-2020.
Trước những hệ lụy mà các video có nội dung lệch chuẩn gây ra, mới đây, ngày 20-10, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trong hơn 2 năm qua, cơ quan chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.300 video; 3 kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đồng thời cũng đề nghị Facebook gỡ bỏ gần 550 bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage có nội dung xấu, độc, mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện... Thời gian tới, Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công cụ kiểm duyệt nội dung trên không gian mạng; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Trao đổi vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nhấn mạnh, những video với nội dung nhảm nhí, giật gân, xấu độc sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của giới trẻ. Do đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng những "bức tường lửa" cùng các biện pháp mạnh để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các video này.
Về giải pháp lâu dài, theo Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, cùng với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, các cơ quan chức năng cần sớm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm quản lý và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần quan tâm theo dõi, giám sát và định hướng cho con xem những video tốt, tránh những video thiếu chuẩn mực.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền. Mong rằng, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và mỗi gia đình, những video xấu, độc hại, nhảm nhí tràn lan trên mạng xã hội sẽ sớm được ngăn chặn, loại bỏ.